Đà Lạt từng là thủ phủ mơ ước của dân đầu tư loại hình homestay, farmstay vì là một trong những địa điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch bậc nhất. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến “thời thế” thay đổi, nhiều nhà đầu tư homestay đang tìm cách tháo chạy khỏi thành phố ngàn hoa.

Theo Sở VHTT và Du lịch Lâm Đồng, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 đã kéo giảm mạnh lượng khách du lịch đến địa phương này trong hai năm gần đây.

Thống kê, trong tháng 7/2021, lượng khách du lịch đến với tỉnh Lâm Đồng chỉ đạt khoảng 8.000 lượt (giảm 98% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 150 lượt (giảm 96,7%), khách nội địa đạt khoảng 7.850 lượt (giảm 98%), khách qua lưu trú đạt 7.500 lượt (giảm 98%).

Tính lũy kế 7 tháng đầu năm, khách du lịch đến Lâm Đồng đạt khoảng hơn 2 triệu lượt (giảm 11,99% so với cùng kỳ năm 2020); trong đó, khách quốc tế đạt 15 ngàn lượt (giảm 84,4%), khách nội địa đạt hơn 1.988 ngàn lượt (giảm 8,8%); khách qua lưu trú đạt khoảng 1.728,5 ngàn lượt (giảm 16,1%).

Thủ phủ du lịch của Lâm Đồng là thành phố Đà Lạt gần như tê liệt các hoạt động du lịch trong thời gian qua. Một báo cáo trong tháng 6/2021 cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên địa bàn thành phố Đà Lạt có khoảng 978 khách sạn và 7 khu du lịch phải tạm ngừng hoạt động vì lượng du khách tụt giảm mạnh.

Trong một động thái dần mở cửa mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cho phép mở lại hoạt động du lịch nội tỉnh đối với các điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú từ 2 sao trở lên.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế nhiều nhà đầu tư các loại hình lưu trú tại Lâm Đồng, trong đó có homestay tỏ ra không lạc quan với tình hình du lịch trong thời gian tới. Đặc biệt, tại Đà Lạt nhiều nhà đầu tư đang tìm cách bán homestay, farmstay sau những tổn thất nặng nề do dịch bệnh mang lại trong hai năm qua.

Nhiều chủ đầu tư homestay ở Đà Lạt đã buộc phải rao bán, sang nhượng homestay vì không có khách mùa dịch (ảnh: dalatbatdongsan)

Từng là một người kiếm ra tiền từ hoạt động kinh doanh homestay, nhưng anh Chính mới đây đã phải rao bán căn homestay mình đang sở hữu. Theo Chính, căn homestay ở trung tâm thành phố Đà Lạt của anh 2 năm nay thưa vắng khách, đặc biệt là từ đầu năm 2021 đến nay.

"Trụ không nổi thì buộc phải bán thôi. Đã mấy tháng liền không có khách, tôi kiệt quệ tài chính rồi. Mình không mạnh về vốn thì giờ phải bán để xoay cái khác làm ăn." – Chính chia sẻ.

Chính cũng cho biết, anh vay mượn ngân hàng để hiện thực hóa giấc mơ sở hữu homestay. Giờ đây, mỗi tháng anh phải trả lãi ngân hàng không dưới 20 triệu đồng, nên quyết định bán homestay trang trải nợ nần và chuyển hướng kinh doanh.

Là người kinh doanh farmstay tại Đà Lạt, Bùi Sơn nhìn nhận, nhanh nhất cho tới nửa năm 2022, thị trường du lịch nghỉ dưỡng ở thành phố sương mù mới có thể gượng dậy. Trong khi những người đầu tư các quán cà phê hoặc homestay tại Đà Lạt phần lớn là người trẻ, không quá mạnh về tài chính cá nhân nên không có khoảng dự phòng lớn cho dịch kéo dài.

"Như tôi, làm mô hình glamping (kiểu mô hình kết hợp giữa camping và glamorous – du lịch cắm trại sang chảnh - PV). Tổng giá trị đầu tư mọi thứ tầm 2 tỷ đồng. Chúng tôi 3 người, mỗi người góp một ít. Chủ yếu cũng tiền tích lũy cá nhân và vay ngân hàng. Giờ mỗi sáng mở mắt ra là tôi phải chịu mất 400 ngàn tiền lãi." – Sơn ngậm ngùi.

Theo Sơn, làn sóng sang tay, bán cắt lỗ homestay tại Đà Lạt đang nở rộ, vì nhiều lý do. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là vì du lịch Đà Lạt chủ yếu dự vào lượng khách từ TP.HCM và một số vùng lân cận. Thế nên, tuy Đà Lạt mở cửa nhưng TP.HCM vẫn chưa mở cửa lại thì các chủ homestay cũng "chịu chết" vì không tìm đâu ra khách.

"Khách địa phương ai vô ở làm gì? Giờ mà mở cửa thì buộc phải hoạt động lại buộc phải trả các thứ chi phí, nhưng không có khách thì tiền đâu, hơn nữa, như tôi đã nói, dân đầu tư homestay trên Đà Lạt chủ yếu người trẻ, tài chính không dồi dào, mùa dịch lại không kinh doanh gì để dự phòng được." – Sơn cho biết.

Sơn cũng cho rằng, sang nhượng, bán cắt lỗ là giải pháp tối ưu của các nhà đầu tư homestay ở Đà Lạt hiện tại, để chống chọi qua mùa dịch. Tuy sang mặt bằng nhưng nhà đầu tư vẫn giữ fanpage mạng xã hội và tên quán, vẫn có thể xây dựng lại thương hiệu kinh doanh sau dịch phù hợp với xu hướng mới. Vì đa phần các hoạt động này thu hút khách dự trên mạng xã hội.

"Sang nhượng giờ giải quyết được nhiều thứ. Trước hết là có vốn làm việc khác, có tiền trang trải cuộc sống mùa dịch này. Đỡ phải tiếp tục bù lỗ khi mở cửa nhưng không có khách." – Sơn phân tích.

Liên Thượng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.