12/11/2022 7:20 AM
Sử dụng đòn bẩy tài chính với mong muốn thu lời nhanh chóng, nhiều nhà đầu tư đếm ngày “bom nổ” vì hàng không thoát được mà lãi suất vay liên tục tăng. Không chỉ mất tiền, có những người còn mất mối quan hệ, mất niềm tin.

Hình minh họa

Cồn cào ruột gan vì không bán được đất

Chị M. (Bình Dương) giao dịch thành công một mảnh đất nhưng không mấy vui vẻ vì phải cắt lỗ lên tới 400 triệu đồng.

Mảnh đất rộng 2.000m2 có 500m2 được đăng kí lên thổ cư, nằm ở huyện Ninh Sơn (Bình Thuận). Vị trí nằm cách mặt đường 100m, gần hồ, gần suối, được chị mua cuối năm 2021 với giá 1 tỉ đồng. Lô đất này chị tính giữ lại từ 6 tháng – 1 năm sẽ bán lại cho người dân địa phương có nhu cầu canh tác, sản xuất.

Tuy nhiên khi quá trình đầu tư bất động sản không đạt kỳ vọng khiến chị phải đăng bán sớm. Sau 6 tháng điều chỉnh giá, cuối cùng chị chấp nhận bị ép xuống, phải bán giá 600 triệu đồng để thoát được hàng.

“Hồi đó vay hơn 10 tỉ để đầu tư. Nghe ai nói khu nào có tiềm năng là mua hết, đắn đo nhiều sợ bỏ lỡ cơ hội. Giờ thị trường xấu, đất cần bán không bán được mà hết ân hạn lãi suất nên phải cố bán tháo, được mảnh nào hay mảnh đó, lấy tiền mà bù trăm triệu tiền lãi mỗi tháng”, chị M. chia sẻ.

Dù là nhà đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm nhưng chị M. vẫn phải thú thực rằng mình đã quá chủ quan khi chạy theo cơn sốt. Bản thân chị không có nhiều hiểu biết về phân khúc đất vườn, đất nông nghiệp nhưng thấy bạn bè thu lời khủng nên cũng muốn chen chân vào.

“Nghe tư vấn nói thì xuôi tai lắm, bảo là đầu tư trung - dài hạn chứ không phải “lướt sóng” nên không lo. Đất vườn nếu để không còn cho thuê khai thác được, trồng cây ăn quả kiếm tiền thụ động, nếu được mùa thì lại có thêm danh mục kinh doanh. Chỉ cần kiên nhẫn sẽ có quả ngọt” chị M. thuật lại lời môi giới.

Nhưng thực tế lại phũ phàng vô cùng, đưa đất vào sử dụng tốn không ít thời gian và tiền bạc. Thời gian đầu chị thuê người trồng cây nhưng khi hết vốn đành phải tạm ngưng để có tiền cân đối các khoản chi quan trọng hơn.

Thanh khoản thị trường xuống dốc, phân khúc đất nền dự án từng mang lại lợi nhuận khủng cho chị M. giờ nằm im hàng tháng trời không ai đến xem. Chị M. không còn cách nào khác phải rao bán cả các sản phẩm “đầu tư dài hạn”, “tiềm năng tương lai” dù biết sẽ khó bán, nếu bán được cũng sẽ phải cắt lỗ lớn.

Nhưng tình cảnh của chị M. hiện tại đang vô cùng nguy cấp. Số tiền 600 triệu thu về chỉ đủ cầm cự trong một thời gian ngắn. Khi đã đổ hết tiền vào những cơn sốt đất, chị M. lo lắng ngày “quả bom” nợ sẽ nổ.

“Chưa tất toán được gốc thì lại nghe tin lãi vay tiếp tục tăng. Ngày nào cũng thấy cồn cào ruột gan vì sợ vỡ nợ. Giờ bán được đất cũng chỉ để trả nợ thôi chứ không mong chờ lời lãi gì nữa”, chị M. cho hay.

Nhà đầu tư gánh lãi cả trăm triệu đồng/tháng vì vay tất tay chạy theo cơn sốt đất (hình minh họa)

“Cắt lỗ” không ai tin

“Tôi có 10 lô biệt thự liền kề, sẵn sàng cắt lỗ 1 tỉ đồng 1 lô” – Anh G. đăng tải bài viết vào một nhóm chuyên đầu tư bất động sản mong thoát được hàng. Thay vì nhận được các đề nghị thương lượng, anh G, bị các thành viên trong hội nhóm chỉ trích, xúc phạm vì bị cho là đăng “tin giả”, “thao túng thị trường”.

