01/09/2011 12:47 AM
Công ty GS E&C (Hàn Quốc) chậm rót tiền cho dự án. Dự án do Trung tâm Phát triển quỹ đất TP làm chủ đầu tư.

Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân bị chính quyền thu hồi đất để thực hiện dự án tạo quỹ đất xây dựng Khu đô thị mới Phước Kiển-Nhơn Đức (diện tích hơn 325 ha tại huyện Nhà Bè, TP.HCM) đứng ngồi không yên vì không biết khi nào mới được nhận tiền bồi thường và cũng không biết sẽ tái định cư ở đâu.


Chờ mòn mỏi


Một hộ dân ngụ ấp 1, xã Phước Kiển đưa cho PV xem bản chiết tính mức bồi thường của hộ mình rồi than thở: “Gia đình tôi bị thu hồi hơn 1.700 m2 đất và được bồi thường khoảng 600 triệu đồng. Cuối năm 2010, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè hứa sẽ sớm chi trả tiền bồi thường nhưng đến nay vẫn chưa thấy. Nhiều lần tôi tới hỏi thăm thì cán bộ bảo chờ vì ban chưa có tiền”.


Các hộ trong diện được hoán đổi nền đất cũng lo lắng không kém. Ông Trần Đức Vinh (ngụ 351/9B Lê Đại Hành, quận 11) bức xúc: “Đầu năm 2009, tôi đã bàn giao hơn 7.000 m2 của mình tại xã Phước Kiển. Đổi lại, người ta nói sẽ cho tôi nhận 600 m2 đất thổ cư gần thửa đất đã bàn giao và khoảng 300 triệu đồng tiền chênh lệch. Thế nhưng đến nay, sau nhiều lần bỏ dở công việc để tới lui liên hệ, tôi vẫn không biết khi nào mình mới được giải quyết quyền lợi”.


“UBND TP.HCM luôn yêu cầu các quận, huyện cùng chủ đầu tư phải bảo đảm có nơi tái định cư trước khi thu hồi đất của người dân. Trong quyết định thu hồi đất để xây dựng khu đô thị này, lãnh đạo TP yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất TP phải phối hợp với các sở, ngành liên quan chuẩn bị đầy đủ quỹ nhà và quỹ nền đất để phục vụ tái định cư nhưng thực tế sao lại như thế này?” - một hộ dân đã giao đất nhưng chưa được nhận nền tái định cư không bằng lòng.


Đất đã giao nhưng chưa được bồi thường

Một phần của dự án tạo quỹ đất xây dựng Khu đô thị mới Phước Kiển-Nhơn Đức đang được thi công. Ảnh: GN


Không được cung ứng đủ tiền


Dự án trên do Trung tâm Phát triển quỹ đất TP làm chủ đầu tư. Theo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè, cuối năm 2007, UBND huyện đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư cho hơn 800 hộ dân thuộc hai xã Phước Kiển và Nhơn Đức với tổng kinh phí bồi thường khoảng 2.700 tỉ đồng và đến nay đã chi trả được khoảng 1.300 tỉ đồng. Riêng các hộ có yêu cầu nhận nền đất thổ cư thì sẽ được bố trí ở ba khu đất có tổng diện tích 110 ha (hai khu ở xã Nhơn Đức và một khu ở xã Phước Kiển). Ban bồi thường cũng đã tiến hành kê khai, đo đạc và xác minh nguồn gốc đất nhưng do chưa có kinh phí nên chưa thể hoàn tất các công việc liên quan.


“Khó khăn của người dân chúng tôi rất hiểu nhưng do chủ đầu tư và các đơn vị liên quan quyết định phần kinh phí nên chúng tôi không chủ động được” - một cán bộ ban bồi thường cho biết.


Ông Hoàng Phương Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP, nói: “Tuy trung tâm làm chủ đầu tư nhưng về tài chính thì các cơ quan chức năng sẽ làm việc trực tiếp với huyện Nhà Bè. Trung tâm không nắm rõ TP đã chuyển bao nhiêu tiền cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và khi nào thì TP sẽ chuyển tiếp”.


Đối với dự án tạo quỹ đất xây dựng Khu đô thị mới Phước Kiển-Nhơn Đức, sau khi có đất “sạch”, chủ đầu tư sẽ giao toàn bộ khu đất cho Công ty GS E&C (Hàn Quốc) để xây dựng khu đô thị. Đây là một trong năm khu đất được TP giao cho Công ty GS E&C theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng (tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài). Hiện Công ty GS E&C đang cho san lấp trước khoảng 20 ha để triển khai dự án.


Kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án này lấy từ nguồn vốn của Công ty GS E&C (Hàn Quốc) và công ty này có nhiệm vụ chuyển thẳng tiền tới ban bồi thường huyện. Sở vẫn thường xuyên nhắc nhở, hối thúc công ty chuyển tiền và mới đây công ty đã chuyển tiếp 5 triệu USD. Sắp tới, sở sẽ tiếp tục làm văn bản yêu cầu công ty chuyển thêm tiền, đồng thời tham mưu để UBND TP.HCM có hướng giải quyết sớm quyền lợi cho các hộ dân.


Bà ĐÀO THỊ HƯƠNG LAN, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM

Theo Gia Nghĩa (Pháp luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.