Như tin đã đưa, bức xúc giữa người dân và chủ đầu tư Vinaconex về mức thu phí dịch vụ giá cao tại cụm nhà ở hỗn hợp cao tầng N05 – Dự án Đông nam Trần Duy Hưng (Hà Nội) chưa được giải quyết, mới đây, ngày 10.3, cư dân cụm nhà này lại tiếp tục gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng và báo chí phản ứng chủ đầu tư vi phạm hợp đồng, đưa cả nhà hàng vào trong tòa nhà, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Vinaconex tự ý áp đặt mức phí dịch vụ là sai


Trao đổi với PV Lao Động ngày 11.3, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng ban đại diện lâm thời N05 đã tỏ ra hết sức bức xúc về việc Vinaconex cho rằng họ đã nhân nhượng với người dân, khi cho đến nay vẫn chưa thực hiện thu phí dịch vụ hằng tháng của các căn hộ chung cư do số dân đến ở tại N05 còn ít. “Phải nói thẳng ra là Vinaconex đã chậm bàn giao căn hộ. Đến thời điểm này, nhiều hạng mục tiện ích công cộng, hầm để xe, hệ thống cung cấp gas vẫn chưa hoàn thành theo hợp đồng. Đây là lỗi của chủ đầu tư, vì vậy dù muốn họ cũng không dám và không thể thu phí dịch vụ cho đến khi nào hoàn thành các hạng mục theo hợp đồng mua bán. Vinaconex nói như vậy là chưa chính xác” - ông Hùng nói.


Về mức phí dịch vụ 4.000 đồng/m2, nhiều người dân ở đây cũng cho rằng, theo thông tư số 37/2009/TT-BXD, nguyên tắc xác định giá dịch vụ nhà chung cư, phải được trên 50% hộ dân đang sinh sống tại chung cư nhất trí thông qua biểu quyết hoặc bỏ phiếu (khi ban quản trị chưa được thành lập). Việc Vinaconex tự ý áp đặt mức 4.000 đồng/m2 là đã làm sai quy định của Nhà nước.


Một đại diện của nhà 29T2 - ông Nguyễn Hùng Hiệp, nói: Theo quy định của UBND TP.Hà Nội, mức phí dịch vụ trông xe ôtô tối thiểu là 300.000 đồng/tháng và tối đa là 1.800.000 đồng/tháng. Giá trị của tầng hầm để xe B3 thuộc sở hữu chung đã được tính vào đơn giá Vinaconex bán căn hộ cho người dân. Việc Vinaconex buộc người dân phải trả tiền xây dựng tầng hầm, hạ tầng khu để xe, sau đó tận thu phí trông giữ xe ở mức tối đa là trái đạo lý. “Chúng tôi tin chắc Sở Tài chính sẽ hiểu thấu đáo vấn đề này và không phê duyệt mức phí trông giữ xe tại tầng hầm 3 sở hữu chung này” - ông Hiệp khẳng định.


Dân N05 phản pháo chủ đầu tư Vinaconex

Thu phí hạ tầng truyền hình cáp: Thu hai lần tiền của dân


Liên quan đến dịch vụ truyền hình cáp cho các căn hộ, theo phản ánh của một số cư dân N05, theo hợp đồng, hạ tầng dịch vụ truyền hình cáp đã được tính vào giá bán căn hộ. Hạ tầng dịch vụ truyền hình cáp thì đương nhiên phải bao gồm mọi thiết bị, hệ thống để khi người dân cắm đầu cáp truyền hình vào TV của mình và trả phí thuê bao là xem được.


“Thu phí hạ tầng truyền hình cáp là thu hai lần tiền của khách hàng. Chủ đầu tư giải thích thế nào khi Truyền hình cáp Hà Nội kéo dây, lắp đặt thiết bị... từ A – Z cho từng thuê bao đơn lẻ tại Hà Nội mà không thu một đồng phí nào, huống chi đây lại là một cụm khách hàng lớn tới hơn 700 thuê bao? Tại sao chủ đầu tư không hợp đồng với Truyền hình cáp Việt Nam hoặc Truyền hình cáp Hà Nội mà lại với Q.Net để ép giá người dân? Chúng tôi không cần bất cứ khuyến mãi nào của chủ đầu tư hay Q.Net. Chúng tôi chỉ đòi lại những gì thuộc về mình” - một người dân N05 bức xúc chất vấn.


Đưa quán ăn vào tòa nhà: Hợp đồng một đằng, làm một nẻo


Theo phản ánh của Ban đại diện lâm thời cụm nhà N05, mặc dù trong hợp đồng mua bán ký giữa người dân và Vinaconex đã ghi rõ: Tầng 1 là dịch vụ cộng đồng; từ tầng 2 đến tầng 6 là văn phòng cho thuê, tuy nhiên, chủ đầu tư đang ngang nhiên làm sai hợp đồng khi đưa cả hệ thống nhà hàng vào tòa nhà.


“Hiện một phần tầng 1 của toà 25T2 đã biến thành quán Ngon; tầng 2 tòa 29T2 chuẩn bị khai trương nhà hàng Long Phụng, trong khi hợp đồng giấy trắng mực đen Vinaconex ghi rõ là từ tầng 2 đến tầng 6 làm văn phòng, như vậy có đúng thiết kế, mục đích phê duyệt không?” - ông Hùng đặt câu hỏi. Cũng theo ông Hùng, vấn đề này đang là lo ngại lớn nhất của người dân tòa 29T2 do nhà hàng là khu vực tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ lớn. Việc kiểm soát cháy nổ sẽ như thế nào vì nếu cháy nổ xảy ra, nạn nhân chính là người dân chứ không phải chủ đầu tư.


Bên cạnh đó, Ban đại diện lâm thời cư dân N05 cũng cho rằng, chủ đầu tư Vinaconex đã không tôn trọng người dân khi sau 2 tháng, bất chấp hàng loạt kiến nghị của người dân nhưng vẫn không hề có văn bản hoặc họp mặt cư dân giải quyết vướng mắc. Việc chủ đầu tư này cho rằng, do không nhận được văn bản ủy quyền của từng hộ dân cho Ban đại diện lâm thời là hoàn toàn không đúng luật. “Đề nghị Vinaconex xem lại quy định về ủy quyền trong Luật Dân sự. Nên nhớ rằng, chỉ một người dân nêu ý kiến là Vinaconex đã phải có trách nhiệm trả lời, chưa nói đến nhóm đại diện cho 200 người ủy quyền. Nếu Vinaconex vẫn khăng khăng cần có xác nhận của công chứng, tất cả các hộ dân sẵn sàng ký trước mặt công chứng” - một cư dân của cụm nhà này bức xúc nói.


Được biết, ngày 8.3, lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy và một số cơ quan chức năng đã có cuộc làm việc với đại diện cư dân N05 và đại diện Vinaconex lắng nghe ý kiến của cả 2 bên. Tại cuộc họp này, ông Việt Hà- Phó Chủ tịch quận Cầu Giấy - đã yêu cầu chủ đầu tư phải nhanh chóng làm rõ sở hữu tầng hầm 3 của chủ đầu tư hay người dân và Vinaconex phải khẩn trương hoàn thiện các hạng mục hạ tầng, đặc biệt là hệ thống gas trung tâm, để người dân an tâm về sinh sống.

Theo Lao động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland