Người dân trong vùng dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh (HCM) - đoạn La Sơn - Tuý Loan đều phải nhận tiền đền bù, di dời thần tốc theo tiến độ công trình trong khi chưa có đất tái định cư. Đặc biệt, phần lớn đồng bào dân tộc Cơ Tu ở Hoà Bắc, huyện Hoà Vang, TP.Đà Nẵng thuộc dự án này sau khi nhận tiền mặt, đều tứ tán, “nhảy dù”, nguy cơ trở lại lối sống không tập trung, làm nhà trên đất rừng, trái phép…
Ông Nguyễn Văn Dũng - 1 trong 13 hộ đồng bào Cơ Tu chưa di dời vì mức giá đền bù thấp, chưa có đất TĐC
Thu đất thật, bố trí tái định cư ảo
Dự án đường HCM đoạn La Sơn (Thừa Thiên - Huế) đi Tuý Loan (TP.Đà Nẵng) dài 80km, tổng đầu tư gần 12.000 tỉ đồng, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, được khởi công cuối tháng 12.2015, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 4.2017, nối với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Giai đoạn tiếp theo sẽ được mở rộng thành đường cao tốc 4 làn xe, thông nối đến Cam Lộ (Quảng Trị), trở thành trục đường giao thông chiến lược, hỗ trợ cho QL1A, đảm bảo quốc phòng an ninh, thúc đẩy đời sống, kinh tế - xã hội trong khu vực phát triển.
Chính vì đòi hỏi cao về tiến độ như vậy, nên ngay trước khi khởi công, việc đo đạc, áp giá, đề bù, giải toả - di dời người dân cũng được triển khai lập tức. Hiện, ở khu vực Đà Nẵng đã có 531 trên tổng số 594 vùng dự án đã nhận đền bù, giải toả. Cam kết của chính quyền Đà Nẵng với Bộ GTVT là đến 30.6.2016 sẽ bàn giao hoàn toàn mặt bằng cho dự án. Thế nhưng, cho tới thời điểm này, phương án xây dựng khu tái định cư cho dân vẫn chỉ là phác thảo trên giấy.
Người dân sau khi bàn giao đất cho dự án phải tự tứ tán khắp nơi để đi ở nhờ, hoặc dựng lều tạm giống cảnh sơ tán thời chiến tranh, chạy lũ lụt. Quyết tâm của nhà nước và ngành GTVT đối với tiến độ công trình là rất cao, duy chỉ có điều, người dân phải gánh chịu cảnh sống tạm bợ, hoặc ly tán ngay trên quê hương mình.
Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Bắc, ông Thái Văn Hoàng Nam cho biết, chính quyền cho phép người dân bị giải tỏa được phép xây dựng nhà tạm với diện tích tối đa không quá 50m2 và buộc cam kết không đòi đền bù nếu trúng dự án khác. Cả Ban quản lý dự án, Ban Giải toả đền bù và chính quyền các cấp đều thường xuyên vận động dân sớm giải toả, bàn giao mặt bằng. Nhưng hiện nay, việc xây dựng khu tái định cư cho người Kinh mới triển khai việc… quy hoạch, giải toả để lấy đất làm hạ tầng. Dự kiến đến 2018 mới có đất bố trí cho dân. Riêng khu tái định cư cho đồng bào Cơ Tu chưa có quyết định cụ thể.
Kẻ “nhảy dù”, người bám trụ
Ông Đào Quang Thành ở thôn Tà Lang, xã Hoà Bắc thắc mắc: “Chính quyền Đà Nẵng đã dùng chính sách giải toả, đền bù của đô thị, áp đặt cho miền núi là bất hợp lý. Họ buộc dân giao đất khi chưa xây khu tái định cư thì không khả thi. Dù chính quyền có hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà với mức 3 triệu đồng/tháng/hộ. Nhưng, chính sách này chỉ áp dụng được với dân thành phố. Ở trên núi này làm gì có nhà, phòng cho thuê? Mà nếu có cũng chỉ đủ cho người thuê, còn trâu bò, gà heo, nông cụ chúng tôi thuê ở đâu để nuôi nhốt, làm đồng?”.
Ông Nguyễn Văn Dũng, một trong 13 hộ dân Cơ Tu chưa đồng tình với mức giá đền bù cũng như chính sách tái định cư nên vẫn kiên trì bám trụ, đương đầu với cảnh sống tạm bợ giữa công trường bao quanh. Ông bức xúc: “Họ nhiều lần họp dân, hối thúc di dời, nhưng khi chúng tôi hỏi dời đi đâu thì họ chỉ lên hóc núi và bảo sẽ xây dựng khu tái định cư. Nhưng chúng tôi không tin, bởi họ nói không giữ lời hứa. Như công trình nước sạch làm cả chục năm nay đâu có dùng được, trong khi họ hứa nhiều rồi bỏ đấy”.
Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Bắc lo lắng: “Chính sách của nhà nước xưa nay rất quan tâm, ưu đãi cho đồng bào dân tộc thiểu số. Với người Cơ Tu, nhà nước đã có nhiều chương trình thiết thực để họ định canh, định cư, thậm chí đầu tư quy mô lớn để khôi phục làng văn hoá với đầy đủ các thiết chế văn hoá kiểu làng truyền thống cho họ.
