26/09/2011 8:31 AM
Bài toán hóc búa nhất của doanh nghiệp bất động sản hiện nay là sản phẩm không tiêu thụ được. Với nhà đầu tư, giá bán căn hộ cao cấp trên thị trường thứ cấp liên tục tuột dốc trong khi lãi suất ngân hàng cứ tăng đều.

Anh Vũ, nhân viên một ngân hàng nước ngoài ở TP.HCM cho biết vào đầu năm 2009, anh cùng một vài nhà đầu tư khác bỏ tiền ra mua căn hộ cao cấp ở dự án Saigon Pearl, với giá lên đến 3.200 USD/m2. Nếu quy ra tỷ giá lúc đó khoảng 16.000 đồng/USD, thì trị giá mỗi m2 tại đây đến hơn 51 triệu đồng. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó trở đi, giá bán của căn hộ này trên thị trường thứ cấp liên tục tuột dốc trong khi lãi suất ngân hàng cứ tăng đều.


Đầu tư căn hộ cao cấp: muốn cắt lỗ cũng khó
Bài toán hóc búa nhất của doanh nghiệp bất động sản hiện nay là sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Ảnh: L.H.T

Anh Vũ cho biết hiện anh chỉ mới đóng được hơn 30% giá trị căn hộ và không có khả năng đóng tiếp. Mặc dù anh đã cố gắng rao bán với mức giá luôn thấp hơn mức giá công bố của chủ đầu tư khoảng 400 USD/m2 nhưng cũng chỉ có vài người hỏi rồi sau đó... im thin thít.


Những người cùng đầu tư như anh Vũ cũng đang gặp khó bởi lãi suất ngân hàng quá cao, trong khi đó tỷ giá USD hiện nay cũng đã hơn 20.000 đồng/USD. Nếu tính thêm về trượt giá thì các nhà đầu tư này đã lỗ rất nặng, trong khi đó, chủ đầu tư yêu cầu người mua thanh toán hợp đồng bằng USD, chứ không phải bằng VND. Chính vì vậy tại dự án này đã có lúc nhiều nhà đầu tư quay lại “tố” chủ đầu tư về việc bán căn hộ bằng giá USD là vi phạm quy định của Nhà nước.


Giữa năm 2010, vợ chồng anh Việt ở quận Tân Bình “ôm” bốn căn hộ chung cư tại quận Thủ Đức, hướng nhìn ra sông vì được môi giới bán với giá ưu đãi. Tổng suất đầu tư của vợ chồng anh lên đến 8 tỉ đồng và đã đóng được 40%. “Đợt đóng tiền tiếp theo đã đến gần nhưng đẩy hàng đi không được, vay tiền để theo tiếp cũng không xong. Khổ một nỗi dự án chưa hoàn thành nên cũng không thể cho ai thuê để gỡ bớt tiền được”, anh Việt than thở. Mới đây, anh đã bán bớt hai căn hộ giảm 1 triệu đồng so với giá mua ban đầu, tính sơ sơ thì thiệt hại ban đầu ít nhất là 10% cho hai căn hộ gồm thuế và phí môi giới, cộng thêm khoản hao hụt vì bán rẻ hơn giá gốc.


Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định bài toán hóc búa nhất của doanh nghiệp bất động sản hiện nay là sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Thị trường bất động sản có nhiều phân khúc, nhưng đặc biệt phân khúc gặp nhiều khó khăn hơn cả là căn hộ cao cấp.


Hiện nay, nguồn cung căn hộ cao cấp vẫn tăng mạnh trong khi nhu cầu không tăng. Dự án The Manor Officetel (quận 1) vừa được bàn giao, số lượng căn hộ đã tăng thêm gần 620 căn. Theo thông tin từ chủ đầu tư dự án Saigon Pearl, dự kiến cao ốc Saphire với gần 530 căn hộ sẽ được bàn giao trong năm nay, chưa kể hàng ngàn căn hộ của một số dự án như The Vista, The Estella... cũng sắp bàn giao.


Các chuyên gia cho rằng, trong lúc tình hình kinh tế khó khăn, lãi suất tăng cao…, không ai dại gì bỏ hàng trăm ngàn USD để mua căn hộ cao cấp.

Theo Bảo Chương (SGTT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.