Sau gạch ốp lát, thép, giờ đến lượt ngành xi măng rơi vào tình trạng dư thừa công suất. Đã có một số nhà máy được các chủ đầu tư rao bán để lấy tiền trả nợ. Trong ngành, cụm từ “phá sản” đang được nhắc tới…
Đầu tư ngành xi măng: “Chết” vì vốn
Cty Xi măng Đồng Bành (Lạng Sơn) gia nhập thị trường xi măng cuối năm 2010
sau 4 năm xây dựng, nhưng đã lỗ 141 tỉ đồng
Vì đâu nên nỗi ?

Theo dự báo, năm 2012 toàn ngành sẽ thừa ít nhất 5 - 8 triệu tấn. Tuy vậy, năng lực sản xuất xi măng sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, vì hiện vẫn còn nhiều nhà máy lớn đang được xây dựng và theo quy hoạch, đến 2020 ngành xi măng VN sẽ có công suất 130 triệu tấn và trở thành một trong ba quốc gia sản xuất xi măng lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

80% nhà máy đầu tư bằng vốn vay

Tính đến hết năm 2011, VN có 120 dây chuyền xi măng đang hoạt động, với tổng công suất thiết kế gần 80 triệu tấn/năm, tăng gấp đôi chỉ trong vòng bốn năm. Tuy một số nhà máy mới vẫn chưa thể vận hành đến công suất tối đa, nhưng tình trạng dư thừa đã xuất hiện do nhu cầu dự báo cho cả năm nay trong nước tiêu thụ chỉ khoảng 58 triệu tấn. Vì vậy, trong 2012, nếu không tìm được lối ra, nhiều DN đã tính tới phương án phá sản…

Có thể nói, ngành xi măng đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nhất là những DN còn đang xây dựng nhà máy dở dang. Hầu hết các DN đầu tư nhà máy xi măng đều sử dụng nguồn vốn vay. Trong đó, có những DN vay đến 80% tổng nguồn vốn đầu tư. Bi kịch nhất là những đơn vị sử dụng nguồn vốn vay trong nước, với lãi suất 19 - 21,5%/năm. Đây là những DN sẽ bị phá sản trước tiên. Với những dự án chưa hoàn thành, DN có muốn đầu tư tiếp cũng không được, vì không ngân hàng nào dám giải ngân trong bối cảnh hiện nay. Cty Xi măng Đồng Bành (Lạng Sơn) là một ví dụ, gia nhập thị trường xi măng cuối năm 2010, sau 4 năm xây dựng, nhưng sau chưa đầy 1 năm hoạt động, đã lỗ 141 tỉ đồng và theo báo cáo mới nhất Cty này không có khả năng trả nợ. Được biết, năm 2006, Dự án xi măng Đồng Bành, công suất 910.000 tấn xi măng/năm được khởi công xây dựng, có tổng vốn 1.298,2 tỉ đồng, nhưng do tiến độ thi công chậm mức đầu tư đã đội lên 1.505 tỉ đồng. Điều đáng nói là, ngay từ thời điểm đầu tư dự án này, ngành chức năng đã có những cảnh báo về dư thừa nguồn cung xi măng.

Hơn nữa, theo đại diện Hội đồng Thành viên của Vicem, cho biết, các dự án xi măng thường được đầu tư bằng ngoại tệ. Sau thời gian khủng hoảng tài chính, lãi suất ngân hàng tăng... đang là gánh nặng lớn đối với DN xi măng. Riêng tại Vicem, với 7 dự án đưa vào sản xuất trong năm 2011, dự kiến các DN sẽ phải trả khoản nợ khoảng 3.200 tỉ đồng, tương đương mức vốn đầu tư mới một nhà máy xi măng lớn.

Một bầu không khí u ám đang bao trùm lên ngành công nghiệp xi măng. Nhiều người cho rằng, đó mới chỉ là khởi đầu của một cơn bão khủng hoảng đang ập đến.

“Hạ gục” các “anh cả”

Đã lường trước khó khăn, nên năm 2011 Vicem chỉ đặt ra mục tiêu lợi nhuận ở mức 1.251 tỉ đồng (giảm gần 350 tỉ đồng so với năm 2010). Các đơn vị thành viên của TCty cũng không dám kỳ vọng, nên cũng chỉ đưa ra mức doanh thu tăng khoảng 5 - 10%. Tuy nhiên, tính sơ bộ số lỗ chưa kiểm toán của Vicem 10 tháng năm 2011 là 220 tỉ đồng, điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm qua. Có thể nói, một DN có thương hiệu đã khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường xi măng, như Vicem mà còn thua lỗ khá nặng như vậy, thì những DN mới tham gia thị trường, chưa có tên tuổi, còn bi đát hơn. Sau bốn DN đầu tiên trong ngành xi măng mất khả năng trả nợ, phải cầu cứu Bộ Tài chính là xi măng Đồng Bành 45 triệu USD; Xi măng Thái Nguyên 59 triệu USD; Xi măng Tam Điệp 133 triệu USD; Xi măng Hoàng Mai 145 triệu USD. Tính đến nay, tổng mức bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án xi măng là 1.365 triệu USD với 16 dự án. Hiện nay có thêm 4 dự án xi măng xin được bảo lãnh đang lâm vào tình trạng khó có khả năng trả nợ. Trong số đó, ba đơn vị đang đề nghị bán lại nhà máy cho Vicem, nhưng bản thân Vicem cũng đang chật vật với các khoản nợ đầu tư nên khó mà nhận về.

