Đã có nhiều doanh nghiệp làm ăn thất bát vì chen chân vào bất động sản. Ảnh Thanh Thịnh.
Khoảng năm 2007, giá nhà đất liên tục tăng khiến nhiều người nhập cuộc, trong đó có các nhà đầu tư mua gom với mục đích lướt sóng kiếm lời. Tuy nhiên đến khi thị trường rơi vào bế tắc từ năm 2008 cho đến nay đã có nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ bị thị trường đào thải vì làm ăn chộp giật, không bài bản.
Nhưng càng ngày làn sóng đổ vỡ lại càng lan rộng và lan sang cả những “ông lớn”. Còn nhớ vào cuối năm 2012 thị trường bất động sản đã được một phen xôn xao khi Tập đoàn Mai Linh thông báo nợ đến 500 tỷ đồng huy động của các nhà đầu tư với lãi suất cao ngất ngưởng từ 18 – 25%/năm. Chính chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn này đã phải xác nhận rằng, sở dĩ đơn vị này nợ tiền vay với lãi suất cao là do Mai Linh chưa có kinh nghiệm trong việc cắt lỗ ở lĩnh vực đầu tư bất động sản. Để giải quyết món nợ này, Mai Linh sẽ thanh lý tài sản hiện có, trong đó có nhiều dự án bất động sản.
Thất bại trên thị trường bất động sản, đồng thời lĩnh vực kinh doanh vận tải sa sút uy tín và thương hiệu của Tập đoàn Mai Linh đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại đại hội cổ đông thường niên của công ty diễn ra hồi cuối tháng 6, Mai Linh đã thông báo kết quả kinh doanh đáng buồn với mức lỗ hơn 33 tỷ đồng trong năm 2012.
Những ngày đầu tháng 7/2013, thị trường bất động sản lại tiếp tục rúng động khi ông Nguyễn Hoàng Long – Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Vina Megastar (Megastar Group) bị bắt vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có giá trị gần 30 tỷ đồng. Được biết đến là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp nặng nhưng ông chủ tập đoàn này lại sa cơ vì những rắc rối liên quan đến việc đầu tư bất động sản với hàng loạt dự án đã huy động vốn của khách hàng nhưng đến nay vẫn còn là bãi đất trống, chưa hề được triển khai xây dựng.
Từng gây sóng gió trên thị trường khi tuyên bố bán căn hộ Đại Thanh với giá 10 triệu đồng/m2 vẫn có lãi, mới đây Công ty Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu lại liên quan đến những “lùm xùm” xung quanh dự án VP5 Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) mà đơn vị này cũng là chủ đầu tư. Dự án này đã bị Sở Xây dựng Hà Nội đình chỉ thi công vào tháng 5/2013 do chưa đáp ứng đầy đủ cơ sở pháp lý mà vẫn tiếp tục thực hiện và rao bán căn hộ không đúng quy định của pháp luật. Nhưng đầu tháng 7/2013, công ty này lại tiếp tục chào bán các căn hộ. Đáng chú ý, người mua nhà muốn sở hữu được căn hộ này phải thông qua “cò” với mức chênh lệch hàng trăm triệu đồng so với giá mà chủ đầu tư đưa ra.
Không chỉ đơn thuần là dính vào kiện tụng như các trường hợp nêu trên, mới đây Công ty cổ phần Sỹ Ngàn, chủ dự án Ngọc Viên Islands (Hà Nội) đã bị Toà án nhân dân thành phố Hà Nội ban hành quyết định mở thủ tục phá sản với do mất khả năng thanh toán một số khoản nợ đã đến hạn.
Có thể đổ lỗi do thị trường bất động sản khó khăn, việc kinh doanh ế ẩm nên nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng lao đao. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp thất bại thảm hại khi đầu tư vào bất động sản đó là do cách làm ăn chụp giật theo phong trào mà bỏ qua việc xác định chiến lược dài hạn công ty cũng như lơ là trong các lĩnh vực mà công ty ăn nên làm ra, chấp nhận vung tiền vi vu theo cuộc chơi đầu tư bất động sản.
Tất nhiên không thể phủ nhận hiện nay vẫn có những doanh nghiệp bất động sản sống được nhưng đa phần trong số đó chỉ tập trung một ngành bất động sản và để bán được hàng các doanh nghiệp này cũng cần phải có chiến lược bài bản cũng như xây dựng uy tín thương hiệu.
Theo Ông Chris Brown, Giám đốc điều hành Công ty cung cấp dịch vụ bất động sản Cushman & Wakefield Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn bất ổn và còn không ít rủi ro khi đầu tư. Tuy nhiên, dù bất động sản đang trong cuộc suy thoái lớn nhất, thiệt hại là điều khó tránh khỏi nhưng doanh nghiệp vẫn tìm nhiều giải pháp và nhìn được cơ hội bước ra khỏi suy thoái, thị trường sẽ được cơ cấu phù hợp và phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Đây sẽ là một cơ hội vàng cho các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn hướng về trong tương lai, ông Chris nhấn mạnh.