Riêng trong quý 3, hoạt động bán hàng đạt 1,2 tỷ USD trong toàn khu vực, với khoảng 1,5 tỷ USD đến 2 tỷ USD các giao dịch sẽ rơi vào quý cuối năm. Phần lớn các giao dịch này được kỳ vọng sẽ diễn ra ở Nhật Bản.
Ông Mike Batchelor, Giám đốc Đầu tư Châu Á, Tập đoàn Khách sạn của JLL dự báo, tổng lượng đầu tư khách sạn năm nay sẽ đạt từ 7,5 tỷ USD đến 8 tỷ USD ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, giảm nhẹ so với mức 8,6 tỷ USD năm ngoái do thiếu nguồn cung khách sạn bán ra trên thị trường và sự chênh lệch giá giữa người bán và kỳ vọng của người mua.
Trong 9 tháng qua, Hồng Kông đã dẫn đầu khu vực Châu Á Thái Bình Dương về số lượng các giao dịch đầu tư khách sạn với 11 thương vụ trị giá gần 1,5 tỷ USD tính đến tháng 9 năm nay. Nhật Bản và Thái Lan đứng thứ hai và thứ ba trong khu vực, với khối lượng giao dịch lần lượt 1,2 tỷ USD và 335 triệu USD.
Đối với nhà đầu tư, giá bán khách sạn ở Hồng Kông tính trên mỗi foot vuông đang rất hấp dẫn so với các loại bất động sản khác, đây là một trong những nhân tố thúc đẩy các giao dịch gần đây.
Trong khi đó, Nhật Bản vẫn là ngôi sao sáng trong lĩnh vực đầu tư khách sạn kể từ năm 2013, với khối lượng giao dịch đạt hơn 1,2 tỷ USD tính đến tháng 9 năm 2017. Việc Tokyo đăng cai Thế vận hội Olympics 2020 sẽ tiếp tục thúc đẩy du lịch tăng trưởng, chính phủ cũng đề ra mục tiêu tăng gấp đôi số lượng du khách nước ngoài lên đến 40 triệu lượt vào năm 2020.
JLL cho biết, các nhà đầu tư khách sạn nội địa luôn tích cực tại Nhật Bản. Tuy nhiên các nhà đầu tư nước ngoài tại đây cũng đang tăng trưởng đáng kể vì nơi đây vẫn là một trong những thị trường có mức lãi suất hấp dẫn nhất khu vực.
Thái Lan cũng đã có một năm sôi nổi với khối lượng giao dịch khách sạn ghi nhận được 335 triệu USD. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2014. Lãi suất ở Thái Lan đang tăng lên cùng với nền chính trị ổn định và giá thuê phòng khách sạn tương đối phải chăng so với một số nước châu Á khác.
Úc vẫn là thị trường ưa thích của các nhà đầu tư khách sạn trên toàn cầu, đặc biệt đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch trong nước. Khối lượng đầu tư gần 110 triệu USD tính đến tháng 9 năm 2017. Nhà đầu tư Trung Quốc đại lục đã chi khoảng 1,4 tỷ AUD (đô la Úc) để mua lại các khách sạn ở Úc từ năm 2015. Tuy nhiên, việc chính phủ Trung Quốc gần đây áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài, do đó dòng vốn mạnh mẽ này có thể sẽ chậm lại trong trung hạn.