Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - tuyến giao thông kết nối quan trọng của vùng Đông Nam bộ. Ảnh: Phạm Tùng
Giải bài toán nguồn vốn và cơ chế
ĐNB là vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước, “cửa ngõ” kinh tế của Việt Nam ra thế giới. Các tỉnh vùng ĐNB có đóng góp lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và ngân sách cả nước. Hiện nay, 7 tỉnh, thành vùng ĐNB đang đóng góp với khoảng 38% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và gần 41% ngân sách nhà nước.
Phát biểu tại hội thảo Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng ĐNB, được Báo Tuổi Trẻ, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp tổ chức vào ngày 22-11, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho rằng, vùng ĐNB là một trong những vùng phát triển kinh tế năng động, là vùng duy nhất hiện nay hội tụ đủ các điều kiện và lợi thế để đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo Bộ GT-VT, quy hoạch giao thông ở vùng ĐNB có đủ 5 phương thức vận tải gồm: đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không và đường biển. Tư vấn trong và ngoài nước đều đã đánh giá là quy hoạch khá hợp lý, nhưng thực hiện thì quá chậm. Đơn cử như hệ thống đường cao tốc, vùng ĐNB được quy hoạch có 11 tuyến cao tốc, với tổng chiều dài 970km. Theo quy hoạch đến năm 2020 đưa vào khai thác 497km nhưng hiện tại mới đưa vào khai thác 122km, đang đầu tư khoảng 278km. |
Tuy nhiên, ông Phạm Viết Thanh cũng thẳng thắn nhìn nhận, vùng ĐNB đang đối mặt với một hệ thống hạ tầng quá tải, tắc nghẽn, thiếu đầu tư đúng mức, thiếu sự kết nối mang tính đồng bộ và bền vững. “Đây là nguyên nhân tác động trực tiếp làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong vùng” - ông Thanh phân tích.
Cùng nhận định trên, PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, giao thông hiện là “điểm nghẽn” nghiêm trọng của vùng ĐNB, nghẽn trên cả 3 tuyến: đường bộ, hàng không và đường biển. “Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mới chỉ chiếm 11% đường cao tốc cả nước” - ông Trần Đình Thiên cho biết.
Cũng theo PGS-TS Trần Đình Thiên, tình trạng yếu kém của hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng ĐNB đã được đặt ra suốt nhiều năm nhưng chưa được thực hiện bao nhiêu. Do đó, thời điểm hiện tại, thực trạng này cần có cách đặt vấn đề mới, quyết liệt hơn. ĐNB với vị thế là vùng kinh tế có đóng góp nhiều nhất cả nước thì cách tiếp cận vấn đề kết nối vùng không thể chỉ từ góc độ “xin - cho”, không “cơi nới” mà phải có những cơ chế để “vượt trước”.
Lấy dẫn chứng cho vấn đề này, ông Trần Đình Thiên chia sẻ, vùng ĐNB triển vọng về nguồn thu từ các dự án hạ tầng giao thông rất lớn, do đó cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tham gia. Thời gian qua, việc đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) vì lợi ích chưa rõ nên chưa khuyến khích doanh nghiệp, dẫn đến cơ hội bị bỏ lỡ. Do đó, các bộ, ngành cần có cơ chế đặc biệt cho vùng ĐNB về cơ chế chính sách phát triển hạ tầng giao thông nhằm khuyến khích doanh nghiệp. “Chúng tôi nhiều lần đề nghị Thủ tướng, người nào, tập đoàn, doanh nghiệp nào làm tốt phải được thưởng, căn cứ trên lợi ích mang lại cho đất nước. Doanh nghiệp người ta cần được thưởng bằng tiền” - PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Biểu đồ thể hiện tỷ lệ điều tiết ngân sách đầu tư phát triển vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2016-2020. (Thông tin: Phạm Tùng - Đồ họa: Hải Quân)
Nói về cơ chế để thúc đẩy phát triển hạ tầng kết nối vùng ĐNB, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, cần có một cơ chế đủ mạnh, có dấu ấn của “nhạc trưởng” để xác định thế mạnh của từng tỉnh, thành và cả vùng ĐNB. Thậm chí, còn cần cả cơ chế để các tỉnh không chỉ cùng đóng góp nguồn lực để phát triển mà còn có cơ chế để chia sẻ lợi ích từ sự phát triển đó.
