Thực hiện chủ trương “Có nhà ở” và mục tiêu chỉnh trang hạ tầng đô thị, những năm qua, TP Đà Nẵng đã triển khai nhiều dự án phát triển nguồn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (KCN). Tuy nhiên, với những vướng mắc trong cơ chế cũng như sự yếu kém về năng lực tài chính của các chủ đầu tư đã và đang khiến hàng ngàn người khốn khổ…

ông trình chung cư nhà ở xã hội (tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng) do Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng Đà Nẵng thi công hơn 2 năm qua mới chỉ xong phần thô. Ảnh: Nguyễn Hùng

nhà nhưng phải ở thuê

Đối với những người có thu nhập thấp ở Đà Nẵng, mua được một căn nhà để an cư là mong ước lớn nhất. Thế nhưng, ngay cả khi đã ký hợp đồng mua nhà, họ vẫn chưa yên tâm bởi hàng loạt nỗi lo. Bà Hồ Thị Hải (ở quận Sơn Trà), cho biết: “Có được số tiền ba mẹ cho sau khi bán nhà, nghe nói có công ty đang xây nhà cho người có thu nhập thấp, giá vừa túi tiền, tôi liền hăm hở đăng ký và ký hợp đồng với Công ty Vincoland vào ngày 26-1-2011.

Trong hợp đồng tôi được phân căn hộ diện tích 51,42m2 tại khu nhà A4 khu chung cư cuối tuyến Bạch Đằng Đông, quận Sơn Trà với giá khoảng 291 triệu đồng. Tuy nhiên, đến hết tháng 4-2011 (thời hạn trong hợp đồng bắt buộc bên bán phải giao nhà) tôi cũng như nhiều hộ dân mua nhà ở đây vẫn chưa được nhận căn hộ. Họ hẹn lần hẹn lữa hoài. Không có nhà nên đành phải đi thuê nhà tốn 2,2 triệu đồng/tháng để chờ giao căn hộ đã mua”.

Trong hợp đồng có nói, nếu chậm trễ giao căn hộ thì bên bán phải bồi thường thiệt hại, nhưng Công ty Vincoland chỉ hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà 3,6 triệu đồng cho mỗi người đã mua căn hộ mà chưa được bàn giao. Chị Hương, người mua một căn hộ ở tầng 1, khu B của Công ty Vincoland than thở: “Hai vợ chồng đều là cán bộ, công chức nên dành dụm cũng không đủ tiền, phải đi vay ngân hàng. Lãi suất trong 8 tháng qua cũng đã hơn 40 triệu đồng mà chỉ được hỗ trợ có 3,6 triệu đồng, còn nhà không biết khi nào mới được giao. Hiện giờ vẫn phải ở nhờ nhà người quen”.

Cùng với việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhiều năm qua, TP Đà Nẵng cũng tập trung đầu tư xây dựng chung cư cho công nhân đang làm việc tại những khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn. Và cũng không khả quan gì hơn chương trình nhà ở xã hội, những công trình nhà chung cư cho công nhân cũng rơi vào tình trạng “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Từ năm 2002, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt đầu tư xây dựng Cụm chung cư khu công nghiệp Hòa Khánh nằm trong dự án xây dựng Khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh. Cụm chung cư gồm 3 khu nhà chung cư 5 tầng dành cho người thu nhập thấp và cán bộ, công nhân, với gần 600 căn hộ, được chính thức khởi công xây dựng từ tháng 5-2004 do Xí nghiệp Xây dựng cơ sở hạ tầng Đà Nẵng (thuộc Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng Đà Nẵng) thi công, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2005. Thế nhưng, đến tháng 3-2006, đang thi công dang dở thì Xí nghiệp Xây dựng cơ sở hạ tầng Đà Nẵng có tờ trình xin UBND TP không tiếp tục thi công. Lý do nhà thầu bị lỗ vì các loại nguyên, vật liệu trượt giá mạnh... so với dự toán ban đầu. Sau đó, công trình được giao lại cho Công ty CP Đầu tư xây dựng Hưng Phú tiếp tục triển khai xây dựng theo chủ trương xây dựng nhà ở xã hội của Chính phủ. Thế nhưng, công trình lại ngừng thi công từ cuối năm 2011 đến nay.

Phải có chế tài

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, tính đến nay có gần 16.000 căn hộ thuộc diện nhà thu nhập thấp đang được triển khai trên địa bàn thành phố. Trong đó, gần 5.000 căn được đầu tư tại khu vực Vũng Thùng (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), khu Phong Bắc (quận Cẩm Lệ) và khu Nguyễn Tri Phương (quận Hải Châu). Sự chậm trễ bàn giao nhà thu nhập thấp cho người dân sau khi đã ký hợp đồng mua bán không chỉ có ở Công ty Vincoland mà còn ở một số đơn vị khác. Nguyên nhân đưa ra chủ yếu vẫn do thiếu vốn. Từ năm 2009, UBND TP Đà Nẵng đã triển khai đề án xây dựng 7.000 căn hộ chung cư cho người thu nhập thấp và giao đất cho một số đơn vị làm chủ đầu tư. Đây là chủ trương rất nhân văn của thành phố để giải quyết vấn đề nhà ở, thực hiện chương trình “thành phố 3 có”. Tuy nhiên, cho đến nay nhiều dự án vẫn chậm tiến độ, gây bức xúc cho những người đã ký hợp đồng, giao tiền cho chủ đầu tư.

Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở GTVT, Chủ tịch Hội Xây dựng TP Đà Nẵng, cho rằng: Phải xem tiến độ là pháp lệnh cần tôn trọng và thực hiện; có chính sách thưởng, phạt phân minh đối với các công trình vượt tiến độ và chậm tiến độ. Muốn vậy, cần có chế tài cụ thể đối với chủ đầu tư, nhà thầu thi công.

Theo SGGP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.