Theo quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt, ngành du lịch tỉnh sẽ phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô, chất lượng nhân lực và dịch vụ, đa dạng hóa chuỗi sản phẩm du lịch, kết cấu hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ ở tầm quốc tế.

Khách du lịch tham quan tại tỉnh Lâm Đồng

Du lịch Lâm Đồng phục hồi ấn tượng

Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, năm 2023, tổng lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng ước đạt 8,6 triệu lượt, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 101,8% kế hoạch năm 2023.

Trong đó, khách quốc tế ước đạt 400.000 lượt, tăng 166,7% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 160% kế hoạch năm 2023; khách nội địa ước đạt 8,25 triệu lượt, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 100% kế hoạch năm 2023. Khách qua lưu trú ước đạt 6,7 triệu lượt, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 103,1% kế hoạch năm 2023.

Đến nay toàn tỉnh hiện có 3 sân golf; 112 khu, điểm du lịch, điểm tham quan. Trên địa bàn tỉnh hiện có 3.068 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 43.647 phòng, trong đó có 447 khách sạn từ 1 - 5 sao với 13.107 phòng.

Hệ thống lữ hành - vận chuyển cũng đang dần hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của du khách với 82 đơn vị kinh doanh lữ hành, trong đó có 44 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, 38 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa.

Bên cạnh việc khai thác các sản phẩm du lịch truyền thống của địa phương, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới như du lịch canh nông, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm,… để phục vụ du khách.

Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong năm 2024, Lâm Đồng phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đón và phục vụ khoảng 9,7 triệu lượt. Trong đó khách quốc tế là 550.000 lượt, khách nội địa là 9,15 triệu lượt và khách qua lưu trú khoảng 7,6 triệu lượt.

Lâm Đồng sẽ phát triển nhiều dự án khu du lịch có quy mô lớn

Đâu là vùng đất phát triển mới?

Theo quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt, phấn đấu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành “Thiên đường xanh” với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.

Ngành du lịch sẽ phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô, chất lượng nhân lực và dịch vụ, đa dạng hóa chuỗi sản phẩm du lịch, kết cấu hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ ở tầm quốc tế.

Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chất lượng cao và bền vững, tạo động lực cho sự phát triển của các ngành liên quan dựa trên nền tảng của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và công nghiệp sáng tạo.

Lâm Đồng sẽ phát triển hệ thống khu, điểm du lịch theo các cụm không gian du lịch, hành lang kinh tế. Trong đó, thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành đô thị du lịch chất lượng cao, phát triển kinh tế ban đêm, hiện đại, đẳng cấp quốc tế. Thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận trở thành vệ tinh, trung tâm du lịch cấp vùng.

Tỉnh sẽ nghiên cứu, phát triển các trung tâm du lịch: Sinh thái - nghỉ dưỡng - chữa bệnh - chăm sóc sức khỏe thể thao hàng đầu Việt Nam tại thành phố Bảo Lộc và các huyện có tiềm năng du lịch, khẳng định thương hiệu và năng lực cạnh tranh của Lâm Đồng ở trong nước và quốc tế.

Lâm Đồng cũng tập trung đầu tư 06 nhóm sản phẩm du lịch chính: Du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp (gôn, đua ngựa, đua chó…); du lịch sinh thái - mạo hiểm; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch văn hoá tâm linh; du lịch đô thị; du lịch sáng tạo.

Quy hoạch vừa được phê duyệt cũng đã cập nhật danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện của tỉnh Lâm Đồng.

Theo đó, trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, tỉnh Lâm Đồng dự kiến ưu tiên thực hiện 34 dự án gồm: Khu du lịch Hồ Prenn; Các dự án theo Quy hoạch chung Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm; Sân golf và nghỉ dưỡng Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt; Mở rộng Khu du lịch Quốc gia Hồ Tuyền Lâm, thành phố Đà Lạt; Khu đô thị kết hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái dã ngoại (Khu vực I, II, III), thành phố Đà Lạt; Khu tổ hợp dịch vụ - du lịch sinh thái - Sân golf - cáp treo núi Sapung, thành phố Bảo Lộc;

Khu đô thị, du lịch và dịch vụ nghỉ dưỡng phường Lộc Phát, thành phố Bảo Lộc; Khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ giải trí ven Hồ Nam Phương 1, thành phố Bảo Lộc; Khu đô thị du lịch Phường B'lao, thành phố Bảo Lộc; Khu du lịch núi Sa Pung; Khu du lịch kết hợp phát triển dược liệu, huyện Bảo Lâm; Tổ hợp sân golf và nghỉ dưỡng cao cấp tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương; Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp quần thể vui chơi giải trí tại khu vực hồ Đa Nhim Thượng (Khu vực I, II).

Khu du lịch Quốc gia Đan Kia - Suối Vàng; Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp quần thể vui chơi giải trí tại huyện Đức Trọng (Khu vực I, II, III); Khu du lịch hồ Đại Ninh; Du lịch sinh thái, canh nông đồi Ka Đơn; Khu du lịch sinh thái Hồ Đông Thanh; Khu du lịch sinh thái Thác Liêng Chi Nha; Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp quần thể vui chơi giải trí tại hồ Đồng Nai 2 (Khu vực I, II, III).

Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp quần thể vui chơi giải trí tại hồ Đồng Nai 2 (Khu vực I, II, III); Khu tổ hợp du dịch, dịch vụ, văn hóa, thể thao, sân golf và khu dân cư bên hồ thủy điện Đồng Nai 1; Khu du lịch nghỉ dưỡng thác Bobla; Tổ hợp sân golf và nghỉ dưỡng cao cấp; Khu dân cư đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí tổng hợp khu vực hồ Đông, hồ Tây; Các khu du lịch trên địa bàn huyện Đam Rông;...

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.