03/06/2018 3:19 PM
CafeLand - Từ năm 2017 đến nay, thị trường bất động sản chứng kiến nhiều công ty xin lập các dự án bất động sản có quy mô từ vài chục đến hàng nghìn hécta tại khắp các tỉnh thành trên cả nước. Không chỉ ở các tỉnh thành lớn, nhiều nhà đầu tư còn có tham vọng tiến ra các thành phố ven biển và cả các địa phương như Long An, Cần Thơ, Phú Quốc để làm khu đô thị, resort.

Siêu đô thị có diện tích lên tới 15.000 ha tại Củ Chi do Tuần Châu đề xuất ý tưởng

Một trong những doanh nghiệp được nhắc đến nhiều nhất thời gian gần đây là FLC, tập đoàn đã đề xuất các dự án quy mô “khủng”. Cụ thể, tập đoàn này đã đăng ký đầu tư dự án khu đô thị nghỉ dưỡng sinh thái và sân golf FLC Bình Thuận 1 với quy mô 300ha đất tại xã Tân Thắng, huyện Hàm Tâm. Trước đó, doanh nghiệp này cũng đề xuất thực hiện nhiều dự án lớn trên địa bàn các quận Cái Răng, Ninh Kiều và huyện Phong Điền thuộc thành phố Cần Thơ. Tổng quy mô của 3 dự án này lên đến 1.710ha.

Tại Quảng Ngãi, FLC cũng đề xuất đầu tư dự án FLC Bình Châu – Lý Sơn, trải dài trên địa bàn các xã ven biển Bình Châu, Bình Phú, Bình Hòa, Bình Hải (huyện Bình Sơn), kết hợp với 20 ha thuộc địa phận đảo Lý Sơn và đảo An Bình để tạo thành phức hợp du lịch nghỉ dưỡng có quy mô 3.890 ha. Dự án gồm các hạng mục sân golf, khách sạn, hội nghị quốc tế, trung tâm thương mại, biệt thự nghỉ dưỡng...

Đáng chú ý, đề xuất dự án này gặp phải nhiều ý kiến phản đối của dư luận khi có nhiều ý kiến cho rằng chủ trương cấp gần 4.000 ha đất ven biển, đảo cho nhà đầu tư là quá lớn. Việc đầu tư quần thể dự án cũng gây lo ngại sẽ phá vỡ cảnh quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, di sản địa chất núi lửa...

Không chỉ có dự án “khủng” ở tỉnh Quảng Ngãi, FLC của đại gia Trịnh Văn Quyết còn thực hiện dự án FLC Quảng Bình trên diện tích hơn 1.923 ha tại địa phận 2 xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) và Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy). FLC Quảng Bình đã được chấp thuận chủ trương đầu tư vào đầu năm 2016. Đến cuối tháng 4/2016, dự án được chính thức khởi công và thi công cho đến nay.

Cũng tại Miền Trung, sau FLC Quy Nhơn quy mô 1.300 ha đi vào hoạt động, mới đây FLC Faros Bình Định(công ty con của FLC) đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự sinh thái FLC Cù Lao Xanh tại xã Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn. Dự án có diện tích quy hoạch sử dụng đất toàn khu hơn 99,4ha.

Không chỉ ở các tỉnh nói trên, cái tên FLC còn xuất hiện ở nhiều khu vực khác trên khắp cả nước, từ Phú Quốc đến Đà Nẵng, Thanh Hóa, Quảng Trị đến Hải Phòng và Vĩnh Phúc.

Không chỉ có FLC, đại gia bất động sản phía bắc là Tuần Châu cũng liên tục đề xuất đầu tư các dự án hoành tráng. Mới đây, doanh nghiệp này tiết lộ kế hoạch xin chủ trương đầu tư khu du lịch cao cấp Marina City Vũng Tàu. Theo đó, tổng diện tích nghiên cứu rộng khoảng 500 ha gồm hai khu vực, trong đó có khu ven biển từ bến tàu cánh ngầm đến khu resort Sao Mai với diện tích 345ha.

Trước đó vào năm 2017, Tuần Châu đã đề xuất triển khai “siêu đô thị” có diện tích lên tới 15.000 ha tại Củ Chi, TP.HCM. Để xuất này khiến nhiều người “choáng”, nhất là khi dự án nhỏ hơn rất nhiều của Tập đoàn Tuần Châu ở Hà Nội cả chục năm nay vẫn “đắp chiếu”. Ngay sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có công văn phúc đáp, khẳng định nhiều chi tiết trong đề xuất của chủ đầu tư là phi thực tế và trái với các quy định của luật. Đơn cử như việc thực hiện theo hình thức BT và đổi diện tích đất tương đương 5% diện tích TP.HCM là khó khả thi.

Một tên tuổi bí ẩn trong làng địa ốc là Vạn Thịnh Phát cũng nổi tiếng khi nắm trong tay nhiều dự án. Bộ sưu tập dự án của Vạn Thịnh Phát có thể kể đến như 16/19 dự án ở Cần Giuộc (Long An) đã được UBND tỉnh thống nhất về chủ trương đầu tư. Hay 118 ha thuộc dự án Mũi Đèn Đỏ tại quận 7, TP.HCM. Từ năm 2014 đến nay, Vạn Thịnh Phát liên tục thực hiện nhiều thương vụ để gom quỹ đất. Tuy nhiên, hầu hết các dự án này đều không thấy triển khai.

Trên thực tế, việc chủ đầu tư tranh thủ ôm quỹ đất bằng nhiều cách cho thấy cái nhìn lâu dài của nhiều doanh nghiệp. Lợi thế quỹ đất cũng thể hiện sức mạnh cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành bất động sản. Tuy nhiên, trong lịch sử cũng đã có không ít trường hợp xin dự án khủng rồi đất để trống dẫn đến bị thu hồi. Trong khi đó, năng lực nhiều nhà đầu tư lại có hạn, nên nếu không quản lý đầu tư chặt chẽ, thì không tránh khỏi nguy cơ ồ ạt xin dự án rồi chuyển nhượng lại để kiếm lời.

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, trên địa bàn thành phố có nhiều dự án nhà ở sau khi có được pháp lý chủ đầu tư không triển khai thực hiện dự án theo quy định, mà chuyển nhượng.

Toàn thành phố hiện có khoảng 500 dự án trong tình trạng này, trong đó huyện Nhà Bè nhiều nhất với 85 dự án.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.