Ngành du lịch đang đem về cho Bà Rịa - Vũng Tàu cả ngàn tỉ đồng doanh thu mỗi năm; chính quyền tỉnh này định hướng sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư - đầu tư nâng cấp các điểm đến để phát triển ngành công nghiệp không khói này.

Với tiềm năng to lớn về du lịch, nhất là du lịch biển, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Ảnh: TUỆ DOANH

Mặc dù chưa vào hè, chị Tâm nhà ở quận Bình Thạnh đã lên kế hoạch đưa hai đứa con gái nhỏ của mình ra biển Vũng Tàu chơi vài ngày như một cách giúp con thư giãn sau một năm học, nhất là sau khi đứa lớn vừa trải qua kỳ thi cuối cấp I căng thẳng. Với chị, biển là điểm đến ưu tiên mỗi khi có dịp đi du lịch nghỉ ngơi; bởi trong mắt hai đứa trẻ, được chạy trên bãi cát đùa giỡn với những con sóng biển luôn làm chúng thích thú.

Chính vì vậy, đã bốn năm nay, Vũng Tàu luôn là một chọn lựa của chị cho những chuyến đi nghỉ ngắn ngày.
Thực ra, không chỉ có chị Tâm, trong sổ tay du lịch của nhiều người ở các tỉnh lân cận, Bà Rịa - Vũng Tàu là một điểm đến quen thuộc, thậm chí còn là nơi thư giãn hóng gió biển cuối tuần của những người có điều kiện sống khá giả tại TPHCM. Điều này có thể thấy qua số lượng khách du lịch đến tỉnh này trong những năm gần đây.

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các điểm đến du lịch trong tỉnh đã đón khoảng 12,5 triệu lượt khách trong năm 2013, tăng 13% so với năm trước, trong đó lượng khách quốc tế khoảng 468.000 lượt. Lượng du khách đã đem về cho tỉnh này một khoản doanh thu không nhỏ, khoảng 2.895 tỉ đồng, tăng hơn 18% so với năm 2012. Lượng du khách đến tỉnh này trong những tháng đầu năm nay cũng khá khả quan. Chỉ tính riêng ba ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, khoảng 210.000 lượt khách đã đổ về bãi biển Vũng Tàu, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể thấy hạ tầng giao thông phát triển, nâng cấp đang tạo điều kiện cho Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút thêm khách du lịch, đặc biệt khi tuyến đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây thông xe giai đoạn 1 đã rút ngắn khoảng cách và thời gian đáng kể cho du khách đến từ TPHCM. Vấn đề còn lại là tỉnh sẽ làm gì để khai thác hết tiềm năng của mình.

Ông Hồ Văn Niên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết bên cạnh việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng sản phẩm du lịch truyền thống, định hướng của tỉnh là sẽ phát triển, khai thác du lịch di sản, đó là nâng cấp các điểm đến là di tích văn hóa, lịch sử, kể cả các di sản phi vật thể. Dự kiến sẽ có khoảng 40 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc đã được xếp hạng sẽ được đầu tư nâng cấp để trở thành điểm đến thu hút khách du lịch.

Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu khoảng 156 ki lô mét bờ biển với nhiều bãi biển đẹp, bên cạnh nhiều đồi núi ven biển đã tạo nên một cảnh quan thiên nhiên thơ mộng - hữu tình. Và là tỉnh nằm trong vùng năng động về kinh tế của khu vực Đông Nam bộ, có nhiều lợi thế trong việc thu hút đầu tư và thu hút các nguồn khách du lịch. Có thể nói không nhiều địa phương có được những ưu đãi về thiên nhiên và hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, kiến trúc tôn giáo đa dạng như tại tỉnh này. Bà Rịa - Vũng Tàu có các núi có địa hình và cảnh quan như Minh Đạm, Núi Dinh, Núi Lớn, Núi Nhỏ... có khả năng hình thành các khu du lịch phức hợp quy mô quốc tế. Trong khi đó, các di tích lịch sử, kiến trúc tôn giáo như khu Đình Thắng Tam, Thích ca Phật Đài, tượng Chúa Kitô, Bạch Dinh hay Trận địa pháo cổ là những nơi có thể phát triển thành điểm du lịch lễ hội, tâm linh.

Trong định hướng phát triển của mình, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác định 5 cụm với các chức năng cụ thể rõ ràng. Thành phố Vũng Tàu sẽ là thành phố du lịch biển với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, thể thao ven biển, giải trí về đêm và du lịch thương mại - hội nghị. Trong khi đó, cụm du lịch Long Hải - Phước Hải sẽ phát triển thành cụm văn hóa, thể thao, nghỉ dưỡng kết hợp tham quan di tích, thắng cảnh. Tương tự, cụm du lịch núi Dinh sẽ tập trung vào mô hình nghỉ dưỡng và lâm viên văn hóa, kết hợp với trung tâm thương mại thành phố Bà Rịa thành tuyến du lịch nghỉ dưỡng và mua sắm. Còn cụm du lịch Bình Châu - Hồ Linh, bên cạnh loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp điều dưỡng, sẽ phát triển loại hình thể thao cao cấp, sân golf và du lịch sinh thái.

Và Côn Đảo là một điểm nhấn của tỉnh, nơi sẽ trở thành khu kinh tế dịch vụ, du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế. Cách thành phố Vũng Tàu khoảng 185 ki lô mét, Côn Đảo với 16 hòn đảo nhỏ còn khá hoang sơ với những bãi tắm, rừng nguyên sinh không chỉ là nơi phát triển du lịch sinh thái mà còn là nơi nghiên cứu của các nhà khoa học. Đây là một trong những điểm đến mời gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch dịch vụ chất lượng cao.

Thật ra, Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi đã thu hút khá nhiều dự án du lịch thời gian qua. Hiện đã có 159 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 36.732 tỉ đồng và khoảng 10,7 tỉ đô la Mỹ đầu tư vào tỉnh này, trong đó có 18 dự án đầu tư nước ngoài. Trong số đó có thể kể đến một số dự án như Hồ Tràm Strip, Saigon Atlantis Hotel và Six Senses Côn Đảo. Một số khu du lịch lớn như Vietsopetro Resort, Carmelina Beach Resort & Spa, khu phức hợp nghỉ dưỡng Hồ Tràm đi vào hoạt động đã tạo ra diện mạo mới, nét riêng cho ngành du lịch tỉnh này.

Với những lợi thế về vị trí, cảnh quan thiên nhiên cùng với định hướng đầu tư, ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có đủ cơ sở để kỳ vọng sẽ có một bước phát triển mạnh trong tương lai, vấn đề còn lại là thời gian.

Phạm Lê (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.