Trong khi nhà đầu tư chuyên nghiệp vẫn ở tâm lý chờ đợi, một bộ phận dân công sở đã quay lại thị trường địa ốc bằng cách huy động bạn bè, người thân thậm chí lên diễn đàn kêu gọi góp vốn chung để mua đất xây nhà.

Vàng, chứng khoán lên xuống bấp bênh, lãi suất ngân hàng giảm, chị Thùy Linh (Hà Nội) nhân viên một hãng truyền thông nhăm nhe đầu tư vào bất động sản để giữ vốn sau một thời gian dài quay lưng với thị trường. Nhờ người quen giới thiệu, chị cùng anh trai chung vốn mua một mảnh đất rộng 60 m2 ở xã Dương Hà, Gia Lâm với mặt tiền rộng khoảng 6 m. Đất có sổ đỏ chính chủ, cách cầu Đuống gần 2 km với giá 20 triệu đồng mỗi m2. "Tính ra cả lô đất trị giá khoảng hơn một tỷ đồng. Hai anh em mỗi người góp gần 600 triệu là có thể 'ôm' được", chị Linh chia sẻ.

Nhiều khu vực địa ốc giảm 20-50% so với thời kỳ lập đỉnh. Ảnh: Hoàng Lan.

Tiền nhàn rỗi có sẵn, dự tính đầu tư dài hạn trong 4-5 năm nên chị Linh không lo địa ốc sụt giảm. Với lãi suất 11% như hiện nay, mỗi năm chị thu được khoảng hơn 14 triệu đồng, trong khi đó, nếu đầu tư địa ốc, tiền lãi có thể lên tới hàng trăm triệu. "Đầu tư lâu dài nên tôi không lo thua lỗ, trường hợp xấu nhất để làm của hồi môn cho con cái sau này lập gia đình", chị Linh tính toán.

Không sôi động như thời kỳ thị trường sốt nóng, giới công sở chỉ âm thầm đầu tư những khu đất có giá trị nhỏ, nằm sâu trong ngõ ngách trị giá trên dưới một tỷ đồng, hoặc những nơi xa trung tâm có khả năng sinh lời trong dài hạn. Chuyện chung tiền mua đất đã bắt đầu nóng từ những năm 2010, khi hàng loạt nhà đầu tư nghiệp dư lập thành đội lướt sóng ăn theo những con đường mới thông. Tuy nhiên, sau khi đất Ba Vì xì hơi, nhiều đội đã rời bỏ thị trường.

Chị Tú Nguyên, làm việc tại một doanh nghiệp của Nhật Bản giải thích, thị trường đang có một số dấu hiệu tích cực như địa ốc có thể hưởng lợi khi Chính phủ giải ngân nốt 120.000 tỷ đồng đầu tư công trong 7 tháng cuối năm và lãi suất ngân hàng giảm mạnh. "Thời điểm cuối năm ngoái, một số ngân hàng khó thanh khoản, lách lãi suất lên tới 19- 20%, nhưng nay, nhiều nơi chỉ còn 11%, giảm tới gần một nửa nên ít người hào hứng", chị thổ lộ.

Mặc dù mới chỉ có một lượng nhỏ người dân huy động anh em, bạn bè thân thích góp tiền mua chung đất, song trong bối cảnh thị trường như hiện nay, đây được coi là một tín hiệu vui. Anh Lê Thanh, một kỹ sư cho hay, anh và 4 người bạn đang có ý định mua đất xây chung cư mini ở quận Thanh Xuân. Mảnh đất chỉ rộng khoảng 50 m2, chừa diện tích sân để ôtô, còn lại sẽ xây chung cư 5 tầng để bán. Với mức giá khoảng 25 triệu đồng mỗi m2 thì riêng tiền đất rơi vào khoảng 1,25 tỷ đồng, cộng cả tiền xây dựng khoảng trên dưới 1,3 tỷ đồng. “Lỗ lãi sẽ chia theo tỷ lệ đóng góp”, anh nói.

