Phía NHNN cũng khẳng định tiếp tục tổ chức đầu thầu và chưa thể trả lại thị trường vàng như trước.

Trao đổi với VOV bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, TS.Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho rằng: “Giá vàng trong nước và thế giới vẫn chênh lớn, còn nhiều rủi ro nên nhu cầu mua vàng giảm dần, số người mua vẫn có nhưng không nhiều như trước. Như vậy rõ ràng là mình đang thực hiện được vai trò chống vàng hóa”.

PV: Thế nhưng, trong hơn 60 tấn vàng đấu thầu thành công đã có 30 tấn được người dân mua lại. Như vậy, mục tiêu chống vàng hóa trong nền kinh tế đã thất bại, thưa ông?

Ông Trần Hoàng Ngân: Người dân có nhu cầu mua vàng là chuyện bình thường, đó là tập quán lâu năm rồi, nhưng lượng mua giảm dần so với trước đây. Lý do là người dân cảm nhận giá vàng biến động thất thường, có những đêm lên tới 50-60 USD (tương đương gần 1,5 triệu đồng).

Việc huy động vàng trong dân sẽ có một bài toán trong tương lai. Để làm được việc này thì chúng ta phải đảm bảo được tính an toàn cho người huy động. Do đó, phải có thị trường phái sinh để người ta thực hiện các công cụ bảo hiểm giá vàng, giống như công cụ bình chọn, thị trường giao sau… mới bảo hiểm được, tức là huy động xong mình bán nhưng nếu giá vàng lên thì có bảo hiểm để bù đắp, khi đó cơ chế huy động vàng mới thành công. Còn lại mục tiêu của mình đạt được là chống vàng hóa, người dân ít quan tâm đến vàng hơn.

Một điểm nữa là ta đưa thị trường vào trật tự và như vậy góp phần làm cho thị trường USD tự do không hỗn loạn như trước đây, ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ. Việc này chúng ta đã làm tốt rồi.

PV: Ông bình luận gì về việc quản lý thị trường vàng thời gian vừa qua?

Ông Trần Hoàng Ngân: Đối với thị trường vàng, từ năm 2008 đến nay, những người dự báo về vàng đều không thành công và thị trường vàng năm 2008 đến nay biến động bất thường. Do đó, việc điều hành và kiểm soát thị trường vàng là vô cùng khó khăn.

Mục tiêu của Chính phủ đưa ra không phải là mục tiêu dàn trải mà nhằm đưa thị trường vàng vào quản lý một cách chặt chẽ theo đúng pháp luật, đồng thời, thông qua việc quản lý thị trường vàng để kiểm soát, chống đô la hóa trên thị trường.

Mục tiêu đi theo hướng đó và chính Nghị định 24 đưa ra , chúng ta đã thực hiện được. Chúng ta đã đưa hoạt động vàng đi vào nền nếp và đặc biệt chống được hiện tượng vàng hóa trên thị trường, chống được đô la hóa góp phần ổn định giá. Đó là những thành công , ngoài ra nó còn đem lại nguồn thu cho ngân sách. Đây là những thành công lớn của thị trường vàng.

PV: Thế nhưng Ngân hàng Nhà nước chỉ bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá dẫn đến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới còn quá cao?

Ông Trần Hoàng Ngân: Tôi thấy giá vẫn bình ổn, không có vấn đề gì. Thị trường vàng thế giới sau 1 đêm, do cuộc họp của Fed quyết định duy trì QE hay quyết định thu hẹp QE lập tức giá vàng có thể nhảy từ 30 – 60 USD/ounce trong một đêm thì làm sao giá vàng của mình có thể chạy theo kịp được.

Còn việc chúng ta để cho giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có khoảng cách có nhiều lý do. Vàng trong nước đa phần nhập về, ngoài ra việc để chênh lệch cũng không phải là mong muốn của Ngân hàng Nhà nước. Đây là do khách quan tạo ra cho thị trường như vậy.

Khoảng cách này, để như vậy chúng ta có lợi gì không? Rõ ràng là có lợi. Nó làm nản lòng những người muốn mua vàng và như vậy là chúng ta đã chống được hoạt động đầu cơ. Bây giờ giới đầu tư vàng đã hạn chế đi rất nhiều, giúp cho việc chống vàng hóa.

Tuy nhiên, đây là giải pháp ở thời điểm này tôi thấy là hợp lý nhất so với các giải pháp khác. Nhưng nó vẫn có mặt trái. Tức là đấu thầu vàng vẫn có khuyết điểm nhưng so với các giải pháp khác thì nó là hữu hiệu.

Mặt trái đó là chúng ta chưa huy động được cung cầu trên thị trường. Đợi đến một lúc nào đó, khi điều kiện thị trường vàng thế giới ổn định thì điều hành của chúng ta cũng dễ hơn.

PV: Theo quan điểm của ông, thời gian tới nên quản lý thị trường vàng theo hướng nào?

Ông Trần Hoàng Ngân: Thị trường vàng rất lạnh. Cho nên xử lý vàng không được nóng vội, phải bình tĩnh và mặc dù có khuyết điểm nhưng để thay đổi nó cần phải có thời gian. Để khi nào thế giới bình ổn rồi thì mình chỉnh, khi đó để tạo ra được một sàn vàng vật chất giống như các nước, tạo được nguồn cung cầu vàng, thay vào việc phải nhập khẩu vàng về như hiện nay. Tạo cung cầu - vàng thông qua sàn vàng vật chất đó chứ không phải là vàng tài khoản, khi đó chúng ta sẽ giải quyết được bài toán vàng. Quá trình này là quá trình chúng ta đang đi xây dựng các giải pháp để khắc phục những nhược điểm của đấu thầu vàng hiện nay.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cung-cầu vàng đã bão hòa

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 26/10, trả lời câu hỏi của báo chí về việc đấu thầu vàng bị “ế” trong những phiên gần đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho rằng bão hoà cung - cầu có thể là một trong những nguyên nhân.

Ông Đào Minh Tú cho rằng, để đánh giá một cách chính xác hơn thì phải thêm một vài phiên nữa. Bên cạnh đó, còn phải dựa vào giá cả của thế giới.

Về quan điểm điều hành thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới, ông Tú cho hay, cơ chế quản lý vàng đang áp dụng hiện nay đã được Chính phủ giao cho các cơ quan nghiên cứu trong nhiều năm.

Cùng với đó, đã có nhiều năm thị trường vàng, đặc biệt là vàng miếng quản lý chưa được chặt chẽ. Thế nhưng, sau khi Nghị định 24/CP ra đời, việc quản lý thị trường vàng đã có những bước tiến đáng kể và đạt hiệu quả cao.

Chính vì vậy, Phó Thống đốc khẳng định: “Hiện chúng ta mới chỉ mới bước đầu áp dụng cơ chế này để quản lý thị trường vàng, mà lại đặt vấn đề trả lại như ngày xưa thì rõ ràng chưa phải thời điểm. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là phải tiếp tục cơ chế quản lý vàng làm sao cho hiệu quả nhất”.
Vũ Hạnh (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.