Xu hướng đô thị hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ, lĩnh vực cấp nước, thoát nước đô thị càng trở nên quan trọng. Cùng với đó, ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng đã và đang trở thành những thách thức đòi hỏi các địa phương vùng ĐBSCL chú trọng các lĩnh vực này nhằm giảm thiểu khả năng ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững...
Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật
TP Cần Thơ đối mặt với tình trạng ngập nghẹt đô thị mỗi khi triều cường lên cao.
Theo bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị tại vùng ĐBSCL trong thời gian vừa qua được quan tâm đầu tư xây dựng, góp phần lớn cho sự phát triển của các đô thị trong vùng; trong đó, có lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn. Các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới, các Tổ chức Quốc tế khác về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải được triển khai thực hiện có hiệu quả và đều phát huy những kết quả tích cực.
Thống kê của Bộ Xây dựng, tổng công suất các nhà máy nước sinh hoạt đô thị vùng ĐBSCL khoảng 1,32 triệu m3/ngày. Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch bình quân toàn vùng hiện đạt khoảng 89,6%, tăng 1,5% so với năm 2017. Trong vùng đã có 3 tỉnh, thành phố lập và phê duyệt quy hoạch cấp nước vùng làm cơ sở quản lý và triển khai các dự án đầu tư, gồm: Bến Tre, Kiên Giang và TP Cần Thơ.
Hiện nay, tổng lượng nước thải sinh hoạt toàn vùng khoảng 1 triệu m3/ngày. Một số tỉnh, thành đã và đang đầu tư các hệ thống thu gom, xử lý nước thải từ nguồn vốn ODA như: TP Cần Thơ đầu tư nhà máy xử lý nước thải Cái Răng công suất 30.000m3/ngày; tỉnh Sóc Trăng đầu tư nhà máy xử lý nước thải TP Sóc Trăng công suất 13.200m3/ngày; tỉnh An Giang đầu tư nhà máy xử lý nước thải thành phố Châu Đốc công suất 5.000m3/ngày; tỉnh Trà Vinh đầu tư nhà máy xử lý nước thải TP Trà Vinh công suất 9.500m3/ngày...
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị vùng ĐBSCL những năm qua đã được đẩy mạnh, đạt các kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc quản lý, vận hành cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế chẳng hạn: việc thu gom, xử lý nước thải chưa có nhiều biến chuyển, tỷ lệ xử lý thấp và hầu hết vẫn đang sử dụng các công nghệ lạc hậu…
Tìm mô hình hiệu quả
Theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050, đến năm 2030 dân số toàn vùng khoảng 18-19 triệu người. Trong đó dân số đô thị khoảng 6,5-7,5 triệu người, tương ứng tỷ lệ đô thị hóa 35-40%. Cùng với diễn biến phức tạp của BĐKH đây sẽ là thách thức với các đô thị trong vùng. Trong khi hiện tại, một số đô thị đang phải đối mặt với tình trạng không đồng bộ, quá tải về hạ tầng.
Để giải quyết tình trạng trên, bà Mai Thị Liên Hương cho rằng: Các địa phương vùng ĐBSCL tổ chức nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh các quy định về cấp nước, thoát nước... nhằm góp phần bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên.
Qua đó, đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, trong đó tập trung vào kết cấu hạ tầng cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải. Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp quy hoạch cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải đô thị phù hợp với vùng ĐBSCL theo định hướng phát triển bền vững trong bối cảnh BĐKH và nước biển dâng.
Năm 2019, TP Cần Thơ đã đưa vào hoạt động Nhà máy xử lý nước thải Cần Thơ tại quận Cái Răng, công suất 30.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, nhà máy hiện chỉ đáp ứng được khoảng 25% tổng nhu cầu xử lý nước thải đô thị của toàn thành phố.
Nhằm giảm thiểu khả năng ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững thành phố trong tương lai, ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: Sở tiếp tục theo dõi và tích cực kêu gọi, tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các nhà máy thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đề xuất Bộ Xây dựng tạo điều kiện, hỗ trợ thành phố trong việc tiếp cận, tham gia các chương trình, dự án có nguồn vốn tài trợ không hoàn lại; nguồn vốn tài trợ khác trong và ngoài nước liên quan đến thoát nước, chống ngập và xử lý nước thải.
Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức thực hiện Chương trình thoát nước và chống ngập úng đô thị ứng phó với BĐKH tại 3 đô thị ĐBSCL, gồm: TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau; TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang và TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Điểm mới trong quy hoạch này là có tính đến các yếu tố BĐKH, mô hình ngập lụt, sụt lún đất, mô hình thoát nước bền vững, xử lý nước thải phi tập trung…; xây dựng 3 mô hình thí điểm hệ thống thoát nước bền vững tại 3 thành phố trên. Đồng thời, tính toán chi phí vận hành, bảo dưỡng hạ tầng thoát nước chống ngập và xây dựng lộ trình giá dịch vụ thoát nước cho các địa phương và đã đạt mục tiêu đề ra, mang lại kết quả thiết thực và bền vững. Đây là bài học thực tế tốt trong phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị vùng ĐBSCL thời gian tới.
Ông Christoph Klinnert, Giám đốc Chương trình thích ứng với BĐKH tại ĐBSCL, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức, cho biết: Trên cơ sở các thành quả đạt được, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức hợp tác với Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ sẽ hỗ trợ chương trình mới, đó là Chương trình thích ứng với BĐKH tại ĐBSCL giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, hỗ trợ các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tăng cường khả năng thích ứng với ngập lụt thông qua việc kết hợp giữa hạ tầng xanh và mô hình thoát nước mưa đô thị theo hướng bền vững. Cùng với đó là các giải pháp tự nhiên để đảm bảo quy hoạch thoát nước và thiết kế hệ thống thoát nước tạo kết nối hiệu quả…
-
Quy hoạch, quản lý xây dựng: Vẫn còn nhiều điểm nghẽn phải điều chỉnh
Trong giai đoạn 2016-2020, công tác quản lý của ngành xây dựng đã có chuyển biến mạnh mẽ, song nhiều lĩnh vực vẫn còn những tồn tại chưa xử lý dứt điểm.
-
Sức hút của bất động sản Tây Nam Bộ nhìn từ hiện tượng Nam Long II Central Lake
Cùng với những chuyển động sôi nổi của thị trường bất động sản quý cuối năm, Nam Long II Central Lake ra mắt thị trường và nhanh chóng ghi nhận sự quan tâm mạnh. Đây cũng là tín hiệu cho chu kỳ mới của bất động sản Tây...
-
Thủ tướng “chốt” thời gian hoàn thành cao tốc hơn 27.500 tỷ đồng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo đơn vị thi công đảm bảo tiến độ hoàn thành tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau vào cuối năm 2025. Dự án này sẽ hoàn thiện mạng lưới cao tốc kéo dài từ Cao Bằng đến Cà Mau....
-
Hé lộ thời điểm khởi công Trung tâm thương mại lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long
Theo UBND TP.Cần Thơ, Trung tâm thương mại (TTTM) Aeon Mall Cần Thơ, với tổng vốn đầu tư 5.400 tỷ đồng dự kiến sẽ khởi công trước Tết Nguyên đán 2025. Khi hoàn thành đây sẽ là TTTM lớn nhất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)....