Dự án đang thi công khiến hoạt động kinh doanh của người dân ế ẩm.
Một phần đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) đang trở thành một đại công trường ngổn ngang phương tiện thi công, mặt đường được nâng lên cao hơn so với trước đó. Những cơn mưa lớn trong những ngày gần đây giúp hoạt động thi công bớt bụi mù mịt nhưng có nhiều chỗ lại ngập nước gây khó khăn.
Được biết, đây là công trình thuộc dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương. Hai bên vỉa hè, các bức tường cao trên nửa mét được xây chắn trước nhà dân, chỉ trừ một lối nhỏ để người dân ra vào nhà. Nhiều cột trụ, bể cống nước, trụ điện cũng được xây dựng cao hơn cả mét so với mặt đường. Một số hộ dân đang cấp tập để nâng cao nền nhà, phần lớn còn lại tỏ ra lo lắng vì nếu dự án hoàn thành thì nhà sẽ có nguy cơ biến thành hầm vì có nhiều đoạn mặt đường mới sẽ cao hơn nền nhà cả mét. Ngoài ra, việc đổ các vật tư thi công dự án như ống nước, đá sỏi, các hố kỹ thuật không được rào chắn cẩn thận tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Đặc biệt, những cơn mưa lớn những ngày vừa qua khiến nhiều đoạn đường và nhà dân bị ngập sâu trong nước.
Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (đoạn từ vòng xoay An Lạc đến vòng xoay Mũi Tàu) dài hơn 3,5 km, rộng 48 m, hệ thống cống và công trình ngầm đã hoàn tất. Hiện Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước đang thi công nâng cao mặt đường. Cao độ đường Kinh Dương Vương được nâng trung bình 0,7 m, vỉa hè nâng từ 0,4-1,2 m, dẫn đến việc nhà dân thấp hơn vỉa hè từ 0,6-1m. Dự án ảnh hưởng đến 539 hộ dân hai bên mặt tiền đường, 27 cơ quan hành chính và 44 tuyến đường hẻm nối ra con đường này.
Không chỉ gây xáo trộn cuộc sống, dự án thi công kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của người dân hai bên đường. Nhiều cửa hàng bị đất đá che mất lối vào. Anh Vương, chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng than thở, từ khi dự án thi công việc buôn bán của cửa hàng luôn trong tình trạng ế ẩm, khách hàng mua vật liệu cũng rất khó khăn, phương tiện vận chuyển không có lối vào. Rất nhiều cửa hàng tại đây đã phải tạm thời đóng cửa, để tránh gánh nặng trả tiền thuê mặt bằng.
Nhiều quán cafe, nước giải khát vắng bóng khách, bàn ghế xếp chồng lên nhau. “thi công ồn ào, đường xá thì bụi bay mù mịt, chỗ để xe không có nên ai mà muốn vào uống nước chứ”, một chủ quan cho biết.
Nhằm giải quyết bức xúc và giảm thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, mới đây UBND TP.HCM đã chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông vận tải về điều chỉnh độ cao thiết kế đường Kinh Dương Vương.
Theo đó, giữ nguyên cao độ, tiếp tục triển khai thi công hoàn thiện mặt đường theo thiết kế được duyệt, điều chỉnh độ dốc vỉa hè từ 2% xuống 0,5% (giảm độ cao vỉa hè khoảng 10cm tại vị trí sát nhà dân) đối với đoạn đã thi công thảm bê tông nhựa (2 đoạn đầu, đã được người dân đồng thuận về cao độ).
Đối với đoạn chưa thi công thảm bê tông nhựa: Điều chỉnh hạ cao độ mặt đường 25cm so với thiết kế đã được duyệt, điều chỉnh độ dốc vỉa hè từ 2% xuống 0,5% (giảm cao độ vỉa hè khoảng 10cm tại vị trí sát nhà dân, đảm bảo độ vuốt dốc êm thuận).
Đồng thời, thành phố lưu ý việc hạ độ cao đoạn chưa thực hiện thi công phải đảm bảo kết nối kỹ thuật, an toàn giao thông với 2 đoạn đầu đã thi công và phải được các hộ dân cơ bản đồng thuận.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng chấp thuận đề xuất của Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TP và UBND quận Bình Tân về bổ sung xây dựng trạm bơm thoát nước có công suất khoảng 42.000 m³/giờ, trên diện tích khoảng 400 m² (gần Đình An Lạc - Rạch Bà Tiếng) để giải quyết ngập nước cho khu vực tuyến đường Kinh Dương Vương và 44 tuyến hẻm tại quận Bình Tân.
CafeLand ghi nhận hình ảnh thi công tại dự án này sáng ngày 29/9:
Phương tiện di chuyển khó khăn trên con đường đang thi công.
Vật tư dùng để thực hiện dự án nằm ngổn ngang trước nhà dân.
Nhiều đống đá lớn đổ ngay trước cửa hàng buôn bán.
Một số cửa hàng kéo cửa để hạn chế tiếng ồn và bụi bặm.
Một số cửa hàng tạm thời đóng cửa.
Cây xăng bị ngập nước sau những cơn mưa lớn.
Cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng khá nhiều tư khi dự án thi công.
Nhiều hộ dân đang xây dựng, nâng nền nhà để đuổi kịp mặt đường.
-
TP.HCM: Hỗ trợ cho hộ dân có nhà biến thành “hầm” do nâng đường
CafeLand – UBND TP.HCM sẽ ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các gia đình cá nhân bị ảnh hưởng bởi các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, kỹ thuật trên địa bàn thành phố.
-
Nâng đường Kinh Dương Vương, 90% nhà dân bị trũng thấp
Theo khảo sát của UBND quận Bình Tân, khi đường Kinh Dương Vương nâng cao chống ngập có đến 90% nhà dân bị thấp hơn mặt đường từ 0,5 đến 1m.
-
Mức thu lệ phí cấp sổ đỏ hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh
Hiện nay, mức thu lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (thực tế thường gọi là sổ đỏ/sổ hồng) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được thực hiện theo Phụ lục 1C ban hành kèm theo Nghị quyết 124/2016/NQ-HĐND. Cụ ...
-
Hiện trạng con đường dài 600m nhưng tốn hơn 1.000 tỷ đồng để mở rộng ở TP.HCM
Dự án nâng cấp mở rộng đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh) chỉ có chiều dài 600m nhưng sẽ tiêu tốn đến 1.067 tỉ đồng. Gần 1.000 tỉ trong tổng vốn đầu tư sẽ dùng để chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng....
-
Đề xuất giảm vốn đầu tư, gia hạn thời gian hoàn thành cao tốc Bến Lức – Long Thành
Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành được đề xuất giảm tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, đồng thời gia hạn thời gian hoàn thành đến hết tháng 9/2026.