Khách hàng bị “thòng” bằng phụ lục hợp đồng
Các khách hàng mua nhà tại dự án Dương Nội do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư đã nhiều lần có đơn kiến nghị và tập trung căng băng-rôn phản đối việc chủ đầu tư vi phạm hàng loạt quy định như: bàn giao căn hộ khi chưa đủ điều kiện, ép nhận nhà… nhưng nổi cộm hơn cả là phản đối cách tính cả hộp chịu lực, kỹ thuật… vào diện tích căn hộ để bán.
Về tính diện tích hộp kỹ thuật vào căn hộ, một khách hàng cho biết, trong căn hộ của anh có tới 3 cột chịu lực của tòa nhà, tổng diện tích vào khoảng 4m2 bị tính vào diện tích căn hộ, nên bị “trả oan” gần 100 triệu đồng cho phần diện tích này.
Do đó, khách hàng cho rằng việc trả tiền cho phần diện tích chung theo quy định trong Luật Nhà ở là cột và hộp kỹ thuật mà mình không được sử dụng là vô lý. Nếu trong trường hợp nào đó, chủ căn hộ chung cư được cấp quyền sở hữu căn hộ bao gồm cả cột, hộp kỹ thuật của tòa nhà chung cư thì họ có thể khoan, đục đẽo,…làm mất an toàn tòa nhà. Còn nếu được cấp sở hữu riêng với cột và hộp kỹ thuật song bị cấm quyền định đoạt và sử dụng thì lại vi phạm pháp luật về quyền sở hữu.
Phía chủ đầu tư thì cho rằng: Cách tính đã thể hiện rõ tại Phụ lục số 2 kèm theo hợp đồng. Theo đó, cách tính là tính từ tim tường và có kích thước cụ thể. Cách tính này phù hợp với Điều 21 của Thông tư 16/2010/TT-BXD ngày 1/9/2010 của Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Infonet, hợp đồng của khách hàng mua nhà tại dự án khu đô thị Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường lại gồm 2 loại: 1 loại có thêm phụ lục 2 ghi rõ cách tính diện tích theo tim tường thì không có chữ ký nháy của người mua nhà ở cuối phụ lục; và 1 loại hợp đồng không ghi rõ "tính theo tim tường" thì có chữ ký của người mua nhà tại cuối phụ lục.
Nhiều lần khách hàng phản đối về cách tính diện tích của chủ đầu tư Nam Cường nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết rõ ràng.
Tại biên bản làm việc giữa chủ đầu tư và cư dân gần đây nhất vào ngày 5/12, đại diện Tập đoàn Nam Cường trả lời: Phương pháp tính diện tích có 2 cách tính theo thông thủy và tim tường. Nam Cường thực hiện đúng theo hợp đồng là tim tường.
“Với hợp đồng không ghi rõ cách tính tim tường, phía đại diện chủ đầu tư thừa nhận do lỗi kỹ thuật của bộ phận hợp đồng, sẽ chịu trách nhiệm và làm việc riêng để thảo luận cho thấu tình đạt lý”, ông Nguyễn Sỹ Hoàn, Chánh Văn phòng Tập đoàn Nam Cường nói.
Với hợp đồng ghi rõ cách tính theo tim tường, đại diện Tập đoàn Nam Cường cho rằng: đóng dấu giáp lai là hợp pháp, còn việc có ký nháy hay không là quyền của khách hàng. Nếu có thắc mắc thì phải thắc mắc ngay sau khi nhận được hợp đồng.
Tuy nhiên, theo phản ánh của khách hàng mua nhà, Cư dân được thông báo đến ký hợp đồng trước (chuyển cho Nam Cường ký sau) và tại thời điểm ký hợp đồng họ không nhận được Phụ lục, nên không thể ký nháy vào Phụ lục khi mà họ chỉ được nhận sau vài ngày. Thậm chí, đến dấu giáp lai giữa các trang của hợp đồng và phụ lục cũng không khớp nhau. Những điều này khiến khách hàng nghi vấn về phụ lục 2 đi kèm này.
“Hợp đồng thể hiện rõ cách tính thông thủy”
Qua nghiên cứu hợp đồng mua bán nhà của khách hàng với Tập đoàn Nam Cường, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích: Tại điều 11.1 của hợp đồng quy định rõ: “Bên mua được quyền sở hữu riêng đối với diện tích sàn căn hộ quy định tại Hợp đồng và được quyền sử dụng đối với các phần diện tích thuộc sở hữu chung trong nhà chung cư”.
Mà tại điểm l của điều 1 Hợp đồng có nói: “Phần sở hữu chung” trong nhà chung cư là các phần khác không thuộc sở hữu riêng của căn hộ nào, bao gồm: không gian và hệ thống kết cấu chịu lực, tường bao nhà, ….trang thiết bị kỹ thuật dùng trong tòa nhà gồm: khung cột dầm chịu lực, tường bao nhà…hộp kỹ thuật…
“Những quy định trên của Hợp đồng là phù hợp với điều 70 của Luật Nhà ở và điều 49 của Nghị định 71. Những quy định của Hợp đồng thể hiện rõ cách tính diện tích của chủ đầu tư theo cách thông thủy”, GS. Võ khẳng định về Hợp đồng bán nhà của Tập đoàn Nam Cường.
GS. Đặng Hùng Võ dẫn chứng thêm: Tại điều 15.6 của Hợp đồng quy định: “Mọi sửa đổi hoặc bổ sung Hợp đồng và các phụ lục đính kèm chỉ có hiệu lực thi hành nếu được lập văn bản và được các bên ký”. Do đó, GS. Võ nhấn mạnh: "Phụ lục hợp đồng không có chữ ký của khách hàng thì không được coi là văn bản hợp pháp".
“Như vậy, tại Hợp đồng đã ký kết có các quy định thể hiện rõ cách tính diện tích theo thông thủy mà phụ lục hợp đồng lại ghi thêm cách tính diện tích theo tim tường là không đúng vì theo quy định, phụ lục không được trái với nội dung của Hợp đồng trừ khi các bên có thỏa thuận khác”, GS. Võ khẳng định.
Như vậy, phải chăng Tập đoàn Nam Cường cố tình "thòng" phụ lục áp dụng cách tính diện tích căn hộ theo tim tường, trái với hợp đồng đã ký với khách hàng mua căn hộ qua đó "móc túi" khách hàng trái luật?