Một cây cầu giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông xây dở, bỏ hoang hơn 2 thập kỷ một cách vô lý. Một số công trình khác hễ “sờ” đến đều dính sai phạm...

Hai công trình nước sạch bỏ hoang cạnh tượng đài Ntrang Lơng

Kỳ lạ cầu bỏ hoang hơn 2 thập kỷ

Con sông Krông Nô chảy giữa huyện Lắk (Đắk Lắk) và huyện Krông Nô (Đắk Nông) có một cây cầu xây dở, nằm chình ình trong gỉ sét hơn 20 năm. Phần thô của cầu đã làm xong. Tại địa phận xã Quảng Phú (huyện Krông Nô) 2 dầm cầu đã được gắn lên; nhiều vị trí thi công có dấu hiệu xuống cấp. Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phú, Hồ Tràng cho biết, việc thi công được mấy dầm cầu rồi bỏ không, ngoài việc lãng phí tiền, còn cản trở giao thông đường thủy. “Tại các buổi tiếp xúc cử tri, người dân nêu ý kiến, nếu không làm nữa thì bê bứng hết những trụ bê tông đi chỗ khác. Trước đây, có vụ tai nạn thương tâm, do thuyền của dân tông vào mố cầu rồi bị lật”, ông Tràng nói.

Dự án cầu Quảng Phú vượt sông Krông Nô được khởi công vào năm 1998, do Sở GTVT Đắk Lắk làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 4,7 tỷ đồng (thời giá ngày đó). Cty Công trình giao thông 510 là đơn vị nhận thầu xây lắp. Dự án này đang thi công, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo dừng thi công vĩnh viễn (năm 2004). Phó giám đốc Sở GTVT Đắk Lắk Lê Công Du cho biết, nguyên nhân dừng thi công cầu này do tại thời điểm trên, dự án thủy điện Buôn Tusa đã thực hiện 1 câu cầu khác.

“Trước đây, chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ GTVT và Bộ Tài chính cho phép thanh lý sản phẩm trên, nhưng cấp trên chưa có ý kiến. Thời gian tới, Sở GTVT sẽ kết hợp các cơ quan chức năng rà soát lại và tham mưu phương án cụ thể cho UBND tỉnh”, ông Du nói.

Dự án Tượng đài N’Trang Lơng (đặt trên đồi Đắk Nur, phường Nghĩa Đức-TP Gia Nghĩa) tuy không hẳn vung tiền vô lý nhưng cũng dính sai phạm. Với mức đầu tư khoảng 167 tỷ đồng tại Đắk Nông, tượng đài này được khởi công từ tháng 5/2015 (do Sở VH-TT&DL Đắk Nông làm chủ đầu tư). Tuy nhiên, công trình vừa làm phần móng, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh phát hiện nhiều vi phạm. UBND tỉnh Đắk Nông giao cho Ban Quản lý dự án giao thông, dân dụng, công nghiệp tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư dự án toàn bộ phần móng. Điều ngạc nhiên là, không xa công trình tượng đài có 2 công trình cấp nước sạch bị bỏ hoang (trong đó có một công trình tổng mức đầu tư khoảng hơn 16 tỷ đồng) nằm ở khu tái định cư B (phường Nghĩa Đức).

Đầu tư công - cha chung không ai khóc: Những dự án vung tiền vô lý - ảnh 1

Tượng đài Ntrang Lơng đang được thi công

Để có kinh phí làm tượng đài, trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh ký văn bản gửi các sở ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp thiết lập, tiết kiệm 1% kinh phí chi thường xuyên hàng năm để ủng hộ quỹ xây dựng.

Thanh toán khống hơn 9,5 tỷ đồng

Cụm công nghiệp Tân An (Đắk Lắk) được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tốn kém, nhưng đến nay không hoạt động được. Dự án khu xử lý nước thải tập trung tại Cụm công nghiệp Tân An, do UBND TP Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư được triển khai vào năm 2012. Dự án có mức đầu tư hơn 37,3 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành, sử dụng vào năm 2014, với mục tiêu xử lý 800 m3 nước thải/ngày, giảm ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, toàn bộ công trình này đang bị bỏ hoang khiến nước thải ở cụm công nghiệp đều xả trực tiếp ra môi trường.

Báo cáo mới đây của UBND TP Buôn Ma Thuột, đơn vị trúng thầu dự án gồm Liên danh Cty TNHH Xây dựng Tiến Thịnh và Cty cổ phần cơ khí Hà Giang Phước Tường (tương ứng với hơn 31,6 tỷ đồng). UBND TP Buôn Ma Thuột đã thanh toán cho đơn vị thi công (3 đợt) hơn 16 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện khối lượng thi công thực tế tại dự án chỉ hơn 7 tỷ đồng. Như vậy, chủ đầu tư đã thanh toán khống cho liên danh 2 công ty nêu trên hơn 9,5 tỷ đồng tại phần thiết bị máy móc và công nghệ. Đáng nói, 2 công ty trên đều không đáp ứng về chất lượng công việc và tiến độ như hợp đồng đã ký kết.

Ông Đoàn Ngọc Thượng, Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết, đã đề nghị Công an tỉnh Đắk Lắk vào cuộc điều tra, làm rõ sai phạm. “Sau sai phạm tại dự án, UBND thành phố đã cách chức ông Phan Xuân Mạo, Phó trưởng Phòng Kinh tế, Giám đốc Ban Quản lý khu tiểu thủ công nghiệp TP Buôn Ma Thuột xuống làm chuyên viên”, ông Thượng nói.

Còn 1 lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra các sai phạm tại dự án này. Thế nhưng, do không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên đã đình chỉ vụ án (năm 2017). Thời gian gần đây, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk liên tục đề nghị phục hồi điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người liên quan.

Ở Đắk Nông có 1 vụ việc cũng khá tai tiếng. UBND huyện Krông Nô phê duyệt phương án đền bù (phát sinh) cho 19 hộ dân, với 14ha bị ảnh hưởng tại công trình thủy lợi Đắk Rồ (xã Đắk Drô) với số tiền hơn 8 tỷ đồng. Thế nhưng, cơ quan chức năng phát hiện chỉ có 4 ha của 6 hộ bị thiệt hại, số tiền đền bù thực tế chỉ 2,4 tỷ đồng. Với những sai phạm trên, Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố 5 cán bộ (tham mưu) của huyện. Còn ông Ngô Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện (khi đó) chỉ bị UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc.
Nhóm PV Tây Nguyên (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.