16/10/2013 7:47 AM
Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định mới về điều kiện được mua nhà ở xã hội, trong đó mở rộng các quy định về đối tượng được mua. Theo đó sẽ cho phép đối tượng có nhà ở nhưng diện tích bình quân trong hộ gia đình dưới 8m2/người, thay vì 5m2/người như hiện nay, được mua nhà ở thu nhập thấp. Đây được coi là sự “cởi mở” khi cả người mua lẫn người bán đều phải tuân theo những điều kiện, quy định bắt buộc khác với nhà thương mại.

Mặc dù các dự án nhà ở xã hội nhận được nhiều ưu đãi, nhưng một số chủ đầu tư dự án khi bán nhà lại đưa ra những điều khoản nhằm trói buộc người mua bằng tiền đặt cọc, dựng “rào cản” với những người muốn tiếp cận loại nhà này. Đối tượng mua nhà ở xã hội thường có thu nhập thấp, phải trông cậy vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nay chủ đầu tư lại đưa thêm điều khoản tiền đặt cọc, chẳng khác nào họ huy động vốn trước, phải trả tiền khi nhà chưa xây. Hơn thế, chủ đầu tư nhận tiền đặt cọc nhưng việc xét duyệt và “chấm điểm” hồ sơ lại phụ thuộc vào nhiều ban ngành khác.

Về phía chủ đầu tư thì lập luận rằng, họ muốn có sự cam kết từ phía khách hàng vì nếu không mua nữa sẽ gây rủi ro cho doanh nghiệp. Tiền đặt cọc là để giữ chân khách hàng trên cơ sở tự nguyện. Chủ đầu tư cũng lập một tài khoản ở ngân hàng để giữ tiền đặt cọc, cam kết không sử dụng vào mục đích khác. Tuy nhiên, nếu khách hàng không mua sẽ mất tiền đặt cọc. Trong khi đó, chủ đầu tư muốn được vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng phải đáp ứng nhiều điều kiện, trong đó có yêu cầu phải đủ danh sách khách hàng cam kết mua nhà.

Theo ý kiến của Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng, chủ đầu tư yêu cầu đặt cọc tiền để mua nhà, thì cần phải có cam kết ràng buộc như thời điểm nào phải giao nhà, nếu không giao, chủ đầu tư phải bị phạt, không thể đẩy mọi cái khó cho người mua nhà và để tránh rủi ro có thể xảy ra với người mua nhà. Liên quan tới chuyện nhà ở, đặt cọc, thế chấp ngân hàng, hiện nay đã có hàng chục vụ doanh nghiệp “thuê sổ đỏ” của người dân để bổ sung tài sản thế chấp ngân hàng. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp đúng cam kết trả lại sổ đỏ cho người dân thì không có vấn đề gì. Song, không ít doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, dẫn đến tình cảnh người cho thuê “sổ đỏ” mất nhà, kiện cáo kéo dài. Dạng phổ biến nhất là “nhử mồi” bằng tỷ lệ hoa hồng hoặc cho vay ké vì cá nhân cầm “sổ đỏ” lên ngân hàng cũng không vay được do phải chứng minh phương án kinh doanh, nguồn thu, phương án trả nợ. Vì thế, họ dễ cho doanh nghiệp mượn “sổ đỏ”, phó mặc cơ ngơi, tài sản để kiếm được ít tiền lãi.

Đan Thanh (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.