Từ cuối năm 2017, UBND thành phố đã ban hành về giá thuê công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung trên địa bàn. Đây không chỉ là căn cứ pháp lý để thu hồi vốn đầu tư xây dựng, mà còn là động lực giúp doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình xã hội hóa. Tuy nhiên, để chủ trương này thiết thực hơn với thực tế, các doanh nghiệp cho rằng các sở, ngành cần tham mưu, đề xuất để thành phố cho áp dụng mức giá thuê bảo đảm nguồn lực cho chủ đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
Ngày 20-11-2017, UBND thành phố ban hành Quyết định số 8051/QĐ-UBND về giá thuê công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung (tuy nen, hào, cống bể kỹ thuật) trên địa bàn Hà Nội - thay cho Quyết định số 4252/ QĐ-UBND ngày 12-8-2014 của UBND thành phố về việc ban hành giá cho thuê tạm thời công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.
Theo đó, bảng giá mới quy định cụ thể đơn giá các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng, thuê phần ống, bể; phần hào, tuy nen kỹ thuật với cáp thông tin và cáp điện lực. Trong đó, các mức giá khác nhau tùy theo đường kính của cáp và vị trí đặt cáp (ở cống, bể hay ở hào, tuy nen kỹ thuật) với đơn vị tính dựa trên mét dài/năm; giá thuê các loại dây, cáp được tính theo phương pháp nội suy với đường kính ngoài của loại cáp tương tự gần nhất.
Cụ thể, tùy theo đường kính, cáp thông tin có các đơn giá từ 1.524 đồng đến khoảng 95.000 đồng/mét dài/năm; cáp điện lực có giá thuê từ gần 12.000 đồng đến gần 95.000 đồng/mét dài/năm (chưa gồm thuế VAT). Việc áp dụng mức giá thuê này được tính từ ngày 1-1-2017. Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, đơn giá cho thuê theo Quyết định số 8051/QĐ-UBND áp dụng đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật (hào, tuy nen, cống bể kỹ thuật) đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.
Tại hội nghị "Hà Nội - Hợp tác và đầu tư" tổ chức tháng 6-2016, UBND thành phố đã ký thỏa thuận hợp tác với 4 doanh nghiệp viễn thông và điện lực (EVN Hà Nội, VNPT, Viettel, MobiFone), các năm sau có thêm các doanh nghiệp FPT và CMC về đầu tư xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật dùng chung. Sau 2 năm triển khai, đến nay các nhà đầu tư đã hoàn thành xây dựng công trình ngầm tại 49/121 tuyến phố, tổ chức thanh thải, hạ cột, cắt bỏ cáp thừa, cáp không sử dụng tại 44 tuyến phố. Sau khi hoàn thành công trình, các doanh nghiệp đầu tư tự quản lý, duy trì và cho thuê sử dụng công trình để thu hồi vốn đầu tư xây dựng.
Như vậy, mức giá trên được áp dụng với các công trình ngầm kỹ thuật sử dụng vốn ngân sách nhà nước mà thành phố đã đầu tư nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Từ năm 2016, thành phố chuyển đổi cơ chế đầu tư xây dựng và quản lý, duy tu, vận hành các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung theo phương thức xã hội hóa. Điều đó có nghĩa bên cạnh những công trình ngầm được đầu tư bằng vốn ngân sách, Hà Nội còn có các công trình được đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
Vậy, hình thức thuê, giá thuê như thế nào cũng là bài toán đặt ra, và các doanh nghiệp - chủ đầu tư công trình đặc biệt quan tâm đến việc này. Đại diện VNPT Hà Nội kiến nghị, các sở, ngành thành phố có liên quan cần tham khảo việc áp dụng giá thuê công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật của các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh để xây dựng đơn giá cho thuê công trình ngầm theo hình thức xã hội hóa...
Về vấn đề này, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho rằng, đối với công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung được đầu tư từ nguồn xã hội hóa, các doanh nghiệp đầu tư căn cứ đơn giá do UBND thành phố ban hành để tham khảo. Ngoài ra có thể áp dụng, hoặc căn cứ theo quy định tại các văn bản khác có liên quan để xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung do mình đầu tư; đăng ký giá thuê với cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Trường hợp các bên không thỏa thuận được giá thuê, cơ quan có thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá theo quy định...
Việt Nga (HNM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.