“Phải ngộp lắm thì tôi mới phải cắt lỗ sâu như vậy. Mức giá tôi đưa ra hoàn toàn có thể đối chiếu với hợp đồng giao dịch. Nói có sách mách có chứng như thế mà họ còn bảo tôi nói điêu. Đọc bình luận bức xúc lắm nhưng tôi vẫn phải vào xem vì lỡ có người muốn mua thật”, anh G. cho hay.

Chủ bất động sản cho biết có những người bình luận rất thiện chí, hỏi han kỹ càng, bảo sẽ nhắn tin riêng nhưng mãi không thấy liên hệ. Khi anh chủ động trao đổi thì “khách hàng tiềm năng” ậm ừ tìm cách từ chối.

“Họ chỉ hỏi để khảo giá thôi chứ đâu có muốn mua. Có khi còn không phải nhà đầu tư mà là môi giới, diễn cảnh thị trường sôi động để bán hàng thôi. Đọc nhiều bài đăng trong nhóm cũng thấy toàn môi giới đăng bài chứ chẳng có mấy nhà đầu tư thảo luận”, anh G. bức xúc.

Hình minh họa

Anh G. cho biết mình tham gia thì trường vì nhóm bạn thân rủ đầu tư chung. Bản thân anh không có nhiều kinh nghiệm đầu tư nhà đất vùng xa nhưng vì kinh tế vững nhất nên được giao vị trí thủ quỹ trong nhóm. Anh G. có cơ sở kinh doanh ổn định nên được nhóm bạn giao trọng trách vay ngân hàng để có thêm vốn đầu tư.

“Khi đầu tư thành công thì mọi người ai cũng hào hứng góp sức, góp ý tưởng. Đến khi thua lỗ thì bắt đầu đùn đẩy, trách móc lẫn nhau. Nhưng nói đến trả nợ thì mọi người im bặt, chẳng ai muốn gánh số lãi lớn này cả. Hợp đồng vay đứng tên tôi, tài sản thế chấp là của tôi nên tôi phải lo trả lãi. Có khi bán được đất chắc mọi người lại quay lại đòi chia phần vì sổ đỏ đứng tên chung”, anh G. chia sẻ.

Anh G. ngán ngẩm khi đầu tư thành công thì lãi tiền triệu còn khi thất bại lỗ thì lên tới tiền tỉ, tiền mất, bạn cũng mất. Anh lo lắng sẽ mất luôn cơ sở kinh doanh lẫn nhà cửa nếu không thanh toán được khoản nợ lớn trước mắt.

Nhà đầu tư mất bình tĩnh

Anh V. (hiện trú tại TP.HCM) cho biết vừa phải bỏ xứ lên phố làm việc kiếm tiền trả nợ sau khi thất bại trong đầu tư bất động sản. Bản thân anh là môi giới phân khúc đất nền, nhờ các giao dịch thành công nên cũng có vốn để đầu tư.

Thị trường thay đổi, đầu tư thua lỗ, anh V. không chỉ gặp áp lực về tài chính mà còn phải chịu áp lực về tinh thần vì khách hàng mất bình tĩnh sau thời gian dài không bán được hàng.

“Khi vay ngân hàng còn dễ, tôi hỗ trợ khách xoay tiền rồi cũng tiện đó huy động thêm vốn để đầu tư. Giờ không giao dịch được, khách nợ, tôi cũng nợ. Chưa tìm được việc để kiếm tiền trả nợ thì ngày nào cũng phải nghe khách gọi từ thúc giục đến đe dọa, mắng chửi. Chắc phải đổi số điện thoại cho đỡ áp lực”, anh V. cho biết.

Dù phía chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo rủi ro của việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn, khuyến cáo chỉ nên vay 30-50% giá trị tài sản, nhưng nhiều nhà đầu tư lại cho rằng như vậy sẽ bỏ lỡ cơ hội làm giàu. Hậu quả là phải gánh những quả “bom nợ” trong khi thị trường ngày một khó hơn.

Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.