Tuy nhiên, tại dự án này lại tồn tại 2 chính sách đền bù: Người dân hoặc nhận đền bù “1 cục” rồi tự tìm chỗ ở tứ tán, hoặc chỉ nhận đền bù nhà ở, vật kiến trúc rồi chờ đến năm 2018 nhận đất tái định cư. Với đồng bào Cơ Tu, đương nhiên họ muốn nhận tiền mặt hết, rồi sau đấy “nhảy dù” vào núi, dựng nhà. Với cách đền bù này, người dân lại xâm lấn đất rừng, sử dụng đất trái mục đích, xây dựng trái phép. Nhà nước phải “chạy theo” để hỗ trợ, xây dựng hạ tầng, đường điện trường trạm cho dân… Nhưng đấy chỉ là hậu quả ngay trước mắt, về lâu dài, làng bản truyền thống, bản sắc văn hoá của người Cơ Tu sẽ nguy cơ bị xoá bỏ hoàn toàn ở Hoà Bắc này, đồng bào sẽ quay lại lối sống du canh, du cư”.
Người dân xã Hòa Bắc phải chung sống với ô nhiễm giữa công trình xây dựng đường HCM. Ảnh: THANH HẢI
Chỗ ở của người miền núi là đất rừng!
Người miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đương nhiên là ở trên rừng. “Chân lý” đó sẽ không có gì đáng bàn cãi nếu chính quyền Đà Nẵng không vận dụng để đền bù đất rừng đối với vườn nhà của người dân vùng giải toả. Ông Nguyễn Văn Dũng, một trong những hộ Cơ Tu ở thôn Tà Lang ôm một xấp tài liệu liên quan đến việc áp giá, giải toả… của gia đình mình để ta thán về chính sách đền bù của nhà nước, nhưng cả 2 vợ chồng ông đều không biết chữ, không hề đọc được. Ông Dũng chỉ biết, Ban giải toả đền bù thông báo chỉ đền bù số diện tích đất trong phạm vi nền nhà mình là đất ở, còn tất cả đất sản xuất, dù trong vườn, đang trồng cây ăn quả, cây lâu năm vẫn chỉ được đền bù đất… rừng.
“Trước đây, chính quyền tập trung dân chúng tôi đến nơi ở này, bố trí đất chứ chúng tôi có phải du canh du cư như trước đây đâu mà bảo đất rừng? Mà dân tộc miền núi, không ở rừng thì ở đâu?” - ông Dũng bức xúc. Điều đáng nói là các thông báo áp giá đền bù đối với hộ này chỉ có 10.000 đồng/m2 đất. Sau khi họ phản đối, kiến nghị, không chịu nhận tiền thì Ban giải toả đền bù nâng lên cho 20.000 đồng/m2.
Giải thích lý do đền bù 1 mét đất cho dân rẻ như một que kem, Phó GĐ Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Đà Nẵng Nguyễn Hoàng Minh cho rằng: “Mức đó là cao rồi. Ban đầu, khi áp dụng đền bù theo Quyết định 63 và 41 của UBND TP.Đà Nẵng thì 1m2 đất rừng chỉ đền bù với giá từ 2.500 - 4.500 đồng/m2. Sau đó thành phố mới áp dụng Quyết định 50 để đền bù với mức 20.000 đồng/m2 đất”.
Ông Minh khẳng định: “Chúng tôi chỉ căn cứ tính pháp lý trên hồ sơ đất để áp giá, đền bù, không thể làm khác được”. Trong khi đó, nguồn gốc đất ở của 100% hộ dân đồng bào Cơ Tu ở 2 thôn Tà Lang, Giàng Bí đều là xây nhà trên… đất rừng. Tuy nhiên ông Minh không giải thích được vì sao không áp dụng Quyết định 50 (về việc ban hành quy định các loại giá đất trên địa bàn thành phố) để đền bù có lợi cho dân? Mặt khác, Quyết định 50 này cũng ra đời từ tháng 12.2014, còn việc áp giá đền bù cho dân mới diễn ra giữa năm 2015 lại không được áp dụng, để đến khi dân kiến nghị thì mới đưa vào áp dụng, gây bất bình?
Đường tỉnh 601 là đường dân sinh, nối QL1A từ Liên Chiểu đến các xã Hoà Liên, Hoà Bắc giáp với đường HCM đã trở thành đường công vụ của dự án. Nhiều đoạn đường tắt nghẽn vì mọc lên các trụ cầu cạn, có nơi hai bên đường bị bạt đồi, xẻ núi như đại công trường. Quanh năm người dân phải đi lại trên tuyến độc đạo giữa công trường đầy hiểm nguy, trong môi trường khắc nghiệt nắng bụi, mưa bùn. Nhưng nỗi thống khổ của người dân không chỉ là phải “sống chung” với công trình đầy bụi bặm, đe doạ an toàn đấy mà còn đang đối mặt với sự bất ổn bởi chính sách đền bù giải toả thiếu minh bạch, không hợp tình hợp lý.
Ngoài những biểu hiện áp đặt các quyết định về giá để đền bù đất với giá rẻ bèo, Ban giải toả đền bù còn cứng nhắc khi căn cứ về thực trạng hồ sơ thiếu sót của đồng bào để chỉ đền bù giá đất rừng cho nơi ở của đồng bào miền núi. Mặt khác, việc dùng chính sách đền bù, tái định cư, hỗ trợ tiền thuê trọ khi chưa bố trí đất mới… vốn chỉ dùng cho dân cư đô thị lên áp đặt cho vùng núi là bất hợp lý. Chưa kể nguy cơ xoá trắng buôn làng Cơ Tu, đẩy đồng bào quay lại lối sống du mục, làm lu mờ bản sắc văn hoá cộng đồng người thiểu số.
Thanh Hải (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.