08/03/2014 9:08 AM
CafeLand – Bất động sản chưa bao giờ mất đi sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Do đó, ngay cả khi thị trường nhà đất lao đao và rơi vào khủng hoảng sâu thì vẫn có nhiều ông lớn ngoài ngành sẵn sàng "chi đậm" nhảy vào xí phần miếng bánh nhà đất hiện nay.

Vết xe đổ của Mai Linh rất có thể được tái diễn với bất kỳ nhà đầu tư nào. Ảnh: Thanh Thịnh

Vết xe cũ vẫn còn đó

Ngay cả các tập đoàn kinh tế Nhà nước cũng là đối tượng lấn sân mạnh nhất vào bất động sản với một số cái tên tiêu biểu như EVN, PVL, VNPT, Vinalines… Ngoài ra, làn sóng nhảy sang nhà đất còn ghi tên những tập đoàn tư nhân “mạnh vì gạo bạo vì tiền” như Tập đoàn Mai Linh, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải,…

Tuy nhiên, rất nhiều “ngựa chiến” đã phải quay đầu thoái lui do ngậm phải quả đắng của thị trường nhà đất trong thời kỳ khủng hoảng. Chuyện tránh xa điểm đen thua lỗ và tập trung vào ngành chủ đạo còn xảy ra với cả với những tên tuổi kinh doanh lão luyện trong ngành bất động sản Việt Nam.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm vừa qua của HAGL, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết tỉ trọng doanh thu ngành bất động sản của tập đoàn chỉ còn 14% trong năm 2013, trong khi tỉ trọng doanh thu cao su sẽ tăng từ 1% lên 14%. Cũng trong năm qua, Vina Capital đã thoái vốn hoàn toàn khỏi 10 dự án và có 1 dự án thoái vốn một phần trên tổng số 36 dự án của công ty. Hay như Tập đoàn Hoa Sen đã rút khỏi mảng kinh doanh bất động sản để tập trung cho lĩnh vực cốt lõi là thép.

Tập đoàn Mai Linh là một ví dụ điển hình cho vết xe đổ của đầu tư ngoài ngành. Tập đoàn này từng một thời hùng mạnh với lợi nhuận khổng lồ từ lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải. Tuy nhiên, sau thời gian dài lún sâu vào đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, Mai Linh đã phải trả một cái giá rất đắt cho sự phiêu lưu của mình. Nợ nần chồng chất, tập đoàn này phải bán tháo đi khá nhiều tài sản để trang trải các khoản nợ cũng như trả lãi suất cho nhà đầu tư.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã từng nhận định, “Không chỉ Mai Linh mà nhiều doanh nghiệp khác cũng bị tình trạng tương tự, đó là những cái chết do nhảy vào bất động sản. Nhiều lắm”.

Lợi nhuận kỳ vọng luôn đi liền với rủi ro

Xu thế đầu tư ngoài ngành còn lan sang khá nhiều ngành nghề khác như chăn nuôi, du lịch, cơ khí, bảo hiểm… Năm 2013 cũng ghi nhận một số cái tên lạ xuất hiện trên thương trường bất động sản như: Công ty Cổ phần Lắp máy tại phường Phú Thượng, Công ty Cổ phần Chế biến sản phẩm chăn nuôi Hà Nội, Công ty Phát triển du lịch Long Biên... Và mới đây nhất là vụ đại gia bảo hiểm PVI Hodings nhảy vào bất động sản qua việc khánh thành Tòa nhà PVI (PVI Tower) tại 168 Trần Thái Tông, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cuối tháng 4/2013 cũng là thời điểm mà cái tên ôtô Trường Hải chính thức bước chân vào bất động sản khi Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh khởi công dự án Khu dân cư Đại Quang Minh ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trong đó, Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh là một liên doanh được thành lập từ đầu năm 2011 gồm 3 công ty trong nước với vốn điều lệ 3.500 tỉ đồng, gồm Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh nắm giữ 60% cổ phần, Công ty cổ phần Thương mại quốc tế và Tư vấn đầu tư Invecon nắm giữ 10% cổ phần và Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải nắm giữ 30% cổ phần. Bên cạnh đó, Trường Hải đã chi đến 1.102 tỷ đồng để mua cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh.

Ngoài ra, Đại Quang Minh còn liên danh với Tổng công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam (VIDIFI) tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng 4 tuyến đường giao thông chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Phối cảnh dự án Khu dân cư Đại Quang Minh

Được biết, khu dân cư Đại Quang Minh có diện tích 37,15 ha với số vốn thực hiện 10.000-12.000 tỉ đồng. Tổng số nhà ở trong khu này là 1.131 căn, bao gồm nhà ở kết hợp thương mại, biệt thự, khu chung cư phức hợp, khu chung cư thấp tầng.

Dự án Khu dân cư Đại Quang Minh là một dự án lớn cần số vốn đầu tư không nhỏ. Tính đến thời điểm hiện tại Đại Quang Minh cũng là nhà đầu tư nổi bật tại miền đất hứa Thủ Thiêm sau một vài tên tuổi khác như Saigontourist, Lotte…

Đến nay khu đô thị mới Khu thủ thiêm vẫn chưa thành hình. Tuy nhiên số vốn đầu tư đổ vào đây của Đại Quang Minh hay nói đúng hơn là ôtôTrường Hải đã rất lớn. Trong khi đó, tương lai của thị trường bất động sản vẫn còn khá mờ mịt. Giá bán tại các dự án tại Thủ Thiêm được dự đoán sẽ ở mức rất cao so với mặt bằng chung, vì vậy vấn đề đầu ra cho sản phẩm cũng là điều đáng suy nghĩ cho nhà đầu tư tại đây. Liệu trong một vài năm tới bất động sản có đủ sức phục hồi và vùng đất Thủ Thiêm có thể hoá rồng hay không còn là điều chưa chắc chắn. Do đó, việc mạo hiểm đầu tư mạnh tay vào nhà đất có thể được xem là canh bạc may rủi của tập đoàn ô tô này.

Trong lĩnh vực kinh doanh chính, Trường Hải từng được Chính phủ cho phép gia hạn nộp 1.200 tỷ tiền thuế nhập khẩu trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, đến ngày 1/3/2014, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải đã không còn được gia hạn nộp thuế nhập khẩu. Do đó, số nợ thuế mà doanh nghiệp này sẽ phải trả trong thời gian tới là rất lớn.

Vết xe đổ của Mai Linh rất có thể được tái diễn với bất kỳ nhà đầu tư nào. Kinh doanh luôn đồng hành với rủi ro, Trường Hải cũng có lý lẽ riêng khi có quyết định rẽ hướng như thế. Tuy nhiên, lịch sử hoạt động của thị trường bất động sản đã cho thấy tỷ lệ các nhà đầu tư thành công với sự mạo hiểm như trên là không nhiều./.

Khánh Linh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.