11/11/2013 9:40 PM
2% giá trị căn hộ là số tiền mỗi hộ dân phải đóng cho chủ đầu tư khi họ thành chủ nhân các khu chung cư trên địa bàn Hà Nội để lập quỹ bảo trì chung cư. Tuy nhiên, hiện nay số tiền hàng trăm tỷ đồng này không được chủ đầu tư chuyển lại cho ban quản trị (BQT) khu chung cư để thực hiện công tác bảo trì theo quy định, khiến dư luận bức xúc.

Một cư dân bày tỏ bức xúc với PV

Cư dân ấm ức

“Bộ Xây dựng đã ra quy định từ tháng 8/2008, chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản tiền gửi phí bảo trì cho từng nhà chung cư tại ngân hàng thương mại, với lãi suất không thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn kể từ khi đưa chung cư vào sử dụng. Tuy nhiên, thực tế không diễn ra như vậy” - ông Bùi Thức Khiết - Trưởng BQT chung cư Keangnam đã bắt đầu như vậy về phí bảo trì chung cư với PV.

Ông Bùi Thức Khiết cho biết: “Ngày 12/8/2012, BQT tòa nhà Keangnam được thành lập và đến 18/1/2013 thì được UBND huyện Từ Liêm công nhận. Từ bấy đến nay chủ đầu tư vẫn chưa giao lại cho BQT đồng nào trong số hơn 200 tỷ đồng phí bảo trì”. Ông cũng cho biết thêm, đã thay mặt người dân gửi hơn 30 công văn, và gặp mặt chủ đầu tư nhiều lần nhưng hết lần này đến lần khác đều được chủ đầu tư Keangnam Vina trả lời vòng vo rằng tiền đã được chuyển về cho công ty Mẹ và đang yêu cầu công ty Mẹ giải quyết.

Theo tìm hiểu của PV, không riêng gì ở Keangnam mà tại các khu chung cư: The Manor, Sky City, Vincom, Golden Palace hay nhiều nơi khác nữa cũng đều đang chịu cảnh tương tự.

Một thành viên trong BQT chung cư Sky City cho biết: “BQT các tòa nhà gần như đã bất lực trước sự chây ì của chủ đầu tư. Bởi lẽ luật đề ra việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì rất rõ ràng, nhưng lại không có chế tài cụ thể xử lý nên chủ đầu tư vẫn ngang nhiên tìm mọi cách chiếm dụng. Cũng may Công ty TNHH Hanotex là chủ đầu tư của Sky City “biết điều” đã giao lại cho BQT chúng tôi một khoản tiền trong quỹ bảo trì nhưng ước chừng con số khoảng hơn 15 tỷ mà họ đang giữ vẫn là một con số lớn, chúng tôi sẽ tiếp tục cùng “liên minh chung cư” đòi lại khoản tiền này.”

Không giấu nổi thái độ bức xúc, bà Nga sống tại chung cư The Manor nói: “Cư dân chúng tôi sống ở đây đã lâu, nộp tiền mà không được hưởng dịch vụ bảo trì thì rất bức xúc là đương nhiên. Làm sao có thể yên tâm khi chỉ sau mấy năm nữa, các cư dân The Manor phải nhìn bể bơi không được cấp nước, cây cối héo do không duy trì chăm sóc, thang máy trục trặc như đã từng như thế?... Tiền chúng tôi bỏ ra để được sống trong điều kiện mà mình mong muốn chứ không phải là để tiền trôi nổi ở đâu mà không hay biết?!”.

Có quyền khởi kiện dân sự

Trao đổi với PV, luật sư Bùi Quang Hưng - người đã cùng BQT các khu chung cư theo sát vụ việc này cho biết, liên minh chung cư muốn rằng Nhà nước nên đứng ra thu tiền phí bảo trì, sau đó giao lại cho BQT tòa nhà hoặc sẽ thu phí bảo trì sau khi hết thời hạn bảo hành của tòa nhà, đồng thời, có những chế tài chặt chẽ hơn để buộc chủ đầu tư phải bàn giao lại số tiền này. Bởi lẽ nếu cứ tiếp diễn tình trạng như hiện nay, không biết bao giờ cư dân mới có thể đòi được số tiền không nhỏ mà mình đã bỏ ra.

Luật sư cũng cho biết, về mặt pháp lý, khi thành lập được BQT mà chủ đầu tư không chịu bàn giao số tiền bảo trì chung cư thì BQT chung cư có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu chủ đầu tư bàn giao số tiền bảo trì chung cư cùng với số tiền lãi tương ứng với việc chậm trả của chủ đầu tư theo quy định của Bộ luật Dân sự.

PV Báo Giao thông đã phản ánh những bức xúc trên của cư dân đến chủ đầu tư The Manor và Keangnam và một số khu chung cư khác. Khi có phản hồi, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

"Theo quy định của pháp luật, đáng lẽ đến bây giờ tiền đã được giao lại cho BQT chúng tôi nhưng hiện tại chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao. BQT đã gửi công văn và gặp mặt nhiều lần với chủ đầu tư là Công ty Bitexco nhưng hết lần này đến lần khác họ chỉ trả lời rằng “sẽ trả” nhưng không nói thời gian cụ thể và cũng không giải thích gì”.

Bà Nguyễn Nhung Hạnh - Tổ trưởng dân phố số 3, thành viên BQT The Manor

Lê Trang (Giao thông vận tải)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.