17/11/2020 8:36 AM
Nguồn vốn ODA trong thời gian vừa qua đã giúp chúng ta triển khai một số dự án quan trọng, song đã đến lúc cần nhìn nhận lại một số vấn đề liên quan đến các khoản cho vay này.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Năm 2020, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhưng kết quả vẫn chưa như kỳ vọng. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm, chưa đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương.

Đặc biệt là vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), hết 9 tháng mới giải ngân đạt 24,8% dự toán và lần đầu tiên một số bộ, ngành trả lại vốn ODA được giao. Bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với các đại biểu xung quanh vấn đề này.

ODA vẫn là dòng vốn quan trọng

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng trong bối cảnh nguồn thu bị thiếu hụt mà vẫn phải tăng chi thì bội chi là điều tất yếu. Khi nhu cầu đầu tư cao, chúng ta buộc phải tăng nguồn vay của Chính phủ, trong đó việc tăng vay có hai nguồn là vay trong nước và vay nước ngoài.

Các khoản vay trong nước của năm 2020 đã tăng nhưng cũng chỉ mới chú trọng tăng vay trong nước thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ. Điều nay sẽ dẫn đến tình trạng giữa Chính phủ và doanh nghiệp cùng đặt ra nhu cầu về huy động vốn thì sẽ tăng cầu vốn, dễ đẩy lãi suất tín dụng tăng lên.

Trên thực tế, điều này hoàn toàn không tốt cho quá trình tăng trưởng kinh tế, nhất là khi lãi suất tín dụng hiện nay đang thấp và là điều kiện rất tốt để đưa dòng vốn vào đầu tư, kinh doanh.

Vậy nên, để bù đắp nguồn vốn thiếu hụt thì nên cân đối các nguồn vốn quốc tế, đặc biệt là ODA - một trong những dòng vốn đáng quan tâm. Mặc dù, hiện chúng ta chưa phải là nước được hưởng nguồn vốn ODA ưu đãi, vẫn vay theo chính sách thương mại nhưng dù sao nguồn vốn này giá tương đối rẻ so với trong nước.

Nếu chúng ta sử dụng được hợp lý nguồn vốn ODA thì nên tính toán đến nguồn vốn này. Chúng ta có những nguồn ODA trực tiếp từ Chính phủ để giải quyết nhu cầu đầu tư công nhưng cũng phải cân nhắc khi Chính phủ giao cho các ngân hàng thương mại vay lại các nguồn ODA đó về để cho doanh nghiệp trong nước vay lại.

Điều này vừa bổ sung nguồn vốn cho vay của các ngân hàng, vừa bảo đảm trách nhiệm trả nợ của doanh nghiệp, không thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Bởi vậy, phương án sử dụng vốn vay ODA cũng nên được tính đến.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên có sự so sánh để cân nhắc giữa các nguồn vốn ODA, thu hút FDI so với nguồn vốn trong nước. Tuy nguồn vốn FDI thu hút hàng năm cũng khá lớn nhưng đây là nguồn vốn cho phát triển kinh doanh, không thể sử dụng nguồn vốn này cho đầu tư phát triển hạ tầng, đổi mới công nghệ, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong nước…

Như vậy, song hành với việc thu hút FDI vẫn phải có chính sách tăng cường thu hút nguồn vốn huy động trong nước và vay ở ngoài như ODA.

Nên “kén” vốn vay ODA giống như thực hiện với thu hút FDI

Theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh), việc cho vay lại vốn ODA để cung ứng vốn thực hiện các dự án đầu tư phát triển xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế quốc gia là một nghiệp vụ quan trọng của tổ chức tín dụng.

Cho vay lại vốn ODA tại tổ chức tín dụng là hoạt động được ủy quyền của Bộ Tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp vay lại nguồn vốn này để thực hiện dự án đầu tư nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng sự nghiệp đổi mới đất nước.

Để phản ánh tình trạng khoản nợ cho vay lại vốn ODA của tổ chức, có thể sử dụng chỉ tiêu tỷ lệ nợ quá hạn và tỷ lệ nợ xấu. Nợ quá hạn và nợ xấu thường xuất phát từ nguyên nhân bên vay lại gặp khó khăn về tài chính hoặc không nỗ lực trả nợ cho tổ chức.

Nguồn vốn ODA trong thời gian vừa qua đã giúp chúng ta triển khai một số dự án quan trọng. Tuy nhiên đã đến lúc chúng ta nhìn nhận lại một số vấn đề liên quan đến vốn ODA và cần xác định rõ đây hoàn toàn là một khoản vay miễn phí.

Hiện nay, có một số dự án ODA lãi suất thấp, thậm chí không lãi suất, nhưng ngược lại chi phí rất cao. Vì trên thực tế, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA thường đi kèm một số điều kiện ràng buộc mà những điều kiện này có thể phát sinh chi phí như điều kiện về thầu, đơn vị tham gia xây dựng…

Cùng đó, vốn ODA cũng cần đi kèm vốn đối ứng nên con số này cũng sẽ tỷ lệ thuận khi chi phí vốn cao. Thêm vào đó, dự án hạ tầng sử dụng vốn ODA còn gặp khó khăn chung nữa là vấn đề giải phóng mặt bằng bởi hàng loạt yếu tố liên quan đến đền bù đất… Từ đó dẫn đến điểm "nghẽn"cho các dự án sử dụng vốn ODA.

Bởi vậy trong thời gian tới, chúng ta cũng nên thận trọng với nguồn vốn này; đặc biệt đối với các nước cấp vốn ODA cũng cần phải được chọn lọc, giống như vốn FDI.

Với việc giải ngân chậm nguồn vốn ODA, Việt Nam sẽ phải trả phí cam kết đối với phần vốn vay chưa giải ngân. Bên cạnh đó, việc chậm giải ngân nguồn vốn ODA trong giai đoạn 2016-2020 sẽ gây sức ép lên ngân sách nhà nước trong giai đoạn trung hạn tới và phần nào ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam với các nhà tài trợ về khả năng hấp thụ nguồn vốn này.

dai bieu qh neu giai phap chon loc va su dung hop ly nguon von oda

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thu Hằng - Diệp Anh (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.