Thế nhưng, trên thực tế không phải chủ đầu tư nào cũng thực hiện quy định này.
Cư dân căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả sổ hồng
Bức xúc vì bỏ ra tiền tỷ để mua chỗ an cư nhưng sau nhiều năm, pháp lý căn nhà vẫn chỉ là “Hợp đồng mua bán căn hộ”, cư dân tại các dự án đã tìm đủ cách để đấu tranh đòi quyền lợi cho mình. Tháng 10 vừa qua, cư dân tại tổ hợp chung cư HH Linh Đàm (Hà Nội) đã treo băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả sổ hồng.
Mòn mỏi chờ sổ hồng
Theo phản ánh của người dân, họ đã dọn về chung cư ở gần 5 năm nhưng đến nay vẫn chưa được bàn giao giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ. Một trong những lý do là vì HH Linh Đàm chỉ được cấp phép xây dựng 27 tầng, nhưng chủ đầu tư đã xây từ 36 – 41 tầng, vượt quá nhiều so với quy hoạch được phê duyệt.
“Cực chẳng đã chúng tôi mới phải căng băng rôn đòi quyền lợi như vậy. Chủ đầu tư đã có văn bản cam kết quý 4/2019 sẽ bàn giao sổ hồng nhưng đến giờ vẫn chưa có động tĩnh gì” – một cư dân tòa nhà HH1A cho biết.
Trước đó, hàng trăm cư dân tại chung cư Star City Lê Văn Lương cũng đã nhiều lần xuống đường để phản đối chủ đầu tư do không thực hiện đúng cam kết cấp sổ hồng. Hay tại chung cư Westa (Hà Đông), nhiều cư dân cũng “kêu trời” vì nhận bàn giao nhà từ năm 2014 mà đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Đáng nói là sau nhiều lần đi đòi quyền lợi nhưng chủ đầu tư chỉ hứa lên hẹn xuống rồi im bặt, nhiều cư dân quá mệt mỏi nên đành buông xuôi. “Tôi bây giờ chấp nhận cảnh sống tạm bợ chứ không mong sổ hồng nữa rồi, coi như mình bỏ chừng ấy tiền ra thuê một căn nhà để ở” – chị N., cư dân sống tại một chung cư trên địa bàn Hà Nội chia sẻ.
Thống kê đất đai mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, trên địa bàn Hà Nội còn 23.393 căn chung cư và 867 căn thuộc dự án nhà ở tái định cư chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Tại TP.HCM, số trường hợp tồn đọng chưa được cấp sổ hồng cũng lên tới 15.000 căn.
Lý do “om” sổ hồng có thể là chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng (xây vượt tầng, phá vỡ quy hoạch, sai thiết kế…) hoặc đang cầm cố dự án tại ngân hàng. Việc chậm cấp sổ hồng khiến quyền lợi của cư dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi trên danh nghĩa là có nhà nhưng không có giấy tờ chứng minh sở hữu.
Cư dân muốn vay tiền, thế chấp ngân hàng để kinh doanh thì không có cơ sở pháp lý, muốn thay đổi chỗ ở cũng khó vì thủ tục chuyển nhượng phức tạp, mất thời gian.
Tăng mức xử phạt
Nghị định 912019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nêu rõ, nếu chủ đầu tư nhà chung cư chậm làm sổ hồng cho cư dân có thể bị phạt lên tới 1 tỷ đồng.
Cụ thể, chậm từ 50 ngày đến 6 tháng sẽ bị xử phạt từ 10 - 100 triệu đồng; từ 6 - 9 tháng sẽ bị xử phạt từ 30 - 300 triệu đồng; từ 9 - 12 tháng sẽ bị xử phạt từ 50 - 500 triệu đồng; từ 12 tháng trở lên sẽ bị xử phạt từ 100 triệu - 1 tỷ đồng với những vi phạm từ 30 - 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất.
Mức phạt này cao hơn gấp 3 lần mức phạt với hành vi tương tự được quy định trước đó tối đa 300 triệu đồng (theo nghị định 139 năm 2014). Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng các chủ đầu tư có thể thế chấp dự án, vay tiền để đầu tư chỗ khác sinh lãi hàng trăm tỷ đồng, vậy họ ngại gì nộp phạt 1 tỷ đồng để tiếp tục chậm làm thủ tục. Khi đó, việc tăng mức xử phạt chưa chắc ngăn chặn được tình trạng chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp sổ hồng cho khách hàng.
“Việc ấn định mức phạt cao không làm cho chủ đầu tư có trách nhiệm hơn. Bằng chứng là nhiều chủ đầu tư đã bị phạt xây trái phép lên đến cả tỷ đồng nhưng công trình xây trái phép vẫn không giảm. Vì thế, cần phải kèm thêm những chế tài khác” - ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng ban quản trị chung cư Khang Gia Tân Hương, TP.HCM cho biết.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw thừa nhận, cho đến nay số lượng chủ đầu tư bị phạt vẫn rất ít. Cư dân có đòi được nhà, có đòi được sổ hồng hay không, phần lớn vẫn do họ tự đấu tranh, biểu tình, gửi thư khiếu nại đến các cấp chính quyền, chủ đầu tư vì vậy mà mới sợ chấp nhận bàn giao lại những gì thuộc quyền sở hữu của cư dân.
"Điều cần thiết đặt ra lúc này đó là khoản ký quỹ của chủ đầu tư nên được quy định cao hơn nữa, mức xử phạt của pháp luật cần được nâng lên để đảm bảo tính khả thi. Bên cạnh đó, sự kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng có lẽ nên thắt chặt hơn nữa và thậm chí phải có sự giám sát từ chính cư dân về việc chủ đầu tư có thực hiện đúng giấy phép xây dựng hay không" - Luật sư Hà đề xuất.
Cũng theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, để đảm bảo quyền lợi cho mình người dân phải tìm hiểu thật kỹ trước khi mua căn hộ để tránh dính vào những dự án sai phạm. Trong trường hợp dự án vi phạm, chủ đầu tư “treo” sổ hồng, người dân có thể khởi kiện.
-
Nghịch lý người mua nhà lại “chây ì” làm sổ hồng
Chủ đầu tư, vốn là đối tượng bị người mua nhà hối thúc nhanh chóng thực hiện đủ các nghĩa vụ tài chính để sớm hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng căn hộ thì nay lại phải đi “giục ngược” lại người mua....
-
Mua chung cư, sau bao lâu chủ đầu tư phải xin cấp sổ hồng cho cư dân?
Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị cấp sổ hồng chung cư cho người mua. Vậy, quy định cụ thể như thế nào? Sau bao lâu thì chủ đầu tư phải xin cấp sổ hồng cho cư dân?...
-
Từ năm 2022, phạt nặng chủ đầu tư không chịu bảo hành căn hộ chung cư?
Tôi nghe nói, kể từ năm 2022 nếu chủ đầu tư không thực hiện sửa chữa căn hộ chung cư bị hư hỏng trong thời gian còn được bảo hành sẽ bị phạt rất nặng.