Công ty quản lý tài sản hàng đầu Trung Quốc Zhongzhi Enterprise Group vừa nộp đơn xin phá sản sau khi không thể hoàn trả các khoản nợ hiện tại.

Thông báo hôm 5/1 của một tòa án tại Bắc Kinh cho biết Zhongzhi nộp đơn trên cơ sở không thể thanh toán nợ đáo hạn và tài sản cũng không đủ để trả tất cả khoản nợ. Tòa án này đã chấp thuận đơn xin phá sản của Zhongzhi, theo luật phá sản doanh nghiệp Trung Quốc.

Lo ngại về tài chính của hãng này bùng lên từ tháng 8/2023, khi Zhongrong International Trust - một quỹ họ kiểm soát - lỡ hạn thanh toán cho nhà đầu tư tổ chức. Zhongzhi Enterprise Group (ZEG) sau đó đã xin lỗi nhà đầu tư. Họ cho biết kể từ khi nhà sáng lập qua đời năm 2021 và nhiều lãnh đạo cấp cao sau đó từ chức, ZEG vẫn vật lộn với việc quản trị nội bộ "kém hiệu quả".

Bên ngoài văn phòng của Zhongzhi Enterprise Group tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Việc kinh doanh của Zhongzhi chủ yếu liên quan đến lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Vì vậy, thông tin trên đang làm dấy lên lo ngại cuộc khủng hoảng địa ốc sẽ lan sang lĩnh vực ngân hàng ngầm có quy mô 3.000 tỷ USD tại Trung Quốc.

Ngân hàng ngầm được định nghĩa là các hoạt động tín dụng ngoài nhà băng. Hình thức này rất phổ biến tại Trung Quốc. Các công ty quản lý tài sản như Zhongzhi không phải tuân thủ nhiều quy định như ngân hàng thương mại. Họ huy động tiền từ việc bán các sản phẩm quản lý tài sản cho nhà đầu tư, sau đó dùng số tiền này đổ vào bất động sản và nhiều lĩnh vực khác.

Giới chuyên gia cho biết nhà đầu tư của các quỹ này thường là tầng lớp trung lưu. Vì thế, việc vỡ nợ, hoặc lo ngại vỡ nợ nổi lên khi bị chậm thanh toán có thể kéo tụt niềm tin tiêu dùng. Trong thư gửi nhà đầu tư hôm 22/11, Zhongzhi cũng cho biết họ đang "mất khả năng thanh toán nghiêm trọng" với số nợ 420-460 tỷ nhân dân tệ (58-64 tỷ USD).

Cảnh sát Bắc Kinh - nơi công ty này đặt trụ sở - gần đây đã mở cuộc điều tra các hành vi bị nghi ngờ là phạm pháp của Zhongzhi. Cảnh sát cho biết đang điều tra nhiều cá nhân liên quan đến doanh nghiệp này.

Hồi tháng 8/2023, Zhongzhi cũng tiết lộ đang đối mặt với khủng hoảng thanh khoản và sẽ thực hiện tái cấu trúc nợ. Công ty này nói rằng phá sản là một trong các lựa chọn họ cân nhắc.

Trên Reuters, Ying Yue - một luật sư tại hãng luật Leaqual cho biết việc nộp đơn xin phá sản để giúp họ đẩy nhanh quá trình thanh lý tài sản. Tuy nhiên, quy trình của tòa án có thể chậm và nhà đầu tư nhiều khả năng chỉ được nhận khoảng 30% số tiền, dựa theo các vụ phá sản trước.

Hà Thu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.