Nhiều Việt kiều xem nhà mẫu tại dự án tòa nhà Sunrise City ở quận 7, TPHCM - Ảnh: Quốc Hùng. |
Cơ hội đã mở
Tại hội thảo các diễn giả cho rằng, nhu cầu mua và sở hữu nhà tại Việt Nam của cộng đồng người Việt ở nước ngoài là rất lớn. Theo ước tính, hiện có hơn 3 triệu người Việt Nam định cư tại hơn 100 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới. Trong đó có nhiều doanh nhân, chuyên gia, trí thức đang về làm việc tại Việt Nam. Đây là nhóm khách hàng có tiềm lực tài chính và được nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản trong nước hướng đến.
Theo ông Marc Townsend, Tổng giám đốc Công ty CB Richard Ellis Vietnam (CBRE), mặc dù kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn nhưng thị trường bất động sản vẫn được đánh giá là một trong những thị trường nổi bật và năng động trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Ông cũng cho rằng với những quy định mới cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà thông thoáng hơn, cụ thể là Luật sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1-9-2009, thì thị trường bất động sản đang có cơ hội phát triển.
Cùng quan điểm này, ông Danny Armstrong, Tổng giám đốc ngân hàng Commonwealth Bank tại Việt Nam, cho rằng thị trường bất động sản là một trong những thị truờng quan trọng nhất của nền kinh tế. Tại Việt Nam, có ba hình thức phổ biến để huy động vốn cho thị trường bất động sản bao gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay ngân hàng và nguồn vốn huy động từ khách hàng. Trong đó, vốn vay ngân hàng đóng vai trò quyết định và quan trọng không chỉ đối với chủ đầu tư dự án mà còn cả với khách mua nhà. Do đó, Commonwealth Bank hy vọng sẽ có vai trò tích cực - là người cung cấp vốn cho thị trường bất động sản thông qua các khoản vay dành cho cá nhân, doanh nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu mua ở, đầu tư hoặc chỉnh trang bất động sản hiện hữu.
Úc là nước có cộng đồng người Việt sinh sống thuộc loại lớn, và Commonwealth Bank phục vụ cho gần 57% đối tượng khách hàng này. Với lợi thế trên, Commonwealth Bank là một trong những ngân hàng đi tiên phong trong việc triển khai các sản phẩm vay mua nhà cho người nước ngoài và Việt kiều. Những Việt kiều tại Úc đáp ứng đầy đủ các điều kiện về sở hữu nhà theo quy định có thể dễ dàng tiếp cận khoản vay mua nhà của Commonwealth Bank tại Việt Nam mà không có sự khác biệt với các khách hàng người Việt.
Ông Armstrong cho biết khoản vay mua nhà được giải ngân từ tháng 7-2009 đến nay của Commonwealth Bank tại Việt Nam lên đến gần 200% so với 11 tháng trước đó, nhưng số lượng Việt kiều vay mua nhà tại Việt Nam được đánh giá vẫn còn ít. Điều này có thể do quy định về sở hữu bất động sản dành cho người nước ngoài và Việt kiều còn chưa rõ ràng, ông Armstrong đưa ra nhận xét.
Cần có hướng dẫn cụ thể
Ông Mark Fraser - Tổng giám đốc Hãng luật Fraser tại Việt Nam - cho rằng các quy định về việc cho phép Việt kiều mua nhà ở tại Việt Nam dù đã cởi mở hơn nhưng cũng chưa đáp ứng được mong đợi của phần lớn Việt kiều có mong muốn được sở hữu nhà tại Việt Nam.
Theo quy định, Việt kiều có quốc tịch Việt Nam hoặc chứng minh được là người có gốc Việt Nam chỉ có thể mua nhà “để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam”. Quy định này thoạt nghe có vẻ đơn giản, tuy nhiên trên thực tế để chứng minh là người “có gốc Việt Nam” hoặc xác nhận “quốc tịch Việt Nam” là một quá trình thủ tục hành chính phức tạp, nhiêu khê và tiêu tốn nhiều thời gian, chưa kể mỗi địa phương làm mỗi kiểu khác nhau, thiếu sự đồng bộ.
Vì vậy, mặc dù nhu cầu về quyền sở hữu bất động sản của kiều bào tại Việt Nam là rất lớn, nhưng trên thực tế từ năm 2004 đến nay, số Việt kiều được chính thức sở hữu nhà tại Việt Nam chỉ ước chừng 150 trường hợp, và chủ yếu là tại TPHCM.
Một số ý kiến cho rằng cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn nữa. Chỉ khi vấn đề thủ tục hành chính được cải thiện thì mới có thể khơi dòng chảy cho kiều bào mua nhà ở tại Việt Nam.
Quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài
- Người có quốc tịch Việt Nam được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên.
- Người gốc Việt Nam được phép cư trú từ ba tháng trở lên thuộc diện
người về đầu tư trực tiếp, người có công đóng góp cho đất nước, nhà khoa
học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của
Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam, người có vợ hoặc
chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.
- Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng nêu trên, được cấp giấy
miễn thị thực và được phép cư trú từ ba tháng trở lên thì có quyền sở
hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ.
(Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai)
Cafeland.vn - Theo TBKTSG