Dự kiến, mỗi người sẽ góp trung bình khoảng 500 triệu đồng. Sau khi nhà được xây xong, mỗi cá nhân sẽ được nhận một căn hộ dưới hình thức bốc thăm để chọn số tầng. “Tất nhiên, người góp nhiều tiền nhất sẽ được chọn căn, tầng. Ai không thích ở có thể bán đi”, anh chia sẻ.

Trên một số diễn đàn, nhiều thành viên cũng kêu gọi góp vốn, mua chung đất xây nhà. Chủ đề "Lập nhóm tự mua đất xây nhà, sở hữu nhà trong tầm tay với 700 triệu đồng" trên một trang web khá nổi tiếng thu hút hàng chục thành viên tham gia. Nhìn chung số đông đều cho rằng đây là cách kinh doanh hiệu quả vì có thể sử dụng nhân lực của nhiều người.

Thành viên nick name Bencoca cho hay, mục tiêu là "tìm kiếm khoảng 4-6 người góp vốn và một mảnh đất có giá cả phù hợp để xây dựng một căn nhà thành các phòng độc lập sau đó mỗi thành viên tham gia đóng góp sẽ được nhận một ngôi nhà". Nhóm đầu tư này đưa ra kế hoạch hợp tác thuê người xây dựng nhà, thay nhau kiểm soát chặt chẽ để tiết kiệm tối đa về chi phí xây dựng.

Tuy nhiên, chuyện góp vốn mua chung đất không phải luôn “xuôi chèo mát mái”. Trường hợp mua các khu đất có mặt tiền nhỏ không thể tách đôi, người kinh doanh sẽ khó tự chủ, đó là chưa kể bất đồng về thời điểm bán hàng. Chị Uyên một nhà đầu tư chia sẻ, chị đã từng góp 40% vốn để mua chung một mảnh đất và phải chôn vốn suốt hơn một năm nay vì người bạn chưa muốn bán.

Ông Lê Xuân Trường, Giám đốc Công ty Bất động sản B.D.S nhận định, hiện tượng dân công sở góp tiền mua nhà chưa tạo thành làn sóng mà mới chỉ rậm rịch, mang tính chất “đánh lẻ”. Những người có tiền nhàn rỗi có xu hướng mua được những bất động sản giảm giá 20%- 50% so với thời điểm lập đỉnh. Thậm chí họ sẵn sàng dốc vốn vào những khu đất phát mãi, nơi mà người bán cần bán “bằng mọi giá” để lấy tiền trả nợ.

Ông Trường cho hay, góp vốn mua chung là cách kinh doanh hiệu quả song đối với người mua ít kinh nghiệm cần phải cận trọng để tránh trường họp mua hớ hoặc gặp rủi ro về pháp lý. Nếu mua bất động sản ở khu vực xa, không phải nơi mình thông thuộc, nhà đầu tư càng phải xem xét kỹ. Bản thân ông, đã từng chứng kiến nhiều cảnh vỡ mộng khi "đánh bắt xa bờ" chung vốn ở tận Nha Trang, Đà Nẵng, Ba Vì, Hải Phòng... Nhiều người mua bất động sản tại những “miền đất mới” đã phạm sai lầm vì thiếu am hiểu về thị trường bản địa dẫn tới mua giá quá cao hoặc đầu tư vào các dự án “bánh vẽ”.

Ngoài ra, ông Trường nhấn mạnh, chỉ những đối tượng có tiền nhàn rỗi, không tìm được các cơ hội đầu tư vào kinh doanh mới nên mua bất động sản thời điểm này. Bởi thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn rất khó khăn, còn việc, "vay tiền để đầu tư lúc này chẳng khác nào tự sát”.

Luật sư Phạm Đức Giang, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức và liên danh tư vấn những người góp vốn mua chung bất động sản có thể thành lập công ty cổ phần hoặc đồng sở hữu trên cùng một mảnh đất. Cũng có trường hợp anh em thỏa thuận ngầm để một người đứng tên trên hợp đồng, tuy nhiên trường hợp này rất dễ nảy sinh tranh chấp.

Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.