Bộ GTVT vừa hoàn thành dự thảo thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo đại biểu Quốc hội tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP.HCM.
Hoàn thành giải phóng mặt bằng metro số 2 trong 2020
Đối với tuyến metro số 2, Bộ GTVT cho biết đây là dự án rất quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu đi lại của người dân từ trung tâm thành phố về phía tây bắc và ngược lại.
Dự án sẽ kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 và tương lai là tuyến số 5, số 3b, số 4 và số 6 tạo thành một hệ thống đường sắt đô thị, thuận lợi trung chuyển hành khách dọc theo trục đông - tây vào trung tâm thành phố.
Về lâu dài, tuyến tàu điện này sau khi hoàn thành toàn tuyến (Bến Thành – Thủ Thiêm, Tham Lương – Bến xe Tây Ninh, Bến xe Tây Ninh – Tây bắc Củ Chi) sẽ góp phần chỉnh trang đô thị dọc tuyến, thúc đẩy phát triển nhanh 2 khu đô thị mới là Thủ Thiêm và Tây Bắc Củ Chi.
Về tiến độ dự án, Bộ GTVT cho hay, dự kiến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư và giao mặt bằng cho dự án.
Người dân tháo dỡ nhà để giao mặt bằng cho dự án metro số 2 - Ảnh Đào Trang
Theo chủ trương của Thủ tướng về cho phép triển khai công tác lựa chọn nhà thầu song song với quá trình điều chỉnh dự án, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM đã hoàn thiện và phát hành hồ sơ mời thầu các gói thầu CP5, CP3a và CP3b. Tuy nhiên, để đảm chặt chẽ về mặt pháp lý theo khuyến nghị của Thanh tra TP.HCM và căn cứ thực tế tình hình thực hiện dự án, UBND TP đã chấp thuận hủy quá trình đấu thầu các gói thầu nêu trên.
“Hiện nay, Ban Quản lý Đường sắt đô thị đang thực hiện hoàn tất các thủ tục để mời thầu vào quý IV-2020 và dự kiến trao thầu, khởi công xây dựng vào cuối năm 2021…”- Bộ GTVT nêu rõ.
Metro số 1 hoàn thành vào năm 2021
Đối với dự án đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Bộ GTVT cho biết lẽ ra phải hoàn thành xây dựng vào năm 2017 và đưa vào khai thác vận hành năm 2018.
Tuy nhiên, do việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng gói thầu số 2, phân chia gói thầu số 1 thành gói thầu 1a và 1b, xử lý tình huống đấu thầu của gói thầu số 3 và gói thầu 1b… đã ảnh hưởng đến tiến độ. “Nên tiến độ chung của dự án bị chậm 6 năm so với kế hoạch ban đầu…”- Bộ GTVT cho hay.
Về khối lượng thực hiện, Ban Quản lý Đường sắt đô thị cho biết đến thời điểm hiện tại đạt 77%, dự kiến đến cuối năm 2020 đạt 80%.
Cụ thể, gói thầu 1a (CP1a), xây dựng đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP (0,765 km), bao gồm nhà ga ngầm Bến Thành và đoạn hầm metro. Khối lượng thực hiện tổng thể đến nay đạt khoảng 74%, lũy kế đến cuối năm ước đạt 80%. Dự kiến hoàn thành thi công vào tháng 12 -2021.
Gói thầu 1b (CP1b), xây dựng đoạn ngầm từ ga Nhà hát TP đến ga Ba Son (1,745 km), bao gồm hai nhà ga ngầm và đoạn hầm khoan dài 781m, hầm đào hở dài 534 m. Khối lượng thực hiện tổng thể đến nay đạt khoảng 86%, lũy kế đến cuối năm ước đạt 89%. Dự kiến hoàn thành thi công vào tháng 12-2021.
Gói thầu số 2 (CP2), xây dựng đoạn đi trên cao (dài 17,1km) và depot. Khởi công vào ngày 28-8-2012 và triển khai thi công đại trà từ cuối tháng 4 năm 2013. Khối lượng thực hiện tổng thể đến nay đạt khoảng 86%, lũy kế đến cuối năm ước đạt 88%. Dự kiến hoàn thành thi công vào tháng 12-2021.
Gói thầu số 3 (CP3), mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng. Khối lượng tổng thể đến nay đạt khoảng 59%, lũy kế đến cuối năm ước đạt 65%. Dự kiến hoàn thành thi công vào tháng 12-2021.
Riêng gói thầu số 4 (CP4), hệ thống công nghệ thông tin cho Văn phòng Công ty vận hành và bảo dưỡng đường sắt đô thị, sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu vào đầu năm 2021, thời gian thực hiện 12 tháng.
Bộ GTVT cho biết, nhìn chung dự án đang gặp khó khăn do việc nhập cảnh của các chuyên gia nước ngoài, nhập khẩu thiết bị, máy móc… bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, dẫn đến khối lượng thi công và tiến độ dự án có chậm lại.
Đặc biệt, đối với gói thầu số 3, mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng, việc nhập khẩu các đoàn tàu được sản xuất tại Nhật Bản không thể xuất cảng để vận chuyển về Việt Nam do yêu cầu phải có chuyên gia của Nhà máy sản xuất đoàn tàu đi cùng.
“Đến ngày 8-10, đoàn tàu đầu tiên mới được nhập về cảng tại TP.HCM, chậm 6 tháng so với kế hoạch ban đầu…”- Bộ GTVT cho hay.
Dự án metro số 2 ban đầu có tổng mức đầu tư trên 1.374 triệu USD (tương đương 26.116 tỉ đồng). Trong đó, vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) là 540 triệu USD, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) là 240,75 triệu EUR (tương đương 313 triệu USD), Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) là 150 triệu EUR (tương đương 195 triệu USD) và vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước là 6.204 tỉ đồng (tương đương 326,5 triệu USD). Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh một số hạng mục tổng mức đầu tư dự án tăng lên 47.890,84 tỉ đồng (tương đương 2.093,59 triệu USD). Trong đó, hạng mục tăng cao nhất là chi phí xây dựng từ 8.861 tỉ đồng lên 18.512 tỉ đồng, phí tư vấn từ 1.229 lên 3.549 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng từ 2.424 tỉ đồng lên 4.180 tỉ đồng, phí thiết bị từ 4.456 tỉ đồng lên 6.638 tỉ đồng... |
-
Đón những toa tàu đầu tiên của tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên
CafeLand – Sáng 8/10, 3 toa tàu đầu tiên thuộc dự án tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đã được cập cảng Khánh Hội, quận 4, TP.HCM.