Một điểm sạt lở đe dọa tài sản của người dân. Ảnh: Bắc Bình
Theo người dân địa phương, tình trạng trên là hệ quả của việc nạo vét lòng kênh rạch thuộc dự án “Cơ sở hạ tầng khu du lịch cù lao Thới Sơn” của UBND TP.Mỹ Tho gây ra.
Bà La Thị Sinh (65 tuổi, ngụ ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn) bức xúc cho biết, nhà bà chỉ có hơn 300 m2 đất. Từ khi có việc nạo vét rạch Bà Ngoạn, đất của bà bị sạt lở xuống rạch hết mấy chục mét vuông và căn nhà cũng sắp sụp tới nơi. Con đường nằm ven rạch dẫn vào nhà bà cũng bị lở nhiều điểm. Việc nạo vét kênh rạch để làm du lịch đã làm đảo lộn cuộc sống gia đình bà.
Ven rạch Bà Ngoạn, hàng chục hộ dân khác cũng trong tình cảnh tương tự. Để hạn chế sạt lở, nhiều hộ dân tự dùng các giải pháp thô sơ như tấn bao cát, đóng cừ bằng gỗ tạp hoặc bụp dừa nước… ngăn dòng chảy lúc triều cường dâng cao. Thế nhưng, khi nước ròng còn khoảng nửa rạch thì dòng chảy trở nên rất mạnh và hiện tượng sạt lở tự nhiên lại diễn ra không có gì ngăn cản được.
“Nếu tình hình kéo dài thế này, chắc chúng tôi phải bỏ nhà đi nơi khác sinh sống. Chỉ có 3 tháng qua mà tôi đã mất hơn 200 m2 đất rồi, nhà tắm cũng vào miệng “hà bá”, căn nhà chính gia đình tôi đang ở cũng sạt tới nơi rồi”, ông Nguyễn Văn Sơn (58 tuổi) kêu cứu.
Các hộ dân bị ảnh hưởng mong muốn đơn vị chủ đầu tư sớm có biện pháp khắc phục triệt để vấn đề này để trả lại hiện trạng cuộc sống an toàn cho họ như trước, chứ không yêu cầu bồi thường. Bởi thực tế việc nạo vét lòng rạch Bà Ngoạn và rạch Vàm Xoàn đã giúp nghề chèo xuồng đưa rước khách du lịch thưởng ngoạn sông nước ở đây thuận lợi hơn.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Lê Kim Phương, Trưởng ban Quản lý các dự án xây dựng TP.Mỹ Tho (đại diện chủ đầu tư), cho biết sau khi phối hợp với chính quyền xã Thới Sơn khảo sát thực địa thì xác định hiện có 6 điểm sạt lở khá nghiêm trọng. Hệ quả của việc này là gây ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống của một số hộ dân ven hai bên dòng rạch.
“Do là công trình nhỏ (tổng vốn đầu tư hơn 10,87 tỉ đồng), không khoan khảo sát địa chất trong quá trình thiết kế thi công nên không đánh giá được sự ổn định của nền đất cát phù sa. Vì vậy, quá trình thi công đã bóc dỡ lớp cát phù sa; dòng chảy trên rạch sau khi thi công cũng chảy xiết hơn do 2 dòng rạch đã thông thoáng, không còn độ dốc như trước kia. Những nguyên nhân đó đã gây sạt lở”, ông Phương nói.
Về hướng khắc phục, ông Phương cho biết hiện đơn vị đã dùng chi phí dự phòng của dự án khắc phục xong tại 2 điểm sạt lở. “Để khắc phục tại 4 điểm sạt lở còn lại, chúng tôi đã liên hệ đơn vị chức năng như tư vấn thiết kế để tìm giải pháp phù hợp nhất. Đây là vấn đề bức xúc ảnh hướng đến đời sống của người dân nên vốn đầu tư hoàn toàn có thể được phân bổ sớm”, ông Phương nói.