Các đợt kiểm tra, xử lý mạnh tay của cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy chính quyền tỉnh này đã kiên quyết rút giấy phép, hủy bỏ những dự án “ảo” nhằm thiết lập lại trật tự đầu tư vào các dự án. Kết quả rà soát đã “phơi bày” phần nào thực trạng ảm đạm của công tác đầu tư mảng BĐS du lịch tại địa bàn tưởng như đầy tiềm năng này.

Đầu tư BĐS du lịch Vũng Tàu: “Im thin thít và… lặn mất tăm”


Điển hình trong số các dự án bị “sờ gáy” là dự án công viên thế giới diệu kỳ do Cty TNHH Good Choice USA-VN, giám đốc là ông John Tan Hung Nguyen (Việt kiều Mỹ), làm chủ đầu tư với quy mô hơn 130ha tại khu vực Bàu Trũng (P.Nguyễn An Ninh), một trong những vị trí đắc địa của TP Vũng Tàu, dự án công viên thế giới diệu kỳ có tổng vốn đầu tư lên tới gần 1,3 tỷ USD. Theo thiết kế, dự án gồm nhiều hạng mục rất “hoành tráng” như khu khách sạn 5 sao với 2.500 phòng, bốn cụm khách sạn 4 sao với 4 nghìn phòng, trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế, khu vui chơi giải trí, thuỷ cung, danh lam thắng cảnh Việt Nam và thế giới thu nhỏ...


Đây được xem là khu phức hợp du lịch, vui chơi giải trí lớn nhất tại địa phương này tính đến thời điểm cấp phép đầu tư vào đầu năm 2008. Thế nhưng, trái với kỳ vọng của địa phương, sau khi được cấp phép và tổ chức lễ nhận giấy phép đầu tư khá rình rang, chủ đầu tư của dự án đã... “lặn” mất tăm.


Theo một lãnh đạo của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Vũng Tàu, kể từ khi dự án được cấp phép đến nay, cơ quan này chẳng biết mặt mũi chủ đầu tư, cũng không hề nhận được bất cứ công văn nào của chủ đầu tư về việc phối hợp triển khai công tác kiểm kê, đền bù GPMB!


Đại diện Trung tâm kỹ thuật nghiệp vụ - Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hiện tại Cty TNHH Good Choice USA-VN vẫn đang nợ 400 triệu đồng tiền đo vẽ mà trung tâm đã thực hiện. “Từ khi đo vẽ xong đến nay, chúng tôi không thể gặp được chủ đầu tư và không biết chủ đầu tư ở đâu mà đòi tiền”, vị này nói.


Qua các đợt thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của các cơ quan chức năng cho thấy, một số dự án không đưa diện tích đất vào sử dụng, một số dự án chậm triển khai. Các trường hợp này đều là những dự án đã được giao đất trước năm 2003. Cụ thể: UBND tỉnh đã thu hồi diện tích đất của các dự án không đưa đất vào sử dụng như: Cty Dịch vụ Du lịch Dầu khí (OSC) được UBND tỉnh cho thuê 99.041m2 đất tại P.2, TP Vũng Tàu từ năm 1998, nhưng đơn vị mới sử dụng 59.998m2, diện tích đất không đưa vào sử dụng là 39.043m2; Thu hồi 8,262ha đất tại đường Thùy Vân, P.2, TP Vũng Tàu của Cty liên doanh Vũng Tàu KerieFestivalResrt do không đưa đất vào sử dụng theo quy định. Thanh tra tỉnh cũng đã thực hiện một số cuộc thanh tra đối với một số dự án gồm: Khu Du lịch (KDL) Hải Thuận tại huyện Xuyên Mộc; khu biệt thự resort Tây Sơn; KDL Hồng Quang; KDL Long Hải tại huyện Long Điền; KDL Minh Đạm, dự án KDL Thanh Bình tại huyện Đất Đỏ. Qua đó, kiến nghị thu hồi đất của dự án KDL Thanh Bình (do không triển khai trong thời gian dài, từ năm 2001 đến nay).


Tuy nhiên, phản ánh từ phía nhà đầu tư, vẫn có những dự án đủ năng lực mà vẫn cam chịu “đắp chiếu” chờ được triển khai do vướng thủ tục. Nhiều dự án chậm triển khai thực hiện như cao ốc văn phòng Cty CP Hồng Hà dầu khí, trường mầm non tư thục Nụ Hồng, cụm công nghiệp Tam Phước 2.


Một trường hợp điển hình là dự án Saigon Atlantis hotel, một trong những dự án du lịch lớn nhất tại địa phương với quy mô vốn đầu tư sau hai lần điều chỉnh lên tới 4,1 tỷ USD, diện tích gần 1 nghìn ha. Theo kế hoạch, trong quý I/2009 Cty TNHH Winwest Việt Nam(Mỹ) - chủ đầu tư dự án - sẽ được giao 100ha đất để khởi công. Và để thể hiện thiện chí, từ tháng 4/2007 - tháng 6/2008, chủ đầu tư đã ứng trước 98 tỷ đồng tiền thuê đất để hỗ trợ kinh phí bồi thường, GPMB. Tuy nhiên đến nay, chủ đầu tư của dự án chỉ mới được bàn giao chưa đến 90ha đất.


Theo Sở KH&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu, vướng mắc lớn và cũng là khó khăn nhất khi các DN triển khai dự án là công tác GPMB do địa phương không có đủ kinh phí. Ngoài ra, tình hình khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế toàn cầu trong thời gian qua cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án của nhà đầu tư; một số nhà đầu tư không bảo đảm năng lực, kinh nghiệm còn hạn chế, không tập trung vốn trong quá trình đầu tư dự án...


Ông Nguyễn Tấn Cường - Phó Phòng Đầu tư Sở KH&ĐT cho biết, hiện nay, đối với các dự án chậm triển khai hoặc không có khả năng thực hiện so với tiến độ cam kết, trên cơ sở rà soát, đề xuất của UBND cấp huyện, thị, TP, Sở KH&ĐT phối hợp cùng các sở, ngành liên quan đề nghị UBND tỉnh chấm dứt hoạt động, trước thời hạn và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Đồng thời, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan phân loại các dự án đầu tư của DN để có giải pháp hỗ trợ hoặc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án.

Theo Báo Xây dựng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.