Ông Nguyễn Bá Lừng trong chòi canh hồ với tập giấy tờ về nguồn gốc đất.
Tiền đền bù còm cõi chỉ hơn triệu đồng/m2 đất cho dân nhưng khi chuyển đổi thành đất đô thị, đất biệt thự, liền kề giá dự án tăng gấp hàng trăm lần.
Điều đáng nói là dự án sau nhiều màn chuyển đổi khó hiểu lại đang được giao vào tay một tập đoàn bất động sản đầy tai tiếng, đang bị thanh tra: Tập đoàn Lã Vọng.
Một lần nữa, bài toán về việc lấy đất phát triển dự án bất động sản lại đặt ra nhức nhối, liệu người dân mất đất có bị ra rìa ngay trên chính mảnh đất mà mình đã gắn bó hàng chục năm.
Dự án ỳ ạch gần 11 năm và màn sang tay khó hiểu
Ngày 21.6.2007, ông Nguyễn Quốc Triệu - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội ký quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết KĐT mới Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), tỉ lệ 1/500. Theo đó, tổng diện tích đất trong ranh giới lập dự án KĐT mới xấp xỉ 23,9ha.
Trong tổng diện tích đất ở theo quy hoạch ngót 125.000m2, đất ở thuộc dự án KĐT mới (không tính phần đất thuộc khu di dân và đấu giá) đạt ngót 98.000m2 - diện tích đất ở cao tầng vào khoảng 49.000m2; thấp tầng gần 48.000m2 (biệt thự, nhà vườn).
Khi đó, UDIC và Cty CP Đầu tư phát triển Hà Nội (đơn vị lập và hoàn thành quy hoạch dự án) được giao phối hợp với cơ quan chức năng để công bố quy hoạch chi tiết.
Tháng 7.2011, UBND TP.Hà Nội ra Quyết định 3431/QĐ-UBND, cho phép đầu tư KĐT mới Hoàng Văn Thụ. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư gần 1.655 tỉ đồng được triển khai trên diện tích đất khoảng 225.621m2, nhằm xây dựng KĐT mới Hoàng Văn Thụ văn minh hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật - xã hội… theo đúng QHCT phê duyệt năm 2007.
Dự án do UDIC làm chủ đầu tư, có thời gian thực hiện trong 5 năm (dự kiến đến quý IV/2015).
Sau thời gian này, UDIC “may mắn” triển khai các bước để thực hiện dự án (tháng 6.2012, đơn vị phối hợp UBND phường Thịnh Liệt và Ban Bồi thường GPMB quận Hoàng Mai tổ chức họp dân công khai dự án và chính sách GPMB).
Tưởng chừng UDIC sẽ suôn sẻ về đích, nhưng ít lâu sau đó (giữa năm 2015), dự án KĐT Hoàng Văn Thụ do UDIC làm chủ đầu tư bị TP.Hà Nội nhắc nhở vì chậm triển khai (vướng mắc đền bù với một số hộ dân tại phường Thịnh Liệt và Hoàng Văn Thụ).
Tới đầu 2017, dự án nhận quyết định mới từ Hà Nội. Cụ thể, tháng 4, UBND TP.Hà Nội ra Quyết định 2116/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết KĐT mới Hoàng Văn Thụ, tỉ lệ 1/500.
Đầu tuần tháng 8, UBND TP.Hà Nội phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết KĐT mới Hoàng Văn Thụ, tỉ lệ 1/500 trên nguyên tắc kế thừa một số nội dung của đồ án QHCT tỉ lệ 1/500 đã được phê duyệt năm 2007; cũng như phân tích, đề xuất giải pháp phù hợp với định hướng phát triển theo đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô…
Đáng chú ý, pháp nhân đầu tư dự án KĐT Hoàng Văn Thụ đã thay đổi. Ngày 8.2.2017, UBND TP.Hà Nội chấp thuận về chủ trương cho phép UDIC được góp vốn đầu tư, ngoài doanh nghiệp để hợp tác với Cty CP Đầu tư & Thương mại Louis (Cty Louis), Cty CP Thương mại Ngôi nhà mới (Cty Ngôi nhà mới) thành lập Cty CP Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai (Cty Hoàng Mai) để thực hiện dự án KĐT mới Hoàng Văn Thụ - các công ty con thuộc kiểm soát của địa gia Lê Văn Vọng - chủ Tập đoàn Lã Vọng - một doanh nghiệp bất động sản hoàn toàn mới tinh trên thị trường(!).
Với diện tích gần 2.000m2 mặt nước hồ cá, ông Lừng cho biết đang nuôi sống gần 10 người trong gia đình, sau này bị thu hồi sẽ không biết làm gì để sống.
Sau đổi đất, dân làm gì để sống?
Ở cuối đường Tân Mai, tại nghĩa trang quận Hoàng Mai đi sâu vào trong vài trăm mét là các ao, hồ được người dân đắp đập be bờ thả cá hàng chục năm nay. Giữa bốn bề mặt nước là căn chòi nhỏ được các hộ dựng tạm để trông cá.
Trong căn chòi, ông Nguyễn Bá Lừng vừa rít thuốc lào vừa kể lại câu chuyện về quận Hoàng Mai đang tiến hành thu hồi đất của ông để làm dự án KĐT Hoàng Văn Thụ.
