Chung cư 1,5 - 2 tỷ đồng hút khách
Theo khảo sát của PV Laodong.com.vn, hầu như các sàn giao dịch BĐS ở khu vực Nguyễn Phong Sắc, Lê Văn Lương kéo dài, Trung Hòa đều vắng bóng khách vào hỏi.
Chung cư diện tích 60-70 m2 "hút" khách. Ảnh: Nguyễn Lê
Chị Tuyết ở văn phòng sàn giao dịch BĐS 24h trên đường Lê Văn Lương cho hay, sau khi quy hoạch Thủ đô được phê duyệt cũng chưa có tác động nhiều tới thị trường, chung cư và đất dự án đều giảm giá hơn trước vài giá nhưng lượng khách giao dịch ở khu vực này vẫn ít. Ví dụ ở khu Văn Khê, chung cư diện tích trên 100 m2 giao dịch ở mức 22-23 triệu đồng/m2, diện tích lớn hơn giao dịch khoảng 25 triệu đồng/m2; còn nhà liền kề ở đây nếu ở mặt đường nhỏ thì giá giao dịch tầm hơn 70 triệu đồng/m2, ở mặt đường to khoảng trên 80 triệu đồng/m2….
Trong khi đó, tại khu vực Xa La, Hà Đông thì lượng giao dịch về chung cư có diện tích nhỏ, giá khoảng 1,5 -2 tỷ đồng một căn diễn ra phổ biến. Anh Nghĩa, chủ một văn phòng nhà đất ở Xa La cho biết: Lượng khách tìm hỏi mua chung cư tầm diện tích 60-70 m2 gần đây chủ yếu là khách từ các tỉnh khác. Họ mua với mục đích lo chốn an cư cho con cái lên Hà Nội học đại học. Tuy nhiên, theo anh Nghĩa, người hỏi thì cũng khá nhiều nhưng đến khâu chốt giá thì vẫn còn lăn tăn vì họ vẫn kỳ vọng giá còn tiếp tục giảm khi hiện nay thị trường đang “cung” nhiều hơn “cầu”.
Các văn phòng giao dịch BĐS ở Xa La, Hà Đông
vẫn có nhiều khách ghé thăm hơn sàn ở khu vực Nguyễn Phong Sắc. Ảnh: Nguyễn Lê
Bên cạnh đó, tại văn phòng nhà đất T.L, nhân viên giao dịch ở đây cho biết: Thời gian này, khá nhiều khách có nhu cầu thực đã quan tâm tìm đến những mảnh đất thổ cư chính chủ có sổ đỏ với tâm lý mua đứt bán đoạn, không kèm các phí dịch vụ như chung cư.
“Văn phòng mình cũng vừa giao dịch thành công một mảnh đất 50 m2 ở trong ngõ khu vực Thanh Trì với giá trên 2 tỷ đồng. Vì là mua để ở nên họ quan tâm đến giá thành là chính, quan trọng đất chính chủ, không tranh chấp gì” vị nhân viên này “khoe”.
Trái ngược với những phân khúc trên, các văn phòng BĐS đều chung cảnh ngộ là đất nền dự án vẫn cảnh thê thảm, dẫu đã giảm giá chừng 10-20% nhưng sao vẫn ế, cả tuần cũng không có bóng khách nào ngó ngàng hỏi tới.
Sau khi quy hoạch thủ đô được thông qua,nhiều người hy vọng rằng bức tranh thị trường BĐS sẽ được đổi gam màu sáng. Thế nhưng, dường như nó đã không được như những mong đợi ấy.
Ông Lê Quốc Hưng, Giám đốc Cty CP Phát triển đô thị Việt Nam (Vinacity) nhận định, sau khi quy hoạch công bố cũng chưa có tác động nhiều đến thị trường BĐS, có chăng chỉ khiến những người có nhu cầu thực cảm thấy yên tâm hơn khi đi mua nhà, đất sẽ không còn sợ “vướng” quy hoạch.
“Từ nay đến cuối năm khó khởi sắc hơn vì lãi suất cho vay vẫn cao, cứ đồn là lãi suất cho vay tín dụng sẽ giảm nhưng mới chỉ là giả thiết, chưa ai xác định được sẽ giảm bao nhiêu. Cho dù có giảm xuống được 17-18% thì vẫn là lãi suất cao, mà đầu tư với khoản lãi suất đó mà nhìn thấy thị trường không có thanh khoản cũng thấy thất bại, còn người đi mua nhà để ở thì mức giao động lãi suất trên dưới 20% cũng không có khả năng chi trả. Ví như: đi vay 1 tỷ đồng thì mỗi tháng trả cả gốc lẫn lãi cũng lên tới 25-30 triệu đồng thì người dân lấy đâu ra. Theo tôi, mức lãi suất cho vay chỉ khoảng từ 12-13% là hợp lý cho cả doanh nghiệp lẫn người dân đi mua nhà thực.
Tín dụng nếu có nới thực sự thì cũng phải sang năm, còn năm nay thì khó vì mục tiêu đang hạ xuống 16%. Thị trường BĐS rơi vào “đóng băng” thì như một vòng quay bị dừng, phải tác động một lực lớn mới có thể “quay” tiếp được. Như vậy, cần có thời gian, chứ không phải cứ nới tín dụng mà thị trường đã tốt ngay được”, ông Hưng phân tích.