Câu hỏi đặt ra là: Đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng hấp dẫn hay nguy hiểm trong bối cảnh không ít chủ đầu tư tỏ ra chưa đủ năng lực để tham gia “cuộc chơi” này.
Khoan hãy nhìn thị trường BĐS nghỉ dưỡng hạ nhiệt ở góc độ thị trường BĐS nói chung đang khó khăn, mà nhìn từ chất lượng các dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng hoặc đang lúng túng vận hành ở giai đoạn sau đầu tư. Những dự án đáng buồn ấy - được tạo lập bởi những nhà đầu tư thiếu chuyên nghiệp, chưa đủ tiềm lực và kinh nghiệm đã vội vàng nhập cuộc. Kết quả là, những khách hàng đồng hành với các dự án này hết sức thất vọng, dù rằng dám bỏ vốn vào đây chứng tỏ họ đều là những người có khả năng tài chính tốt.
Lý do thì có nhiều, nhưng nguyên nhân là vì không ý thức rõ đây là một mảng thị trường cần “lao tâm khổ tứ”. Đầu tư thiếu chuẩn mực và không đồng bộ với dịch vụ quản lý, khai thác sau bán hàng thì ngay mục tiêu nhỏ là kiếm lời kiểu lướt sóng cũng không thành! Khách hàng hiện nay rất kỹ tính, hàng hóa cũng không khan hiếm như trước để người ta phải nhắm mắt làm không tính toán. Thế nên khó khăn sẽ đến nếu không bỏ công bỏ sức đầu tư chiều sâu mà chỉ chăm chăm chụp giật. Chỉ những nhà đầu tư có năng lực, có chiến lược cạnh tranh và khả năng toàn diện để thực hiện các mục tiêu chất lượng mới có thể thành công trên mảng thị trường khó tính này.
Chính một nhà đầu tư BĐS “vung” không ít tiền của cho ngạch thị trường này mới đây phải thừa nhận: “Đứng bên ngoài thoạt tưởng rất dễ làm, dễ ăn… Hóa ra đầu tư BĐS sinh thái buộc phải tuân theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt mà chưa bắt tay vào làm thì chưa “vỡ” ra được!”. Không ít dự án BĐS sinh thái gây được tiếng vang về tiếp thị nhưng trên thực tế bán hàng lại không đạt yêu cầu đề ra. Thậm chí có không ít chủ đầu tư gần như bỏ cuộc lưng chừng, tiến thoái lưỡng nan, làm cũng dở mà không làm cũng dở…
Sở dĩ có một kết cục buồn như vậy là bởi chính các nhà đầu tư quan điểm rất đơn giản rằng, chỉ cần có dự án ở một vùng cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, khí hậu tốt, và cứ thế xây lên trên đó những căn biệt thự, vườn hoa, bể bơi, siêu thị… mà không thấy rằng một sản phẩm hời hợt như vậy sẽ nhanh chóng bị lạc hậu. Để phát triển BĐS nghỉ dưỡng, họ cần có sức sáng tạo rất lớn và một khả năng quản lý dự án cũng như hậu dự án ở trình độ cao.
Có những dự án căn hộ khách sạn nghỉ dưỡng tại một vùng vịnh đẹp nổi tiếng nhất tại miền Trung, xây giữa mênh mông biển xanh nước biếc nhưng đáng tiếc là xung quanh không có… bãi tắm nào. Hoặc có những dự án đã bàn giao biệt thự cho khách hàng, nhưng dịch vụ khai thác và quản lý cho những tiểu khách sạn mini đó lại bị bỏ trống khiến khối tài sản giá trị cao ấy hóa ra không cao như mong mỏi của những vị khách đã bỏ tiền bỏ của ra. Không ít dự án condotel (căn hộ - khách sạn nghỉ dưỡng) có mức độ hoàn thiện phòng khiến không ai thắc mắc: “Sao khách sạn mà lại… “giản dị” thế?”.
Thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam hiện phát triển rầm rộ nhưng về sâu xa lại được xây dựng trên nền tảng phát triển rất đơn giản, đó là hệ thống chính sách quản lý, cơ chế pháp lý thiếu chặt chẽ. Trong khi đó mô hình này dành cho những đối tượng khách hàng có tiềm năng kinh tế lớn, đi nhiều biết rộng, có nhiều nguồn thông tin để kiểm chứng và so sánh giá cả - chất lượng - dịch vụ quản lý cũng như tiêu chí chuẩn mực mà BĐS sinh thái ở hầu hết các thị trường quốc tế cần phải tuân thủ.
Nếu như việc cấp phép đầu tư một cách tràn lan dễ dãi cho các dự án BĐS nghỉ dưỡng là một nguyên nhân khiến sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng bị lệch chuẩn thì hãy nhớ rằng, quỹ đất đủ chuẩn để có thể phát triển BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam không hề dư dả. Trong khi đó việc phát triển ồ ạt về số lượng nhưng lại sơ sài và cảm tính từ khâu quản lý, kiểm duyệt, cấp phép đến khâu triển khai đầu tư xây dựng khiến không ít dự án “ngự” trên đất đẹp mà lại thiếu sức sống!
Để thị trường BĐS nghỉ dưỡng phát triển bền vững, điều cần thiết lập lúc này là phải xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quản lý nhà nước nghiêm ngặt nhằm ươm mầm cho việc kiến tạo một thị trường cạnh tranh chuyên nghiệp.