Đặc biệt, khi BĐS đóng băng, sức mua của thị trường giảm sút là đòn mạnh giáng vào ngành xi măng đang trên đà mở rộng năng lực sản xuất. Chi phí đầu vào tăng mạnh, chi phí đầu tư 80% bằng vốn vay đã hạ gục những DN của ngành xi măng một thời được coi là “anh cả” của khu vực kinh tế nhà nước. Chi phí xăng dầu tăng 32-43%, điện tăng 15,28%, vỏ bao tăng 25% và than, nguồn năng lượng chính sử dụng trong ngành xi măng, tăng gần 90%. Nhưng không một DN nào dám nghĩ đến việc tăng giá bán. Làm như vậy sẽ lập tức mất thị trường và chết ngay. Chấp nhận bán dưới giá thành, chịu lỗ, dù sao cũng còn có thể kéo dài được ngày nào hay ngày đó, giám đốc một Cty xi măng chua chát nói.

Lối thoát ở đâu ?

Chia sẻ với chúng tôi, giám đốc một DN xi măng cho hay, theo tính toán, hàng năm, VN cần tiêu thụ một lượng lớn xi măng để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, nhà ở vốn còn đang rất thiếu. Vì vậy, phát triển công nghiệp xi măng là cần thiết. Nhưng nếu phát triển đến dư thừa để có thể dành một phần cho XK như tinh thần của quy hoạch ngành xi măng thì phải xem lại. Hơn nữa, về hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng từ XK xi măng không đáng kể, thậm chí có thể lỗ.

Để giải quyết lượng sản phẩm dôi ra này, Bộ Xây dựng và Vicem đặt mục tiêu XK một triệu tấn trong năm 2012. Tuy nhiên, mục tiêu một triệu tấn XK của Vicem gần như chắc chắn không thể thực hiện, vì ngoài Lào, Campuchia với số lượng xuất rất ít, đến nay Vicem chưa tìm ra thị trường nào khác có nhu cầu nhập khẩu lớn và ổn định. Một số DN khác tuy ký được ít hợp đồng xuất sang châu Phi, Trung Đông, nhưng cũng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng.

Ông Hoàng Mạnh Trường - Chủ tịch HĐQT CTCP Xi măng Vinakansai (Ninh Bình) cho biết, Đài Loan đang sản xuất 23 triệu tấn xi măng mỗi năm, nhưng thị trường nội địa chỉ tiêu thụ hết 8 triệu tấn. Nhiều nhà máy ở châu Âu cũng đang trong tình cảnh này. Vì vậy, bất kỳ nơi nào có nhu cầu nhập xi măng đều trở thành nơi cạnh tranh quyết liệt của các nước XK, Singapore là một ví dụ. Cuộc cạnh tranh giành khách hàng đã làm cho nước này đang trở thành thị trường có giá xi măng rẻ nhất Đông Nam Á. Như vậy, có thể khẳng định, con đường XK xi măng của VN hiện nay gần như là bế tắc, vì DN VN phần lớn mới đầu tư, không thể hạ giá sản phẩm xuống tới mức 45 - 50 USD/tấn để XK.

Mới đây nhất, Bộ Xây dựng và Bộ GTVT vừa ký kết phối hợp tăng cường sử dụng xi măng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ở VN. Theo ông Đinh La Thăng - Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, để nâng cao hiệu quả sử dụng xi măng, Bộ Giao thông vận tải tiến hành lựa chọn nghiên cứu làm thí điểm một đoạn tuyến với chiều dài khoảng 10 km thuộc đoạn tuyến qua khu vực Ninh Bình – Bãi Vọt (Hà Tĩnh) hoặc khu vực miền núi phía Bắc hoặc khu vực khác có đoạn tuyến phù hợp với kết cấu mặt đường bê tông xi măng.

