Khu đất 23 Lê Duẩn, quận 1 (TP.HCM) ở vị trí cực đẹp, hình thể vuông vức (55 x 55 m) hiện là trụ sở Công ty Xổ số Kiến thiết TP.HCM. Ngày 23-6, thực hiện quyết định có liên quan của UBND TP, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP (gọi tắt là trung tâm) đã tổ chức công khai cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất thuê của “khu đất vàng” này để làm khu văn phòng - thương mại - dịch vụ. Kết quả, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn THM vượt qua 12 “đối thủ” khác để trúng đấu giá với số tiền kỷ lục 1.430 tỉ đồng.
Đã đặt cọc hơn 83 tỉ đồng
Cũng trong ngày 23-6, giữa trung tâm với Công ty THM đã ký kết xong hợp đồng mua bán tài sản. Theo đó, để bảo đảm thực hiện hợp đồng, công ty đã đặt cọc hơn 83 tỉ đồng (tương đương với số tiền đặt trước để tham gia đấu giá). Theo hợp đồng, trong thời hạn 75 ngày kể từ ngày bán đấu giá thành, công ty có trách nhiệm thanh toán toàn bộ số tiền mua tài sản để trung tâm chuyển vào ngân sách nhà nước. Nếu quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày trúng đấu giá mà công ty không nộp đủ tiền mua tài sản thì xem như công ty đã vi phạm hợp đồng. Khi đó, UBND TP ra quyết định hủy kết quả bán đấu giá, hủy hợp đồng mua bán tài sản và công ty sẽ mất khoản tiền đặt cọc.
Khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM) rộng trên 3.000 m2 và có hai mặt tiền (đường Lê Duẩn và đường Nguyễn Du). Ảnh: CTV
Việc thực hiện hợp đồng tưởng chừng suôn sẻ thì bất ngờ, theo phản ánh của báo Thanh Niên ngày 7-8, Công ty THM “vừa có đơn khiếu nại trung tâm đã triển khai phương án đấu giá không đúng theo hồ sơ phát hành ban đầu”. Chi tiết hơn, nội dung khiếu nại cho rằng bước giá bán đấu giá lẽ ra dao động từ 56 triệu đồng đến 5,584 tỉ đồng thì tại buổi đấu giá nêu trên, bước giá được công bố dao động từ 1 tỉ đồng đến 50 tỉ đồng. Theo Công ty THM, điều này dẫn đến giá trúng đấu giá bị đẩy quá cao, ở mức không hợp lý (cao gần 2,6 lần so với giá khởi điểm 558 tỉ đồng). Từ chỗ đó, trong đơn khiếu nại, Công ty THM “đề nghị hủy kết quả buổi bán đấu giá ngày 23-6, đồng thời tổ chức đấu giá lại”.
Luật không khống chế bước giá tối đa
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sáng 7-8, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP, cho biết: “Chúng tôi chưa nhận được đơn khiếu nại của Công ty THM. Tuy nhiên, từ thông tin tiếp nhận trên báo chí, chúng tôi đã kiểm tra lại hồ sơ và xin khẳng định là chúng tôi làm đúng quy định”.
Ông Sỹ giải thích thêm: Cần phân biệt sự khác nhau giữa bước giá tối thiểu và tối đa. Về bước giá tối thiểu, trung tâm căn cứ vào phương án bán đấu giá ban hành kèm theo Quyết định 511/QĐ-TNMT-PTQĐ ngày 12-5-2015 của Sở TN&MT. Quyết định này quy định bước giá tối thiểu từ 56 triệu đồng đến 5,584 tỉ đồng (tức từ 0,01% đến 1% giá khởi điểm của gói đấu giá) và trung tâm đã chọn bước giá tối thiểu là 1 tỉ đồng phù hợp với phương án. Về bước giá tối đa, do phương án bán đấu giá không quy định nên trung tâm đã chọn 50 tỉ đồng do khu đất có giá trị lớn và để tránh trường hợp người trả giá trước trả giá thật cao rồi sau đó từ chối mua tài sản.
Bởi lẽ khoản 1 Điều 39 Nghị định 17/2010 của Chính phủ (về bán đấu giá tài sản) có quy định: “Tại cuộc bán đấu giá tài sản, khi đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá tài sản đã công bố người mua được tài sản bán đấu giá mà người này từ chối mua thì tài sản được bán cho người trả giá liền kề nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối mua. Trong trường hợp giá liền kề cộng với khoản tiền đặt trước nhỏ hơn giá đã trả của người từ chối mua thì cuộc bán đấu giá coi như không thành”.
Cũng cần lưu ý rằng tại cuộc bán đấu giá ngày 23-6, trung tâm đã thông báo công khai bước giá trên, tất cả 13 khách hàng tham dự cuộc bán đấu giá đều không có ý kiến gì và đã đồng ý tham gia trả giá. Như vậy, việc công ty cho rằng bước giá bị đẩy lên quá cao là chưa đúng thực tế vì với mức chênh lệch của mỗi lần trả giá là từ 1 tỉ đồng đến 50 tỉ đồng, khách hàng tham gia đấu giá có quyền trả giá từ bước giá tối thiểu đến bước giá tối đa theo khả năng tài chính của mình.
“Hiện UBND TP đã phê duyệt kết quả đấu giá trên. Nếu khách hàng nộp đơn khiếu nại thì trung tâm sẽ giải quyết theo quy định” - ông Sỹ cho biết.
Chậm thanh toán, một khách hàng mất hơn 44 tỉ đồng Đó là một ngân hàng TMCP từng trúng đấu giá quyền thuê khu đất 2-6 Bis Điện Biên Phủ, quận 1 (TP.HCM). Năm 2011, án phúc thẩm của TAND TP.HCM đã bác yêu cầu của ngân hàng này đòi hủy kết quả bán đấu giá với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM. Thay vào đó, do vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên ngân hàng bị mất hơn 44 tỉ đồng đặt trước. Chiều 7-8, để có thông tin hai chiều, PV báo Pháp Luật TP.HCM đã trực tiếp đến Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn THM để lấy ý kiến về vụ việc. Tuy nhiên, do lãnh đạo công ty đi công tác ở nước ngoài nên phía công ty chỉ ghi nhận các đề nghị của PV và cho biết sẽ trả lời sau. |
-
Doanh nghiệp tham gia đấu giá và trúng thầu khu đất vàng số 23 Lê Duẩn (Q.1, TP.HCM) rộng hơn 3.000 m2 vừa có đơn khiếu nại Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đã triển khai phương án đấu giá không đúng theo hồ sơ phát hành ban đầu, khiến giá trúng thầu trở nên “cắt cổ”.
-
Đất vàng 23 Lê Duẩn về tay chủ mới
Khu đất vàng số 23 Lê Duẩn sẽ được xây trung tâm văn phòng - thương mại - dịch vụ với chiều cao tối đa 100 m.