Nhiều dự án bất động sản phía Tây (Hà Nội) sau thời gian sốt nóng, giá đất được đẩy lên cao, hiện đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại, giao dịch thành công rất thấp.

Các dự án phía Tây tiếp tục gặp khó do giá bị đẩy lên quá cao


Lâu nay, các dự án phía Tây thành phố nằm chủ yếu trên hai trục đường chính Lê Văn Lương kéo dài, trục Đại Lộ Thăng Long, trục quốc lộ 32… đã trở thành tâm điểm của giới đầu tư do hạ tầng giao thông phát triển mạnh, lại gần các khu vực trung tâm thành phố.

Sau nhiều đợt sốt nóng, giá đất dự án nằm tại các tuyến đường huyết mạch này đã xác lập mặt bằng mới rất cao, gấp 5-7 lần so với giá gốc. Đơn cử như dự án khu đô thị mới Văn Phú, giá gốc khoảng xấp xỉ 10 triệu đồng/m2 hiện đang được giao dịch 65 - 70 triệu đồng/m2 đối với các căn nhà nằm trên đường 15 - 17m2, những lô biệt thự, liền kề nằm trên trục đường Lê Trọng Tấn giá 120 - 140 triệu đồng/m2.

Hay như dự án An Hưng, năm 2009 khi mới bung hàng ra giá mỗi m2 liền kề khoảng 48 - 49 triệu đồng/m2 tuy nhiên hiện nay giá đã lên trên 80 triệu đồng/m2, các block vị trí đẹp giá cao hơn rất nhiều. Dự án Văn Khê cũng nằm trên trục đường Lê Văn Lương đã hoàn thành và giao nhà cho người dân hiện giá 85 - 90 triệu đồng/m2. Dự án liền kề Dương Nội khu C và D đạt ngưỡng 55 - 60 triệu đồng/m2.

Tại trục Đại Lộ Thăng Long, giá đất liền kề dự án Nam An Khánh cũng đang giao dịch với mức giá 45 - 47 triệu đồng/m2 gần gấp đôi giá gốc chủ đầu tư đưa ra, dự án Geleximco đã hoàn thiện cũng được giao bán trên 70 - 80 triệu đồng/m2. Dự án Bắc An Khánh sau một thời gian dài “bất động” giá cũng chỉ dừng mức 60 triệu đồng/m2

Trên trục đường 32, vài tháng nay giá đất tăng rất mạnh trong đó điển hình dự án khu đô thị mới Lideco giá trên 60 triệu đồng/m2, giá mỗi m2 dự án Tân Tây Đô 55 triệu đồng/m2, dự án Kim Chung – Di Trạch sau nhiều tai tiếng cũng đã được đẩy lên mức trên 45 triệu đồng/m2.

Theo tìm hiểu của phóng viên, giá các dự án bất động sản này sau nhiều lần được mua đi bán lại đã được đẩy lên mức khá cao. Tuy nhiên, khoảng hơn một tháng nay, giá đất đã chững lại và lượng khách cũng đã giảm rất nhiều. Sở dĩ là do, nhiều nhà đầu tư đang có tâm lý chờ đợi quy hoạch chung thủ đô sắp được thông qua trong đó sẽ đưa ra quyết sách cuối cùng về số phận các dự án. Hơn nữa, trong bối cảnh nguồn tiền đang bị thắt chặt khiến nhà đầu tư khó có thể tham gia vào thị trường.

Số liệu của các chuyên gia tài chính cho biết thì từ năm 2009 đến năm 2011 ngân hàng nhà nước sẽ rút khoảng 400.000 tỷ đồng ra khỏi thị trường BĐS.

Giám đốc văn phòng môi giới Điền Phát (tại đường 32) cho biết, khoảng hai tuần nay số lượng các nhà đầu tư đến tìm mua đất rất ít. Điển hình dự án Kim Chung - Di Trạch hơn tháng trước cứ có người bán ra là có người mua ngay và giá thậm chí điều chỉnh theo ngày. Thế nhưng vài tuần nay, giá đất dự án này cũng giảm 4-5 triệu đồng/m2.

Không chỉ dự án Kim Chung, Di Trạch mà rất nhiều dự án An Hưng, Bắc An Khánh, hay như dự án Dương Nội khu C, D cũng đang trong tình trạng trầm lắng.

Anh Hoàng Long - một nhà đầu tư chia sẻ, hiện các ngân hàng thương mại đang cho vay với lãi suất trên 20%, nếu mua các dự án tại phía Tây thì phải thanh toán rất nhiều tiền bởi rất nhiều dự án đã bàn giao nhà vì vậy người mua sẽ phải trả hết tiền đất và tiền xây thô. Ngoài ra, đối với dự án đang làm hạ tầng thì phải trả hết gần 80% tiền đất... Vì vậy, các nhà đầu tư đang gặp rất nhiều khó khăn.

"Trước nay, tôi vẫn thường thế chấp sổ đỏ ngân hàng để vay tiền đầu tư tuy nhiên trong bối cảnh này thì cũng chỉ chọn cách ngồi yên chờ đợi và tính toán lại phương án kinh doanh sao cho hiệu quả hơn" anh Long nói.

Ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó Tổng Giám đốc CTCP Sông Đà Thăng Long cho rằng năm 2011 thị trường khu vực phía Tây sẽ gặp khó khăn. Nguyên nhân là do ảnh hưởng chung của thị trường bất động sản, sự khó khăn của nguồn vốn, nguồn cung nhiều trong khi sức cầu hạn chế và thanh khoản chậm.… Hơn nữa, giá bất động sản khu vực này trước đó đã được đẩy lên quá cao.

Cafeland.vn - Theo VnMedia
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland