Vì quyết định hành chính ban hành không đúng chủ thể vi phạm nên xã chậm xử lý công trình xây không phép.

Thông tin đến Pháp Luật TP.HCM, ông LTT ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM phản ánh hơn hai năm nay ông phát hiện những công trình xây dựng không phép tại khu đất ở ấp 6, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM và đã báo cho chính quyền địa phương để xử lý. Tuy nhiên, qua nhiều lần gửi đơn trình báo nhưng những công trình xây dựng không phép vẫn còn tồn tại cho đến nay.

Những căn nhà xây trên đất nông nghiệp

Theo ông T., năm 2004 mẹ của ông được UBND huyện Bình Chánh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hộ gia đình, diện tích hơn 5.000 m2 với mục đích sử dụng là đất nông nghiệp.

Năm 2010, mẹ ông bán 1.000 m2 cho ông D. bằng giấy tay. Sau đó, ông D. đã phân lô bán từng nền cho khoảng 10 người khác để xây nhà.

Năm 2019, ông T. phát hiện khu đất nhà mình lại mọc lên những công trình xây không phép nên đã báo lên UBND xã để giải quyết.

Đồng thời, ông đã nộp đơn đến TAND huyện Bình Chánh yêu cầu hủy hợp đồng mua bán 1.000 m2 bằng giấy tay giữa mẹ ông và ông D.

“Từ năm 2019, khi phát hiện những công trình xây dựng không phép trên khu đất gia đình tôi, tôi đã báo lên xã để cưỡng chế. Thế nhưng xã chỉ xuống kiểm tra và ra thông báo cưỡng chế nhưng hơn hai năm nay không thấy thực hiện. Việc xây dựng không phép đáng lý ra xã phải có trách nhiệm kiểm tra và khi phát hiện thì xử lý ngay chứ không thể để hết công trình này đến công trình khác mọc lên được. Hơn nữa, những công trình xây không phép không phải ở nơi xa xôi, hẻo lánh, khó phát hiện mà nó tồn tại cách xã chỉ khoảng 1 km” - ông T. bức xúc.

Xã hứa kiên quyết xử lý công trình không phép

Theo ghi nhận của PV thì tại khu đất trên hiện tồn tại khoảng chín căn nhà. Một số căn nhà ở đây được xây dựng khá kiên cố và có nhiều người dân đang sinh sống. Hỏi một vài người đang sinh sống tại những căn nhà được xây không phép thì đa số họ là những người thuê nhà để ở và làm cơ sở sản xuất.

Ông A., một người dân sống trong dãy nhà xây dựng không phép ở tổ 15 ấp 6, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, cho biết: “Năm 2013 tôi mua căn nhà này của một người chủ cũ. Khi mua căn nhà đã được xây dựng hoàn thiện và chủ nhà đang ở. Trước đây có mấy lần xã mời các hộ dân ở đây lên để thông báo tình hình xây dựng không phép. Sau đó, tôi có hỏi lại những người sống xung quanh thì nghe bảo đã được giải quyết xong rồi nên chúng tôi yên tâm tiếp tục sinh sống.

Nếu việc xây dựng không phép trước đây của những chủ trước thì những người ấy phải chịu trách nhiệm chứ những người mua sau như chúng tôi thì làm sao chịu được”.

Trao đổi với PV, một đại diện UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh cho biết: Các công trình xây dựng vi phạm mà ông T. phản ánh có vị trí thuộc một phần thửa 602, tờ bản đồ số 11 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà Vũ Đức Vầy là mẹ của ông T. Năm 2010, bà Vầy bán bằng giấy tay diện tích 1.000 m2.

Hiện nay, khu đất trên đang phát sinh tranh chấp hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất theo thông báo thụ lý vụ án số 505 ngày 17- 7-2019 của TAND huyện Bình Chánh giữa ông T. với ông D. là người mua đất của bà Vầy.

Dân báo nhà xây không phép, xã chậm xử lý - ảnh 1

Khu nhà xây dựng không phép ở tổ 15, ấp 6, xã Vĩnh Lộc A. Ảnh: Nguyễn Hiền

Ngày 26-9-2019, UBND xã Vĩnh Lộc A đã lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với bà Vầy vì xây dựng công trình không phép trên phần diện tích mà bà đã bán bằng giấy tay.

Ngày 7-11-2019, UBND xã có phiếu chuyển gửi Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh về việc khảo sát lên phương án tháo dỡ công trình vi phạm.

Tuy nhiên, đến ngày 1-10-2019, UBND xã Vĩnh Lộc A xác minh cho thấy bà Vầy đã bán bằng giấy tay phần đất trên cho ông D., khi bán chỉ là đất trống, nghĩa là bà không phải là chủ thể xây dựng không phép.

Ngày 19-5-2020, Phòng Tư pháp huyện có công văn kiến nghị thường trực UBND huyện chỉ đạo UBND xã Vĩnh Lộc A kiểm tra, xác minh lại chủ thể vi phạm theo đúng nguyên tắc Luật Xử lý vi phạm hành chính liên quan đến khu đất trên.

Tìm hiểu thêm, UBND xã Vĩnh Lộc A ghi nhận ông D. không trực tiếp ký giấy mua bán cho các hộ dân mà giấy mua bán do bà Vầy đứng tên chuyển nhượng bằng giấy tay.

“Trong trường hợp này, do các quyết định hành chính ban hành không đúng chủ thể vi phạm, cần thu hồi và ban hành các quyết định thay thế. Vì thế, UBND xã đang thực hiện các bước để có cơ sở xử lý các công trình tại tổ 15, ấp 6, xã Vĩnh Lộc A đúng theo quy định pháp luật.

Quan điểm của xã là sẽ kiên quyết xử lý những công trình xây dựng không phép để lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn xã” - đại diện UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh cho biết.•

Sổ tay

Những hệ lụy sau 10 năm tồn tại nhà xây không phép

Điều 6 Luật Đất đai quy định về nguyên tắc sử dụng đất là phải sử dụng đất đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất. Tức đất nông nghiệp chỉ được sử dụng với mục đích sản xuất nông nghiệp chứ không thể xây dựng nhà ở.

Việc giám sát, xử lý, ngăn chặn tình trạng sử dụng sai mục đích sử dụng đất thì trách nhiệm đầu tiên là của chính quyền địa phương cấp xã. Thực tế cho thấy có những công trình xây dựng chỉ cần người dân chở vài xe cát, đá thì đã có cán bộ địa phương xuống kiểm tra ngay.

Vậy nên điều khó hiểu là trường hợp dãy nhà không phép ở xã Vĩnh Lộc A lại không được phát hiện, xử lý ngay từ đầu. Điều đáng nói, khu vực này chẳng phải ở nơi xa xôi khiến cán bộ xã khó giám sát mà nơi đây chỉ cách UBND xã hơn 1 km.

Liên quan đến những dãy nhà xây không phép mà ông T. phản ánh, ngày 5-5-2020, UBND xã Vĩnh Lộc A đã có báo cáo gửi cho các cơ quan, ban, ngành. Báo cáo cho thấy đã có bảy căn nhà được xây dựng với nhiều thời điểm khác nhau. Trong đó, có những căn nhà được xây dựng từ năm 2011 và có một số căn xây từ cuối năm 2018. Như vậy, có thể thấy hành vi vi phạm về trật tự xây dựng tại khu vực này tiếp diễn trong thời gian dài (10 năm nay) nhưng không được xử lý.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nơi đây đã có rất nhiều người dân đang sinh sống. Có những hộ đã sinh sống gần chục năm, con cái của họ học hành ổn định nơi đây. Có những nhà đã bán qua nhiều đời chủ. Cũng bởi việc chậm xử lý mà nhiều người dân nghĩ sai rằng nhiều người mua nhà ở đó lâu năm chẳng bị sao, tài sản họ bỏ ra mua thì đó mãi là của họ… Nếu sau này việc xử lý vi phạm được thực hiện thì những người đang sinh sống nơi đây sẽ đi đâu, về đâu khi đã bỏ ra số tiền bằng cả gia tài để mua mà bị cưỡng chế, mất trắng? Nhưng luật pháp đâu thể chỉ để tồn tại trên giấy.

Những sai phạm về xây dựng không phép và chậm xử lý chắc chắn sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về sau.

Nguyễn Hiền

Võ Hà (Pháp Luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.