Nhiều phòng môi giới nhà đất đã đóng cửa còn nhân viên môi giới thì ra… làm đồng. Bà chủ hàng nước, vốn là người môi giới BĐS trước kia cho hay: “đất tại các xã như Phú Cát (Thạch Thất), Yên Bài, Tản Lĩnh, Kim Sơn, Cổ Động (Ba Vì)... vẫn còn rất nhiều và đang có nhiều người cần bán lắm. Các chú có mua tôi giới thiệu cho”.
Ảnh minh họa
Bà cho biết thêm, nếu trước kia có khách mua thì giá cao lắm phải 6 triệu – 7 triệu đồng/m2, hoặc 155 triệu đồng/m dài mặt tiền trên các trục đường dẫn vào trung tâm huyện Ba Vì. Thì nay, cũng những mảnh đất đó, giá chỉ còn khoảng 2 - 3 triệu đồng/m2, còn những lô mặt đường thì có nơi chỉ còn khoảng 50 - 60 triệu đồng/m dài mà thôi.
“Thời điểm đất còn cao, may mà gia đình tôi bán nhanh được hơn sào đất vườn với giá hơn 1 tỷ đồng. Nay cũng chính mảnh đất ấy, chủ đầu tư đang nhờ bán lại với giá 600 triệu đồng. Nếu các chú có nhu cầu thì tôi đưa đi xem”, bà chủ quán tiếp lời.
Theo người dân ở đây, cơn sốt đất Ba Vì đã qua và nhiều nhà đầu tư cũng không còn mặn mà với khu vực một thời đình đám này nữa. Các nhà đầu tư khôn ngoan đã rút hết sau khi kiếm bộn tiền. Người chậm chân chỉ còn biết ngậm ngùi chào giá rẻ song cũng chẳng có ai mua. Cũng theo người dân sở tại thì “tác nhân” chính đẩy giá BĐS nơi đây “lên giời” là thông tin có chủ trương dời Trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì. Thông tin này đã khiến người dân nơi đây được phen đổi đời, hàng chục nhà đầu tư kiếm lời bạc tỷ. Song, khi thông tin từ cơ quan chức năng chính thức bác bỏ việc Trung tâm hành chính quốc gia chuyển lên Ba Vì đã giáng mạnh vào những ai ôm mộng đầu cơ. Bây giờ, giá đất ở Ba Vì đứng im không nhúc nhích. Ai đã trót mua thì đành phải giữ lại.
Chị Hoàng Thị Liên, sống tại Hà Đông đã huy động cả họ hàng gom góp tiền mua 3.000 m2 ở khu vực Yên Bài. Hồi đó, khu vực này được các môi giới rỉ tai nhau là địa điểm đặt Trung tâm hành chính quốc gia nên giá đất liên tiếp bị đẩy lên. Mua lại của nhà đầu tư thứ cấp với giá gần 5 triệu đồng/m2, chị Liên chưa kịp lướt thì "quả bóng đất" Ba Vì bị xì hơi. Đất không bán được, để không thì sót ruột nên chị đang dự tính là thuê người đến để trồng rau, nuôi gà lấy thực phẩm phục vụ gia đình và người thân. “Chả biết có hòa được tiền rau, tiền thịt với tiền công không hay lại lõm thêm”, chị ngán ngẩm nói.
Khác với chị Liên, anh Vũ Trung Kiên, sống tại Đống Đa – Hà Nội chia sẻ, mình không mua đất để đầu cơ mà thấy Ba Vì có khí hậu tốt, đường sá lại tương đối thuận lợi nên mình bàn với gia đình quyết định đầu tư trang trại sinh thái để làm nơi nghỉ dưỡng cho cả gia đình vào ngày cuối tuần. Toàn bộ mảnh đất gần 1.000 m2 gồm nhà ở, ao cá được anh đầu tư xây dựng và hoàn thiện thành một trang trại sinh thái thu nhỏ. Anh chia sẻ, sau khi xây dựng hoàn thiện đã có rất nhiều người đến hỏi mua và trả giá cao song anh không bán mà để dành làm nơi nghỉ dưỡng cuối tuần.
“BĐS sẽ luôn có giá trị cao với những ai biết vận dụng và nhìn nhận nó với tầm nhìn dài hạn. Nếu chỉ lướt sóng hay đầu cơ, tôi sẽ không bao giờ chọn Ba Vì”, anh Kiên nhấn mạnh.
GS.TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cho rằng, nhà đầu tư tuyệt đối không nên theo “hội chứng đám đông” khi đưa ra quyết định đầu tư để giảm xác suất thiệt hại khi tham gia vào thị trường BĐS. Bài học về BĐS Ba Vì đã là minh chứng cho nhận định này và cũng là lời nhắc nhở quý báu với mỗi nhà đầu tư. Phải tự trang bị cho mình kiến thức và tầm nhìn để nhìn nhận các vấn đề, tránh những quyết định mang tính tự phát a dua theo đám đông. Chỉ có như vậy các nhà đầu tư hoàn toàn có thể bảo toàn và làm cho đồng vốn của mình sinh lời chính đáng.
*Tiêu đề được đặt lại cho phù hợp với quan điểm CafeLand