Do Vịnh Hà Long là một di sản thế giới nên tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng dự án đưa người dân lên bờ; thành lập khu dân cư; quy hoạch từng vùng nuôi thủy hải sản... Đầu năm 2014, thành phố Hạ Long bắt đầu thực hiện dự án “Di dời nhà bè trên vịnh Hạ Long”. Tuy nhiên, cũng từ đây mọi bi kịch bắt đầu mở ra.

Đau lòng trước dự án di dời nhà bè trên Vịnh Hạ Long

Nằm trong khu 8, phường Hà Phong, TP. Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, “Phố Làng Chài" dường như tách biệt bởi một thung lũng, bao quanh là dãy núi như một vành chảo ôm trọn nơi đây.

Dự án tái định cư cho người dân làng Chài thuộc vịnh Hạ Long là một chủ chương để đưa người dân lên bờ, thành lập khu dân cư, quy hoạch từng vùng nuôi thủy sản đồng thời tổ chức các dịch vụ tour du lịch... Vì Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thế giới nên không thể để người dân tự phát lập bè - nuôi cá lồng bừa bãi, dù đó là nghề truyền thống nhiều đời của người dân.

Đầu năm 2014, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh triển khai đồng bộ đề án “Di dời nhà bè trên vịnh Hạ Long” bằng nguồn ngân sách Nhà nước với số vốn đầu tư hơn 17 tỷ đồng (trong đó có sự tài trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế trên 13 tỷ đồng).

Tại khu 8 thuộc phường Hà Phong (TP. Hạ Long ), 8 dãy nhà cấp 4, nền xi măng, mái lợp tôn với 364 căn hộ liền kề được hình thành. Trung bình mỗi căn hộ xây dựng 77,5m2. Hiện tại, bố trí định cư cho 346 hộ dân, trong đó: 332 hộ đủ điều kiện tái định cư; 12 hộ mua trả góp; 02 hộ cho thuê. Còn lại 18 căn đang để đó… nhưng có tới 25 hộ chưa có nhà, đang phải đi ở nhờ (những người được cấp nhà) hơn 2 năm nay.

Đủ điều kiện nhưng không được nhận nhà

Theo kế hoạch dự án, các bè nhà ở, lồng bè nuôi cá sẽ bị dỡ bỏ. Những hộ gia đình có bè trước ngày 21/3/2008 thì được giải quyết nhà ở trên cạn. Những hộ có bè sau ngày này thì được mua 30% - 50% giá tùy từng thời điểm. Thế nhưng thực tế đã không diễn ra như thế.

Gia đình chị Dương Thị Lan cho biết: “Vợ chồng em có hộ khẩu riêng (có con nhỏ), có bè từ đầu năm 2008, họ đến đo đạc bè của nhà em, cả 2 vợ chồng không biết chữ. Đến khi phường Hồng Thắng gọi em về bốc thăm, bốc được số nhà 21 – Lô 8, chúng em mừng lắm, chỉ chờ đợi cùng mọi người để nhận nhà. Đến khi phân nhà thì bảo em không đủ tiêu chuẩn, thu hồi nhà”.


Khu tái định cư dường như vắng bóng người dân, lác đác một vài quán xá nhỏ mở nhưng không có thực khách.

Rồi chị Lan vừa cho phóng viên xem tờ giấy bốc thăm được nhận nhà vừa cho biết thêm, chị làm đơn nhiều lần, cho nên cuối năm 2015, UBND phường Hồng Hà gọi về lần 2 bảo là bốc thăm, rồi đợt 3 nhưng đều báo hoãn. Chị hỏi ông Nguyễn Văn Lành cán bộ UBND phường thì ông Lành nói “không được trọn gói đâu, phải trả góp” nhưng đến nay vẫn chưa thấy gọi. Bè thì tháo dỡ rồi, bây giờ nuôi 2 con nhỏ, nhà thì không có ở, phải ở nhờ nhà bố mẹ chồng.

Gia đình anh Nguyễn Văn Thoại, SN 1977 cũng không kém phần éo le. Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Nhật (bố đẻ anh Thoại - PV) cho biết, hai vợ chồng anh Thoại có bè từ năm 2003. Mọi thủ tục đủ điều kiện để lập phương án đồng thời có đến đo vẽ nhà bè của gia đình anh.

Sau khi tham gia bốc thăm đợt 1, vợ chồng anh Thoại bốc được số nhà 46 – Lô 1, chờ chuẩn bị nhận nhà. Nhưng đến hôm phân nhà, gia đình anh nhận được tin rằng trường hợp của mình bị đình chỉ và nói sang đợt 2.

