Vị thế thuận lợi để duy trì giải ngân mạnh mẽ
Việt Nam đang triển khai cải cách toàn diện trong khu vực công và tư, hay còn được gọi là “Đổi Mới 2.0”. Mục tiêu hướng đến là nhằm nâng cao tiềm năng tăng trưởng GDP thông qua đẩy mạnh vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế, tinh gọn bộ máy Chính phủ, đồng thời xử lý các điểm nghẽn làm giảm hiệu quả kinh tế. Những tín hiệu tích cực đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện: giải ngân đầu tư công đã có mức tăng ấn tượng 40% trong nửa đầu năm nay (theo số liệu từ Bộ Tài chính), phản ánh sự cải thiện trong thủ tục hành chính – một rào cản từng gây đình trệ giải ngân trong những năm trước.
Những tín hiệu tích cực đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện, ví dụ giải ngân đầu tư công. Ảnh minh họa: Đèo Cả (HHV) đẩy nhanh tiến độ thi công trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Tập đoàn này cũng vừa đề xuất mở rộng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm 19 dự án thành phần đã và đang đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2025.
Trên thực tế, giải ngân đầu tư công ghi nhận tăng trưởng giảm trong năm 2024 và tăng trở lại trong Quý 2/2025 – được thúc đẩy bởi hai yếu tố chính: nhận thức cao hơn về việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về địa phương nhằm rút ngắn quy trình và trực tiếp thực thi các dự án trọng điểm. Đặc biệt, giải ngân đầu tư công đang tăng mạnh ở cấp tỉnh, với mức tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Các tỉnh thành của Việt Nam tiến hành sáp nhập hành chính – một phần của làn sóng cải cách sâu rộng trong khối nhà nước và khối tư nhân. Các bước đi này, cùng với những sáng kiến khác của Chính phủ, đã giúp bộ máy hành chính cả ở trung ương lẫn địa phương đẩy nhanh tiến độ phê duyệt – đặc biệt với các dự án đã “sẵn sàng triển khai”, chẳng hạn như mở rộng và nâng cấp hệ thống đường và cao tốc hiện hữu.
Bên cạnh tính cấp bách gia tăng, các cải cách pháp lý trao quyền nhiều hơn cho cấp địa phương trong việc triển khai các dự án công. Quốc hội đã thông qua một loạt biện pháp cho phép chính quyền địa phương phê duyệt các dự án quy mô lớn (ví dụ: sân bay, khu đô thị trên 50 ha) mà trước đây phải trình Thủ tướng xem xét. Đồng thời, quy trình phê duyệt cho các dự án công cả ở cấp trung ương lẫn địa phương đang được tinh giản, và Chính phủ đang tích cực thúc đẩy mô hình đối tác công tư (PPP), bao gồm cả việc khôi phục lại các dự án Xây dựng - Chuyển giao (BT) vốn đã bị đình trệ trong nhiều năm qua, cũng như khả năng mở rộng phạm vi định nghĩa dự án PPP vượt ra ngoài hạ tầng truyền thống như đường, cầu, hầm… để bao gồm cả trung tâm dữ liệu và các thành phần khác của “hạ tầng công nghệ cao”.
Một ví dụ khác cho thấy hiệu quả của việc tinh giản bộ máy là việc sáp nhập 63 Kho bạc Nhà nước (KBNN) cấp tỉnh thành 20 KBNN cấp khu vực và bỏ KBNN cấp huyện, đã giúp giảm đầu mối của hệ thống Kho bạc với doanh nghiệp. Các nhà thầu giờ đây có thể nộp hồ sơ trực tuyến tới Kho bạc khu vực, giúp thời gian giải ngân vốn rút ngắn đáng kể – chỉ còn 1 đến 3 ngày – thay vì quy trình trước đây phải đến trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua bưu điện đến Kho bạc nơi giao dịch.
Tóm lại, sự kết hợp giữa sáp nhập hành chính, nới lỏng quy định và trọng tâm phát triển kinh tế toàn diện đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân đầu tư hạ tầng – được xem là động lực quan trọng cho tăng trưởng GDP. Ngoài ra, các dự án quy mô quốc gia cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Thời gian khởi công và hoàn thành một số công trình lớn như Sân bay Long Thành (13 tỷ USD), đường vành đai Hà Nội và TP.HCM (13 tỷ USD), và tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng (8,4 tỷ USD) đã được rút ngắn tới ba năm.
Chính phủ Việt Nam hiện đang điều chỉnh một số luật liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng, với mục tiêu tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án phù hợp với định hướng phát triển hạ tầng quốc gia, đồng thời đơn giản hóa quy trình giải ngân vốn công.
