Nghiên cứu khai thác hiệu quả quỹ "đất vàng" ven sông Sài Gòn
UBND TP.HCM vừa có báo cáo tổng kết đề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020 - 2045, kế hoạch triển khai năm 2020 – 2025, theo PLO.
Cụ thể, UBND TP cho biết đề án này được thực hiện theo các giai đoạn và lộ trình, đánh giá sơ bộ đã hoàn thành 80% khối lượng công việc cho giai đoạn 2021 - 2025.
Báo cáo của UBND TP cho hay, sau quá trình làm việc giữa nhóm chuyên gia địa phương và tư vấn nước ngoài tích hợp kết quả nghiên cứu của nhóm tư vấn vào quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và thiết kế đô thị, TP đề xuất triển khai xây dựng 42 công viên cây xanh dọc hành lang sông Sài Gòn.
Việc phát triển chuỗi công viên sẽ tạo hạ tầng đa chức năng, phát huy vai trò, tiềm năng của sông Sài Gòn trong phát triển kinh tế dịch vụ, tăng cường chất lượng cảnh quan dọc hành lang sông và đa dạng sinh học.
Qua đó, cơ quan chức năng cũng sẽ định hướng đầu tư triển khai lập các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng xanh (công viên, kè bảo vệ bờ sông và bến thủy nội địa) theo nguyên tắc và phân kỳ, phân đoạn, phân vùng không gian, gắn với các dự án giao thông hạ tầng đô thị.
Trước đó, báo cáo lần ba - kỳ cuối lấy ý kiến chuyên gia góp ý đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đã đề xuất chia sông Sài Gòn thành ba khu vực để phát triển 17 công viên.
Khu vực phía Bắc sẽ phát triển 4 công viên ven sông quan trọng. Các công viên gồm: Công viên ven bờ sông gần bến đò Cá Lăng (huyện Củ Chi); Công viên trung tâm mới ở quận 12 và huyện Hóc Môn; Công viên bờ sông kết hợp điểm du lịch Một thoáng Việt Nam (huyện Củ Chi); Công viên trung tâm mới tại Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi).
Khu vực trung tâm TP có 6 công viên gồm: Công viên văn hóa Gò Vấp (quận Gò Vấp); Công viên Thủ Thiêm; Công viên chân cầu Phú Mỹ; khu công viên Thanh Đa; Công viên Tam Phú và Công viên Rạch Chiếc (TP Thủ Đức).
Khu vực phía Nam có 7 công viên gồm: Công viên Mũi Đèn Đỏ; Công viên khu Tân Thuận; Công viên Bắc Bình Khánh; Công viên bến Hiệp Phước; Công viên trung tâm đô thị thích ứng (huyện Nhà Bè); Công viên bến Hiệp Phước; Công viên trung tâm đô thị mới và Công viên của khu đô thị lấn biển (huyện Cần Giờ).
Bên cạnh việc xây dựng các công viên tạo cảnh quan xanh, các chuyên gia kiến nghị phương án khai thác quỹ đất giá trị dọc hành lang sông Sài Gòn. Trong đó, có việc phát triển các chuỗi đô thị ven sông, khu kinh tế đặc biệt. Bên cạnh đó mạng lưới bến tàu, phát triển du lịch sinh thái.
Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) vừa đề xuất với UBND TP.HCM về việc mở rộng tuyến đường ven sông Sài Gòn từ Củ Chi đến cầu Cần Giờ. Theo đó, tập đoàn này muốn tuyến đường được điều chỉnh lên 8-10 làn xe thay vì từ 3-4 làn xe như quy hoạch.
Theo Sun Group, việc mở rộng tuyến đường ven sông không chỉ góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông mà còn tạo nên một trục giao thông chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đường ven sông này sẽ trở thành động lực mới kết nối khu vực Củ Chi, Cần Giờ và các tỉnh lân cận như Bình Dương và Tây Ninh, tạo thuận lợi cho lưu thông và vận tải hàng hóa.
Bên cạnh đó, Sun Group còn đề xuất bổ sung hai hướng kết nối từ phân đoạn 6 của tuyến đường (từ Vành đai 3 TP.HCM đến cầu Bến Súc): một hướng giữ nguyên kết nối với tỉnh Bình Dương qua cầu Bến Súc và hướng còn lại kết nối với Tây Ninh qua tỉnh lộ 6 và đường tỉnh 789.
Ngoài việc nâng cấp tuyến đường ven sông, Sun Group cũng đề xuất bổ sung tuyến đường sắt nhẹ (LRT) chạy dọc theo tuyến đường này, kết nối các tỉnh Bình Dương và Tây Ninh. Việc mở rộng LRT không chỉ giúp giao thông công cộng thuận lợi mà còn là một điểm nhấn quan trọng trong quy hoạch đô thị hiện đại của TP.HCM.
Không chỉ tập trung vào hạ tầng giao thông, Sun Group còn đề xuất nghiên cứu và phát triển một loạt các khu đô thị và khu vui chơi giải trí khác như: Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh) với diện tích 426,9ha, Khu đô thị Trường Thọ (TP.Thủ Đức) rộng 144,7ha và Khu thể thao Rạch Chiếc (TP.Thủ Đức) rộng 186ha. Đặc biệt, dự án khu công viên du lịch sinh thái Safari Củ Chi cũng được kỳ vọng trở thành điểm đến hấp dẫn
Sun Group nhấn mạnh rằng tập đoàn sẽ chịu toàn bộ chi phí nghiên cứu, khảo sát và chi phí lập đề xuất dự án đầu tư nếu không trúng thầu trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư. Động thái này thể hiện quyết tâm của tập đoàn trong việc đóng góp vào sự phát triển bền vững của TP.HCM.
-
Sớm xây đường ven sông Sài Gòn kết nối TP.HCM – Bình Dương, quy mô 4-8 làn xe
TP.HCM đề xuất phương án quy hoạch tuyến đường ven sông Sài Gòn kết nối liên vùng với các tỉnh Đồng Nam Bộ, quy mô dự kiến 4-8 làn xe. Trong đó đoạn từ TP.HCM đến Bình Dương sẽ được ưu tiên triển khai trước.
-
Hàng trăm km đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM sẽ có "bước ngoặt" mới
Hà Nội và TP.HCM đang khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.
-
Cầu cửa ngõ phía Tây TP.HCM chính thức thông xe
Ngày 21/1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) tổ chức lễ thông xe cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân, TP.HCM). Đây là cây cầu quan trọng, kết nối giao thông ở QL1A vào trung tâm TP....
-
Hôm nay (21/1), tuyến metro hơn 43.700 tỷ đồng sẽ chính thức thu phí
Sau 1 tháng chạy thử nghiệm và miễn phí, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức thu phí từ ngày 21/1. Việc thu phí được kỳ vọng sẽ giúp tuyến metro duy trì hoạt động bền vững và đảm bảo nguồn kinh phí đầu tư, bảo trì....