Việc ký kết phối hợp giữa Bộ GTVT và Bộ Xây dựng đánh dấu một bước tiến dài trong tiến trình thúc đẩy sử dụng xi măng. Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều chuyên gia, vấn đề đặt ra là Bộ Xây dựng cần rà soát lại quy hoạch phát triển quá nóng của ngành này, dự báo sát nhu cầu thị trường, để từ đó đưa ra lộ trình phát triển sản xuất phù hợp. Quan trọng hơn, các nhà làm quy hoạch phải dự báo được nhu cầu cao nhất của VN ở mức nào để tránh đi vào vết xe cũ của Đài Loan và nhiều nước Châu Âu khác.
Ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng):
Sẽ qui trách nhiệm cho UBND tỉnh, thành

Đầu tư ngành xi măng: “Chết” vì vốnTại Quyết định 1488/QĐ-TTg, ngày 29/8/2011 phê duyệt Quy hoạch Phát triển xi măng VN 2011-2020, định hướng năm 2030, khoản 12, điều 2 đã quy định trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố “khi chấp thuận dự án đầu tư xi măng mới tại địa phương, phải có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Bộ quản lý chuyên ngành (Bộ Xây dựng)”. Để quán triệt điều này và tránh để xảy ra tình trạng có địa phương đã cấp phép dự án xi măng mới, cho dù nằm trong danh mục quy hoạch, nhưng chưa có ý kiến của Bộ Xây dựng, nên Bộ đã có công văn yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện Quy hoạch phát triển ngành giai đoạn 2011-2020.

Trước tình hình khó khăn của ngành xi măng, đồng thời Bộ đã làm việc với các chủ đầu tư để tạm dừng đầu tư các dự án mới. Trong điều kiện những DN chưa đăng ký hợp đồng, chưa mở L/C thì có thể hoãn, giãn tiến độ.

Ông Trần Văn Huynh -Chủ tịch Hiệp hội VLXD:
Không nên dễ dãi trong việc cấp phép dự án xi măng

Đầu tư ngành xi măng: “Chết” vì vốnTheo tôi,về lâu dài, quy hoạch phát triển ngành xi măng cần phải khắc phục hiện tượng nơi cần thì không đầu tư, nơi đã thừa vẫn đầu tư. Ví dụ, ngành xi măng đang tập trung đầu tư quá nhiều vào một số vùng điều kiện vận tải khó khăn như Hà Nam, Ninh Bình. Hiện công suất tại khu vực này đã lên tới 20 triệu tấn/năm. Trong khi một số nơi cần đầu tư sớm lại không được triển khai như dự án xi măng ở Thạnh Mỹ, tỉnh Quảng Nam. Dự án này có mỏ đá vôi lớn ở A Sờ – Thạnh Mỹ, trữ lượng 350 triệu tấn, rất hiếm có ở miền Trung mà không được đầu tư khai thác sớm để phục vụ khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Thời gian qua, chúng ta đã quá dễ dãi trong việc cấp phép các dự án xi măng. Nhiều nhà máy xi măng có công suất nhỏ, dây chuyền hạn chế ra đời về lâu dài sẽ không có hiệu quả. Vì thế, nếu không dừng việc cấp phép thì tình trạng dư thừa công suất, sản phẩm xi măng không bán được, cộng với chi phí vốn vay, sẽ có nhiều nhà máy xi măng phải phá sản như Đồng Bành, Thanh Liêm là ví dụ điển hình…

Ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Hiệp hội xi măng VN:
Lỗ còn do Chi phí sản xuất

Đầu tư ngành xi măng: “Chết” vì vốnGiá than tăng 10% trong tháng 2 và giá xăng dầu vừa tiếp tục tăng đang tạo áp lực rất lớn lên các DN sản xuất xi măng trong nước. Riêng yếu tố giá than, giá dầu tăng đã làm chi phí sản xuất xi măng tăng thêm 35.000 đồng/tấn. Trong khi đó, giá bán trên thị trường đứng yên, không thể tăng giá bán bởi nhu cầu tiêu thụ vẫn rất thấp. “Trong 3 tháng đầu, cả nước chỉ tiêu thụ 10 triệu tấn, bằng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Với chi phí sản xuất tăng thêm gần đây thì các DN xi măng đang gồng mình chịu lỗ. Chúng tôi tiếp tục nghe ngóng tình hình, đến lúc không chịu nổi nữa thì buộc phải tăng giá bán trong thời gian tới. Chi phí sản xuất tăng, thị trường chậm tiêu thụ là nguyên nhân khiến nhiều dự án xi măng lâm vào tình trạng lỗ như nhà máy xi măng Hoàng Mai, Tam Điệp, Thái Nguyên...

Hiện nay, nhiều dự án xi măng, chủ yếu là công nghệ của Trung Quốc đi vào sản xuất giai đoạn 2006 – 2008 đã đến thời kỳ... trục trặc. Dây chuyền thiếu đồng bộ, thiết bị kém chất lượng… nên hầu hết các nhà máy mới đi vào sản xuất cũng gặp trục trặc trong quá trình sản xuất.


Theo DĐDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.