Song song với đó, ông Trần Hoàng Ngân cũng nhấn mạnh cần phải đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức về lợi ích mang lại của việc nối kết hạ tầng trong vùng, xây dựng và cập nhật, chia sẻ dữ liệu chung cho toàn vùng, chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông kết nối… Đặc biệt, về nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, Chính phủ cần xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho địa phương. Tăng phân bổ đầu tư cho địa phương từ nguồn ngân sách phải nộp về Trung ương đối với các địa phương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Kiến nghị thành lập Quỹ Đầu tư phát triển hạ tầng cho toàn vùng
Theo ông Trần Hoàng Ngân, ngoài các giải pháp về ngân sách để đảm bảo nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm mang tính liên kết vùng, vùng ĐNB cần được thí điểm cho chính quyền địa phương quyết định tất cả các dự án đầu tư, phù hợp với quy hoạch, thuộc thẩm quyền của Chính phủ và tự chịu trách nhiệm. Trong đó ưu tiên cho 4 địa phương gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Quốc lộ 51, tuyến giao thông kết nối quan trọng giữa 3 địa phương trong vùng Đông Nam bộ gồm: TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu thường xuyên bị ùn tắc vì quá tải
Để có thể huy động được nguồn vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng kết nối vùng, ông Trần Hoàng Ngân cũng nhấn mạnh một trong những định hướng cần phải thực hiện trong thời gian tới là nghiên cứu và nhanh chóng thành lập Quỹ Đầu tư phát triển hạ tầng cho toàn vùng, trong đó chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông kết nối.
Ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cơ chế quỹ đầu tư khá hiệu quả, trong đó Nhà nước là một nhà đầu tư cùng với các thành phần kinh tế tư nhân, các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, việc quỹ vận hành như thế nào, công nghệ ra sao, cần có ban điều hành đầu tư chuyên nghiệp, chuyên gia tài chính quyết định.
Quỹ đầu tư cũng cần có HĐQT là lãnh đạo các địa phương trong vùng, thực hiện lựa chọn quy hoạch mà Bộ GT-VT đưa ra cho Chính phủ phê duyệt, Quốc hội thông qua để lựa chọn đầu tư con đường nào. Hội đồng đầu tư, ban lãnh đạo trong vùng quyết định và điều hành thật chuyên nghiệp. “Cơ chế hình thành một quỹ đầu tư liên vùng để phát triển hạ tầng giao thông là cách tiếp cận khả thi và có hiệu quả. Quỹ đầu tư này thực hiện theo đúng đặc trưng và tính chất của nó. Có thêm một ban quản trị là lãnh đạo của các địa phương” - ông Trương Văn Phước nêu quan điểm.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Thành Thống cho biết, thời gian qua, Bộ KH-ĐT đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội xử lý nhiều vấn đề nguồn lực để phát triển giao thông vùng ĐNB, trong đó cả phát triển đường hàng không, đường bộ, đường thủy. Trong tương lai quy hoạch cũng đặt vấn đề đường sắt, tính đến kết nối ĐNB với ngoại vùng cũng như quốc tế. Sắp tới, Bộ KH-ĐT tiếp tục làm tốt hơn công việc tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội để giai đoạn 2021-2025, cố gắng phấn đấu đưa những công trình giao thông trọng điểm, dự án mang tính tháo gỡ nút thắt cho khu vực ĐNB. |
-
Tắc từ đất lên trời, làm sao để hạ tầng Đông Nam Bộ 'cất cánh’?
Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, song hạ tầng khu vực này đang bị tắc nghẽn vô cùng nghiêm trọng.