Một số người dân ở tỉnh Sóc Trăng đang xin lại đất bỏ hoang, vốn là của mình nhưng bị chính quyền địa phương lấy hoặc mượn.

Đền bù rẻ hơn 416 lần

Ngày 3/4/2013, làm việc với UBND huyện Thạnh Trị, ba anh em ông Huỳnh Thanh Vũ, Huỳnh Thành Minh và bà Phạm Thị Ngọc Anh cùng ở thị trấn Phú Lộc (Thạnh Trị, Sóc Trăng) tiếp tục xin lại 4.000 m2 đất bị chính quyền lấy và bỏ hoang mấy chục năm qua. Còn UBND huyện vẫn muốn gia đình nhận đền bù giá 3.750 đ/m2, thấp hơn khung giá quy định của tỉnh đến 416 lần.

Khu đất của ba gia đình rộng hơn 4,3 ha, được cha mẹ chia cho trước giải phóng. Năm 1977, chính quyền địa phương thu hồi để làm xưởng cơ khí, trạm máy kéo huyện nhưng không có quyết định thu hồi, không đền bù, hỗ trợ. Năm 1992, xưởng cơ khí và trạm máy kéo giải thể, ba hộ xin lại đất của mình, UBND huyện Thạnh Trị “có kế hoạch xin kinh phí để bồi hoàn giá trị sử dụng đất cho 3 hộ”. Nhưng chưa thực hiện, khu đất lại được quy hoạch làm sân bóng đá, sau đó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị ra quyết định bồi hoàn 3.750 đ/m2.


Bà Phạm Thị Ngọc Anh: “Chính quyền lấy của chúng tôi bỏ hoang, còn con cái chúng tôi không có chỗ ở”

Giá quá rẻ nhưng quan trọng hơn, khu đất vừa làm sân bóng đá vừa được huyện đem bán và xây dựng nhiều công trình khác, còn khoảng 4.000 m2 bỏ hoang. Các gia đình yêu cầu, đất đã xây dựng và làm sân bóng, đền bù giá 65.000 đ/m2; còn đất bỏ hoang thì xin lại để ở.

Bà Phạm Thị Ngọc Anh nói: “Tôi có 10 đứa con, từ ngày bị thu hồi đất, dỡ nhà đi sống rất khổ sở, phải thuê nhà tá túc qua ngày, nên muốn lấy lại đất hoang cho con cái cất nhà ở”. Ông Minh và ông Vũ cũng sống rất khó khăn, phải ở đậu bên vợ.

Mượn để bán và bỏ hoang

Ông Nguyễn Công Khanh ở ấp An Tập, xã Thiện Mỹ (Châu Thành, Sóc Trăng), vào ngày 4/2/1990, được UBND xã làm giấy mượn đất, có mực xanh dấu đỏ đầy đủ. Hai tháng sau, UBND xã tổ chức cuộc họp với đại diện nhiều ban ngành, thống nhất bồi thường cho ông 1,5 nền nhà trong khu chợ kế cận và 2.000 m2 đất “dễ dàng canh tác”. Thực tế không đền bù gì cả. Tất cả giấy tờ này, ông Khanh đang giữ. Ông khiếu nại thì bị UBND huyện thu hồi tiếp 750 m2 đất kề khu đất mượn.

Năm 2001, UBND tỉnh Sóc Trăng chấp nhận khiếu nại của ông Khanh nhưng chỉ bồi hoàn 2.000 m2, với giá rất rẻ. Đến năm 2009 và 2010, Thanh tra tỉnh Sóc Trăng làm việc, hai lần có báo cáo thừa nhận xã bội tín, nhưng vẫn yêu cầu ông Khanh nhận giá đền bù rẻ mạt. Ông Khanh phát hiện, huyện đem một phần đất mượn của ông phân nền cấp cho cán bộ và bán, còn phần lớn vẫn bỏ hoang. Đến nay, ông Khanh xin lại diện tích đất bỏ hoang vì con cái đông, thiếu chỗ ở.

Tuấn Anh - Sáu Nghệ (Nông nghiệp Việt Nam)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.