01/02/2021 4:39 PM
Ngành điện Việt Nam đang chứng kiến làn sóng các nhà đầu tư bày tỏ quan tâm chưa từng có đối với các dự án điện từ khí LNG.

Mô hình Nhà máy Điện khí hóa lỏng Bạc Liêu

Tham vọng lớn

Khi đề nghị bổ sung Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng 4.500 MW tại Quảng Trị vào Quy hoạch điện hiện hành vào ngày 30/12/2020, Bộ Công thương cũng cho hay, tới hết tháng 11/2020, tổng công suất các nguồn điện khí LNG đã được bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến năm 2030 là khoảng 16.400 MW.

Được điểm danh có Nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4 (1.500 MW), Nhiệt điện Sơn Mỹ I, II (4.500 MW), Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu (3.200 MW), Trung tâm Điện lực Long Sơn (1.200 - 1.500 MW), Trung tâm Điện lực Cà Ná (1.500 MW), Nhiệt điện Long An I (1.500 MW), Nhà máy Điện Hiệp Phước (1.200 MW) và Nhiệt điện Quảng Ninh (1.500 MW).

Tuy nhiên, ngoài những dự án đã được bổ sung vào Quy hoạch, còn có các dự án điện khí LNG xin được triển khai đầu tư, như 2 dự án tại Hải Phòng, các dự án Tân Phước tại Tiền Giang, Mỹ Giang tại Khánh Hòa…

Theo dõi của Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính (IEEFA) từ thông tin đại chúng cho thấy, tới hết tháng 12/2020, đã có ít nhất 30 dự án điện khí LNG với tổng công suất 93.000 MW được đề xuất nghiên cứu, xây dựng.

“Quy mô đồ sộ của các dự án nhà máy nhiệt điện khí và hạ tầng LNG đang được đề xuất đầu tư cũng như số lượng và sự đa dạng của các nhà đầu tư đang bày tỏ quan tâm là chưa có tiền lệ trong lịch sử ngành điện Việt Nam”, chị Vũ Minh Thu, chuyên viên phân tích tài chính năng lượng, tác giả của Báo cáo Đặt kỳ vọng thực tế vào các dự án nhiệt điện khí LNG tại Việt Nam vừa được IEEFA xuất bản tháng 1/2021 cho hay.

Điều cũng được cho là khác biệt trong nhiều dự án điện khí LNG đang đề xuất hoặc đã được bổ sung quy hoạch điện tại Việt Nam là các nhà đầu tư “ngoại đạo”.

Báo cáo của IEEFA cho hay, quan sát kỹ các diễn biến trên thị trường thời gian qua cho thấy, các đề xuất dự án LNG đình đám nhất đa phần thuộc các nhà đầu tư có ít kinh nghiệm và năng lực tài chính không rõ ràng. “Các đơn vị đứng sau các dự án như LNG Bạc Liêu với vốn đầu tư 4 tỷ USD hay LNG Chân Mây với vốn đầu tư 6 tỷ USD đều là những doanh nghiệp mới được thành lập trong vòng 2 - 3 năm trở lại đây. Những doanh nghiệp này do một vài cá nhân sở hữu, điều hành và dường như thiếu các cổ đông tổ chức có kinh nghiệm trong ngành dầu khí hoặc điện lực”, Báo cáo viết.

Đường dài dễ vỡ mộng

“Thực tế phức tạp hơn nhiều”, là nhận xét của chị Vũ Minh Thu về các dự án điện khí LNG hiện nay.

Dẫn chứng cho nhận định này là việc một dự án đang chờ quy hoạch vào cuối năm 2020, nhưng đã tuyên bố sẽ động thổ trong quý I/2021; hay một dự án khác vừa được cấp phép đã khẳng định sẽ đàm phán xong Hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong chưa đầy 6 tháng. Và dĩ nhiên điều đó không xảy ra.

Báo Đầu tư đã từng đưa tin, Dự án LNG Bạc Liêu được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào đầu năm 2020 và tới nay, EVN cùng chủ đầu tư vẫn đang tiến hành đàm phán các điều khoản liên quan tới PPA và chưa biết bao giờ mới kết thúc. Các vấn đề mà nhà đầu tư đưa ra như cam kết bao tiêu theo tháng, cơ chế bảo đảm ngoại tệ, thanh toán chi phí công suất ngầm định, bồi thường do thay đổi luật, quyền bên cho vay, cơ chế chấm dứt và thanh toán, cơ chế đảm bảo thu xếp tài chính, áp dụng luật của Anh và giải quyết tranh chấp tại nước thứ ba cũng khác xa so với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

"Một số nhà đầu tư đã tự đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng về các mốc thời gian hoàn thành các giai đoạn triển khai dự án, bất chấp tính phức tạp của dự án nhiệt điện khí LNG nói chung. Sự thật, đây là những dự án gồm nhiều giai đoạn, với nhiều cấu phần luôn biến động và nhiều rủi ro trong quá trình thi công”, Báo cáo của IEEFA nhận xét.

Theo các chuyên gia, còn rất nhiều câu trả lời đang bỏ ngỏ khả năng thu xếp tài chính của các dự án nhiệt điện khí LNG. Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục áp dụng chiến lược giảm thiểu rủi ro thông qua tài chính dự án, trong khi các yêu cầu này không còn phù hợp với một thị trường có nền tảng kinh tế đang cải thiện như Việt Nam.

Không may cho các nhà đầu tư là, khung khổ pháp lý cập nhật cho các mô hình dự án xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), hay mô hình nhà máy điện độc lập (IPP) có vẻ không còn tương thích với các điều khoản hợp đồng mà các chủ đầu tư dự án nhiệt điện khí LNG đang đòi hỏi từ phía EVN và các cơ quan Chính phủ để đảm bảo khả năng vay vốn cho dự án.

Báo cáo Phân tích dự án điện LNG: Ma trận quản trị rủi ro, của Công ty Luật quốc tế Watson Farley & Williams xuất bản hồi tháng 10/2020 đã đưa ra 13 danh mục rủi ro mà nhà đầu tư dự án nhiệt điện khí LNG phải đối mặt và các công cụ giảm thiểu rủi ro tương ứng.

Báo cáo nhấn mạnh, đây là những dự án phức tạp, bao gồm nhiều giai đoạn, nhiều cấu phần luôn biến động, nhiều rủi ro ở tất cả các khâu triển khai. Nghĩa là, các dự án này chắc chắn sẽ khó triển khai hơn các dự án nhiệt điện than vốn đã phải đối mặt với tình trạng chậm tiến độ triền miên ở Việt Nam.

Thanh Hương (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.