19/11/2017 8:49 AM
CafeLand - Nhiều năm qua, Cần Giờ vẫn bình yên và chậm phát triển cứ như không phải là một phần đất của TP.HCM. Thế rồi gần đây, câu chuyện đánh thức Cần Giờ đã được nhắc nhiều lần khi có thông tin về các dự án hạ tầng sắp được triển khai để thúc đẩy huyện đảo này phát triển.

Hạ tầng chưa phát triển, kết nối với các khu trung tâm thành phố khó khăn khiến Cần Giờ chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Ảnh: Thanh Thịnh

Tiềm năng đi liền thiếu thốn

Nằm ở phía Đông Nam TP.HCM, huyện Cần Giờ có 6 xã, gồm Long Hòa, Bình Khánh, Thạnh An, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông và một thị trấn là Cần Thạnh. Phía Tây Cần Giờ giáp Long An và Tiền Giang, phía Đông giáp Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Cần Giờ được bao quanh bởi sông nước và những cánh rừng ngập mặn. Xét về di chuyển, Cần Giờ cách trung tâm TP.HCM khoảng 60km, khoảng cách này đủ xa để biển Cần Giờ thành một vùng đất thanh bình trong nhiều năm qua.

Theo UBND huyện Cần Giờ, nơi đây có 33.000 ha là rừng sinh quyển. Hệ sinh thái từng ngập mặn nơi đây được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cần Giờ còn có hệ thống sông ngòi dày đặc, phù hợp với việc phát triển kinh tế biển, phát triển đô thị gắn liền với du lịch.

Dù có nhiều tiềm năng như vậy, song Cần Giờ vẫn chưa phát triển như mong đợi. Nguyên nhân chính là do khu vực này hạ tầng chưa phát triển khiến việc kết nối với các khu trung tâm thành phố trở nên khó khăn. Hiện nay Cần Giờ nối với trung tâm TP.HCM qua Phà Bình Khánh, những ngày cuối tuần, lượng khách thường xuyên ùn ứ ở hai đầu bến phà mặc dù các phà đã hoạt động hết công suất. Hạ tầng giao thông trên dịa bàn huyện cũng chưa được đầu tư đồng bộ.

Cũng chính vì vậy nên khách đến Cần Giờ không phải để lưu trú, nghỉ dưỡng mà chủ yếu thăm thú, ngắm cây xanh, chơi ở đảo khỉ hay ăn hải sản rồi về. Khách đi về cho biết họ cũng không ấn tượng lắm sau khi trải nghiệm những món trên.

Gần đây, hàng loạt dự án hạ tầng đã được đề xuất đầu tư nhằm thay đổi diện mạo khu vực. Điển hình như xây cầu từ Nhà Bè kết nối Cần Giờ. Dự kiến cầu thay phà Bình Khánh và đường dẫn vào cầu dài khoảng 5,8km; vận tốc thiết kế 60km/h, mặt cầu rộng 40m với 6 làn xe. Điểm đầu của cây cầu kết nối với đường 15B (Nguyễn Lương Bằng nối dài) và điểm cuối kết nối với đường Rừng Sác.

Ngoài cầu Cần Giờ, dự án xây dựng tuyến đường trên cao nối từ cầu Cần Giờ đến khu đô thị biển Cần Giờ đảm bảo không ảnh hưởng gián tiếp đến Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, phù hợp với xu hướng bảo tồn của thế giới hiện nay.

Một số dự án như đường cao tốc Bến Lức - Long Thành chạy qua Cần Giờ đang được đầu tư hay dự án phà Cần Giờ - Vũng Tàu, phà Cần Giờ - Cần Giuộc (Long An) cũng được kỳ vọng góp phần tăng trưởng và phát triển kinh tế của huyện đảo.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các ông lớn bất động sản với các siêu dự án cũng khiến khu vực này được chú ý hơn trong mắt các nhà đầu tư. Những thông tin này đã khiến giá đất tại Cần Giờ có biến động mạnh vào khoảng giữa năm nay.

Làm sao để cất cánh?

Hầu hết giới chuyên gia đều cho rằng, Cần Giờ có một vị thế rất đặc biệt, nếu khu vực này phát triển thì có rất nhiều khả năng trở thành một điểm du lịch hạng sang không chỉ của thành phố mà là của cả nước. Thậm chí ở khu vực Đông Nam Á, rất khó để có một nơi có vị trí đặc biệt như vậy. Thế nhưng, sau nhiều năm, Cần Giờ vẫn là một vùng đất bình lặng, chậm phát triển của thành phố.

Đường Rừng Sác dài hơn 31km là tuyến đường huyết mạch nối từ bến phà Bình Khánh với đường 30-4, thuộc xã Long Hòa, huyện Cần Giờ. Ảnh: Thanh Thịnh

Trao đổi với CafeLand, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Việt An Hòa - Trần Khánh Quang cho rằng, sau rất nhiều năm Cần Giờ vẫn không phát triển được là do hai lý do. Lý do đầu tiên và cũng quan trọng nhất là Cần Giờ được xem như lá phổi xanh của thành phố, rừng ngập mặn ở đây chiếm đến khoảng 90% diện tích huyện đảo nên việc vừa phát triển, vừa bảo tồn đặt ra một thách thức không nhỏ với thành phố. Thứ hai, là hạ tầng khu vực này vẫn còn thiếu thốn rất nhiều để có thể chuyển mình thành một điểm sáng du lịch nghỉ dưỡng.

Ông Quang phân tích, ngoài phà Bình Khánh, muốn qua được Cần Giờ cần phải đầu tư một con đường huyết mạch, thế nhưng dân số ở đây rất ít nên đầu tư cây cầu cũng phải cân nhắc. Hiện tại có một số doanh nghiệp bất động sản đang đầu tư tại đây, tuy nhiên phần lớn diện tích đất Cần Giờ là rừng, còn ở những nơi tập trung cư dân đông hơn thì quỹ đất khá ít để phát triển một dự án quy mô lớn nên việc đầu tư hạ tầng đổi đất cũng được nhiều chủ đầu tư cân nhắc và đó cũng là lý do khiến một số doanh nghiệp muốn làm dự án lấn biển.

Cũng theo ông Quang, hiện nay việc làm các dự án BT đổi đất lấy hạ tầng đang là vấn đề được xem xét lại để đảm bảo minh bạch công bằng, điều này cũng ít nhiều làm ảnh hưởng đến chuyển biến trên huyện đảo này.

Biển Cần Giờ nước không trong xanh như các vùng biển khác nên người dân chỉ có thể ngắm mà không thể tắm. Ảnh: Thanh Thịnh

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, để Cần Giờ thay da đổi thịt thì cần sự phát triển song song của hệ thống hạ tầng. Bên cạnh các dự án đang được đầu tư, ông Châu lưu ý đến đề xuất xây dựng cầu nối từ Cần Giờ qua Vũng Tàu. “Vịnh biển này khoảng 17km, nếu như xây dựng một cây cầu nối hai khu vực cần một lượng vốn khá lớn nhưng khả năng đầu tư để phát triển du lịch và thu phí thì hoàn toàn khả thi”, ông Châu nói.

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cũng nói thêm, hiện nay Cần Giờ ô nhiễm về chất lượng nước, nước biển ở đây có mùi tanh nặng nên phải đi đôi với dự án cải tạo môi trường nước, dần dần thì mới cải tạo được bờ biển hay trước mắt phải tạo ra bãi tắm nhân tạo để thu hút được du khách về đây. Làm được tất cả những điều này, tin chắc Cần Giờ sẽ có những bước chuyển mình thành nơi du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn, ông Châu nói.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.