Có thể nói, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để duy trì đà giải ngân mạnh mẽ cho đầu tư hạ tầng. Nợ công của Chính phủ hiện ở mức dưới 40% GDP, thặng dư ngân sách trong 5 tháng đầu năm 2025 đạt trên 5% GDP, và có hơn 45 tỷ USD chưa được giải ngân cho cơ sở hạ tầng. Trở ngại chính cho việc giải ngân chậm trong quá khứ phần lớn là do các vướng mắc pháp lý và thủ tục hành chính – điều mà các cải cách pháp lý đang từng bước tháo gỡ.
Những doanh nghiệp nào hưởng lợi?
Mặc dù giải ngân đầu tư công tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, cơ hội đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết liên quan đến đầu tư công vẫn còn hạn chế. Các nhà đầu tư có thể tiếp cận gián tiếp làn sóng này thông qua các doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng. Nhiều nhà thầu và nhà cung cấp vật liệu chính đang hưởng lợi từ việc bùng nổ đầu tư hạ tầng hiện nay là các doanh nghiệp tư nhân, ví dụ như Sơn Hải hay Trường Sơn. Trong khi đó, một số doanh nghiệp hạ tầng niêm yết lại gặp hạn chế về quản trị doanh nghiệp và năng lực tài chính.
Tuy vậy, vẫn có những doanh nghiệp nổi bật như Tập đoàn Hòa Phát (HPG) – nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam – với quản trị doanh nghiệp minh bạch, đội ngũ điều hành lớn mạnh và dòng tiền ổn định. HPG sở hữu năng lực sản xuất lớn và tăng trưởng của doanh nghiệp gắn liền với làn sóng phát triển hạ tầng trong nước. Ngoài ra, Hòa Phát cũng đang mở rộng sang sản xuất thép chuyên dụng phục vụ đường sắt cao tốc – phù hợp với định hướng tại Nghị quyết 172 của Chính phủ.
Ngoài ra, nhà đầu tư có thể theo dõi các doanh nghiệp niêm yết theo từng phân khúc mà họ đang chuyên môn hóa với nhiều mã cổ phiếu quen thuộc CTI, CII, HHV, DPG, VCG, FCN, C4G, CTG, HPG, DHA, VLB, KSB, HT1, EHC...
Tóm lại, chi tiêu cho hạ tầng của Việt Nam đã tăng vọt 40% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2025, được thúc đẩy bởi: 1) quy trình phê duyệt dự án được đẩy nhanh trong bối cảnh sáp nhập hành chính cấp tỉnh; 2) cải cách pháp lý trao thêm quyền quyết định phê duyệt dự án cho chính quyền địa phương; và 3) tinh giản quy trình giải ngân vốn đầu tư công.
Trong thời gian tới, Chính phủ đang cải tổ nhiều luật liên quan đến đầu tư nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân, nới lỏng các điều kiện PPP và BOT, tăng tỷ lệ vốn góp nhà nước, đồng thời mở rộng phạm vi các loại dự án đủ điều kiện đầu tư.
Ông Michael Kokalari, CFA -Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường; Bà Thái Thị Việt Trinh - Chuyên viên phân tích kinh tế, VinaCapital.
-
Giải ngân vốn đầu tư công: Nhà thầu bị áp lực “kép” vì giá vật liệu tăng cao
Nguồn cung VLXD tiếp tục khan hiếm đã đẩy giá tăng cao khiến nhiều nhà thầu bị áp lực “kép”, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công.
-
2 dự án trọng điểm nào vừa được Đồng Nai bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030?
UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất bổ sung 2 dự án trọng điểm là tuyến đường Bắc Sơn - Long Thành và kè chống sạt lở bờ sông Đồng Nai vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030. Riêng với dự án đường Bắc Sơn - Long Thành thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô quy hoạch.
-
Bà Rịa - Vũng Tàu “rót” gần 1.000 tỷ vốn đầu tư công cho loạt dự án hạ tầng
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành quyết định giao kế hoạch đầu tư công năm 2025 từ nguồn ngân sách tỉnh, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện để thực hiện 7 dự án hạ tầng quan trọng, với tổng số vốn hơn 866 tỷ đồng.








-
Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025: Nhiều điểm sáng nổi bật
Bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 nổi bật với nhiều điểm sáng khi tăng trưởng GDP đặt mức cao nhất trong 15 năm qua; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, cán cân thương mại duy trì xuất siêu với 7,63 tỷ USD; khách quốc tế đạt gần 10,7 triệu l...
-
CEO Techcombank: Việt Nam có thể tăng trưởng 10%
Ông Jens Lottner đánh giá mục tiêu tăng trưởng 10% của Việt Nam là khả thi, nhưng phải trong điều kiện tận dụng chính xác các yếu tố vĩ mô thuận lợi.
-
Cho rằng giai đoạn căng thẳng nhất đã qua, UOB nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam
Trong báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam do Ngân hàng UOB công bố ngày 8.7, ngân hàng này điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2025 lên 6,9%, thay vì mức 6% trước đó.