Hãng bất động sản lớn nhất Trung Quốc - China Vanke đã đặt chân vào thị trường Mỹ với thỏa thuận đầu tư vào khu phức hợp chung cư cao cấp 201 Folsom tại San Francisco. Đây là dự án của công ty địa ốc Tishman Speyer Properties (Mỹ).
Quy mô đầu tư không được hãng tiết lộ. Giá trị của nó có lẽ tương đối nhỏ do Vanke chỉ thông báo trên blog của Chủ tịch thay vì công bố trên sàn giao dịch chứng khoán.
China Vanke hiện là hãng bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: Morning Whistle
Tuy nhiên, thỏa thuận này lại có tầm quan trọng đặc biệt do đây là bước tiến đầu tiên của một công ty bất động sản lớn ở Trung Quốc vào Mỹ. Trong bối cảnh Bắc Kinh hạn chế mua nhà tại thành phố lớn, còn các thành phố nhỏ hơn cũng đang bị xây dựng quá mức, nhiều công ty Trung Quốc đã phải tìm đường ra nước ngoài để duy trì việc kinh doanh.
Wang Shi, Chủ tịch Vanke cho biết: "Thật là vô ích nếu khuyên các công ty Trung Quốc tập trung vào thị trường nội địa. Một doanh nghiệp của thế kỷ 21 sẽ phải có tầm nhìn toàn cầu". Trước đó, ông Wang cũng từng cho biết Vanke muốn tấn công thị trường nước ngoài, đặc biệt là các nước có cộng đồng người Hoa đông đúc và biết đến tên tuổi của họ. Giá trị thị trường của Vanke hiện vào khoảng 130 tỷ NDT (21 tỷ USD).
Trước China Vanke, một hãng bất động sản khác của Trung Quốc là Xinyuan Real Estate đã đặt chân đến Mỹ khi mua khu đất trị giá 54 triệu USD tại New York. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) cũng cấp khoản vay 1,7 tỷ USD cho Lennar, một trong những tập đoàn địa ốc lớn nhất nước Mỹ, để thực hiện hai dự án ở San Francisco.
Theo thông báo của nhà phân tích tại Credit Suisse - Du Jinsong, Vanke nắm 70% cổ phần trong dự án tại San Francisco, còn lại là Tishman Speyer. Hợp đồng đã được ký tuần trước. Tuy nhiên, họ vẫn cần sự cho phép của Chính phủ Trung Quốc để chuyển tiền ra nước ngoài. Du cho biết: "Vẫn còn quá sớm để kết luận ảnh hưởng của việc này với tham vọng toàn cầu của Vanke. Tuy nhiên, trong tình hình bất động sản hiện nay của Trung Quốc, chúng tôi cho rằng đây sẽ là một trải nghiệm hữu ích để Vanke tìm ra động cơ phát triển trong dài hạn".
Tháng trước, Vanke đã thông báo kế hoạch chuyển một phần cổ phiếu niêm yết tại Trung Quốc sang Hong Kong (Trung Quốc). Ngoài việc làm tăng giá trị thị trường, sự hiện diện của hãng tại Hong Kong cũng khiến Vanke dễ dàng huy động vốn cho các thương vụ thâu tóm quốc tế.