Ông Lừng kể rành rọt, đến nay đã nhận tổng cộng 3 giấy thông báo đi nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng, nhưng ông vẫn kiên quyết không nhận.
Theo cách tính đền bù của UBND quận Hoàng Mai với hộ gia đình ông Lừng, với 1.950m2 đất nông nghiệp bị thu hồi với đơn giá là 251.000 đồng/m2, cả hộ ông Lừng được 491,4 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình được hỗ trợ chuyển đổi nghề hơn 2,4 tỉ đồng. Với số tiền như trên, hộ gia đình ông Lừng được hỗ trợ gần 3 tỉ đồng.
“Nhà tôi hiện cả hơn 10 người chỉ trông chờ vào cái hồ cá này, mỗi năm hồ cá thu về ngót 500.000.000 đồng. Bây giờ thử hỏi, nếu cầm 3 tỉ đồng trong tay, ăn tiêu hết thì lấy gì để sống” - ông Lừng nói.
Theo các hộ dân bị lấy đất cho KĐT Hoàng Văn Thụ, đất nông nghiệp trước đây từ 1981 được Hợp tác xã giao cho các xã viên để canh tác, và từ đó đến nay các hộ dân này vẫn nộp thuế đất liên tục, đầy đủ.
Trong đơn phản ánh tới Báo Lao Động, riêng phường Hoàng Văn Thụ có tới 10 hộ dân bị lấy đất đến nay chưa chấp nhận phương án đền bù. Trong hồ sơ các hộ dân, nhiều người đã canh tác ổn định, liên tục nhiều năm lên tới hàng nghìn mét vuông đất ngoài sổ nhưng tất cả phần đất ngoài sổ này vẫn không được hỗ trợ.
Như hộ gia đình ông Hoàng Đình Dũng có đất trong sổ thuế nông nghiệp gia đình là 650m2, đất ngoài số lên tới 8.000m2, tất cả đất trong sổ và ngoài sổ vẫn đóng thuế nông nghiệp hằng năm tuy nhiên số đất ngoài sổ không được đồng nào tiền đền bù lấy đất.
Ông Dũng nói: không phải người dân không ủng hộ việc phát triển đô thị nhưng việc lấy đất của dân thì phải tính đến phương án đền bù, hỗ trợ hợp lý.
Trong khi đó, trao đổi với Lao Động, bà Đồng Thị Như Hoa - Phó GĐ Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai (đơn vị được UBND quận Hoàng Mai giao việc giải phóng mặt bằng KĐT Hoàng Văn Thụ) - cho biết, tổng diện tích thu hồi đất dự án 225.623,7m2 lấy đất 3 phường gồm Hoàng Văn Thụ, Yên Sở và Thịnh Liệt, từ tháng 4.2017 đến nay, UBND quận Hoàng Mai đã phê duyệt 266 phương án bồi thường.
Khi đề cập với việc người dân như hộ ông Lừng, ông Dũng không chấp nhận phương án bồi thường với giá quá rẻ, bà Hoa cho biết, trung tâm phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai đã vận dụng tất cả văn bản, chính sách của UBND TP.Hà Nội ban hành để tính giá cao nhất cho người dân.
Hiện các hộ dân cho biết, họ sẵn sàng giao đất cho quận Hoàng Mai để doanh nghiệp vào làm dự án KĐT Hoàng Văn Thụ, tuy nhiên, đất họ giao cho doanh nghiệp phải thoả thuận với dân về mức đền bù.
Theo các hộ dân, hiện nay, nếu tính cả tiền đền bù đất, tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề thì mỗi mét vuông đất theo đơn giá của UBND quận Hoàng Mai nhận đền bù khoảng trên dưới 1,5 triệu/m2.
Với giá chỉ 1,5 triệu đồng/m2 nhưng khảo sát của PV Lao Động tại khu vực đường Tân Mai thì giá đất thổ cư đang dao động từ 200 đến 300 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí.
Còn theo các trang môi giới bất động sản, dù chưa có giá chính thức từ chủ đầu tư với KĐT Hoàng Văn Thụ nhưng giá đất ở đây dự kiến gần phải hơn 200 triệu đồng/m2.
Như vậy, với cách tính trên, thì giá đất của người dân giao cho doanh nghiệp có thể đội lên gấp hơn 100 lần khi được rao bán ra thị trường.
Đang bị thanh tra, liệu Lã Vọng có đưa dự án KĐT Hoàng Văn Thụ về đích Liên quan đến các dự án của Tập đoàn Lã Vọng, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc thanh tra các dự án của Cty CP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng cùng các đơn vị thành viên trên địa bàn TP.Hà Nội. Theo đó, xét báo cáo của UBND TP.Hà Nội về kết quả kiểm tra phản ánh của báo chí về việc Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên được ưu ái giao nhiều khu “đất vàng” tại Hà Nội để thực hiện dự án bất động sản, sản xuất kinh doanh, giao thông theo hình thức hợp đồng BT; trong đó có một số dự án không qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định và ý kiến của các cơ quan liên quan. Xung quanh vấn đề này, Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ thành lập đoàn thanh tra liên ngành có sự tham gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, thanh tra toàn diện các dự án nêu tại văn bản số 62/BC-UBND ngày 5.3.2018 của UBND thành phố Hà Nội; kết luận đầy đủ, chính xác, khách quan về các vấn đề liên quan và kiến nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng trước ngày 1.12. V.Giang |