Mặc dù bố con anh Thoại đến gặp anh Thông – Phó Chủ tịch phường Hồng Thắng thì chỉ nhận được câu “anh Thoại không được nhà”, còn lý do tại sao thì không nói rõ. "Bè của cháu bị phường kéo đi để đốt. Trước khi kéo đi, con tôi yêu cầu làm giấy xác nhận, nhưng phường bảo không phải giấy tờ gì cả. Hiện nay, vợ chồng cháu có 2 đứa con, nhà không có, đành mua cái thuyền nan cũ đi câu lưới, cả 4 khẩu đang lên đênh trên biển” - Ông Nguyễn Văn Nhật chua chát.

Chỉ lo chuyển bè nhưng không lo việc làm

Theo kế hoạch Đề án, ngoài việc tổ chức tái định cư các hộ nhà bè, UBND TP Hạ Long còn phải xây dựng bến cảng, nạo vét luồng lạch để phục vụ nhân dân đi lại, sản xuất kinh doanh, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho các hộ nhà bè sau khi lên bờ...

Thực tế hiện nay, gần 2.000 người dân làng Chài được đưa lên bờ, nhiều hộ sinh sống trên bè qua ba, bốn thế hệ, đa số là không biết chữ. Các gia đình đang rất khốn khó, trước giờ con bám vào biển để sống, từ khi lên bờ không biết làm gì.

Không biết chữ, đi học làm công nhân thì không hiểu, chán nản bỏ về; Học lái taxi chỉ được 01 người; 222 người tham gia tuyển dụng vào 11 đơn vị để tạo công việc cho họ thì chỉ được 56 người “trúng tuyển”; 04 người làm vệ sinh môi trường tại chỗ; 9 người làm nghề chạy xe ôm. Số còn lại là làm nghề tự do. Trong khi đó, số người trong độ tuổi lao động là 889 người. Đây là con số báo cáo mới nhất của UBND TP. Hạ Long tháng 3/2016 – một con số đáng “buồn” của đề án?!

Ông Nguyễn Văn Kỵ - tổ trưởng cho biết, từ khi dân Chài về đây, số người chết đã gần 20 người. Chết do tại nạn giao thông 7 người; số còn lại (độ tuổi từ 60 đến 80) chết do nắng nóng kết hợp với bệnh tật. Trước đây, các cụ sống ở biển thoáng mát hơn, chuyển lên đất liền chưa hợp với khí hậu, thời tiết lại khắc nghiệt thì làm sao chịu nổi, người già có bệnh càng nặng hơn. Cứ sáng sớm tinh mơ, hơn 700 con người tỏa đi khắp nơi, từng đoàn người đi hàng chục cây số lại xuống biển để kiếm sống.

Nếu như theo đề án, người dân không phải đi đường bộ xa thế vì con luồng "Cái Xà Cong" gần đấy nếu được nạo vét khai thông thì sẽ làm nơi đậu cho tàu thuyền ra vào bến, người dân đi lại thuận tiện hơn. Tuy nhiên, thực tế là bến Cái Xà Cong mới được xây 6 bậc kè đá, việc nạo vét chẳng biết đến bao giờ mới hoàn thành.

Người dân tại đây cho biết: “chỉ có Mủng mới đi vào được, còn nước thủy triều có to đến mấy thì tàu thuyền cũng không thể vào nổi. Có công ty đã từng đưa máy móc đến nhưng chỉ đến hút được ít cát rồi đem đi bán xong bỏ đi luôn, không hiểu vì lý do gì… Rất nhiều đoàn đến kiểm tra, thăm dò, nhưng đến nay chẳng biết Cty nào nạo vét nữa. Mấy năm nay rồi vẫn cứ như thế này!”.

Đem câu chuyện đến hỏi lãnh đạo thành phố thì một vị quan chức của TP cho biết, “Chúng tôi đang triển khai. Cùng một lúc TP cũng phải giải quyết rất nhiều vấn đề của dự án, không chỉ riêng về việc nạo vét luồng Cái Xà Cong. Vì có quá nhiều đá ngầm. Dự toán ban đầu không đủ chi phí để nạo vét…”.

Những người dân đi thuyền phải cập bến xa hàng chục cây số. Nhiều hộ dân một tháng chỉ về nơi ở hai lần (ngày rằm và mùng một), còn lại họ lênh đênh bám biển

Tưởng rằng, mục tiêu của đề án di dời dân lên bờ, giúp dân Chài ổn định cuộc sống, an cư lập nghiệp với ngôi nhà cấp 4 trên đất liền, thay đổi cuộc sống cho họ, bố trí công ăn việc làm… nào ngờ, họ vẫn quay về biển lập kế sinh nhai.

Quốc Huy (Pháp luật VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.