Sáng 8.11, ngày đầu tiên của đợt họp tập trung, Quốc hội thảo luận trên nghị trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng, chống dịch.

Thông tin nguồn lực chi cho chống dịch đến nay đã gần 100.000 tỷ đồng, đại biểu Trịnh Xuân An (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh) nhận định đây là con số rất lớn. Ông nhấn mạnh ngân sách Nhà nước thời gian qua phải căng ra lo chi cho chống dịch nên cần thắt chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý thu chi ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế, triệt để tiết kiệm các khoản chi.

“Lúc này ta phải thực sự tiết kiệm, thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng”, vị đại biểu tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.

Cùng với đó, cần huy động tối đa nguồn lực vào hoạt động kinh tế, nhất là ở địa phương trọng điểm, có chính sách hỗ trợ để không gây thiếu hụt lao động, thu hút lao động trở lại để tránh tình trạng người dân rời thành phố về quê, “người nghèo lại phải nuôi người nghèo”.

Nguồn lực chi cho chống dịch đến nay đã gần 100.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) đưa ra góc nhìn về vấn đề phân bố kinh tế rút ra từ dịch Covid-19. Ông cho biết nhiều đô thị lớn vẫn “ôm vào mình” những ngành gia công lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động. Điều này gây quá tải cho các trung tâm, chèn lấn các địa phương khác nghèo hơn. Đại biểu đề xuất xây dựng nhiều trung tâm, chuỗi đô thị, tại các vùng đô thị khác nhau, để tạo ra nhiều cực tăng trưởng mới.

Nêu ý kiến với báo cáo phòng, chống dịch của Chính phủ, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nhìn nhận Việt Nam đã tương đối kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, theo bà, bên cạnh gần 20.000 người chết vì Covid-19, còn nhiều trường hợp không được chăm sóc y tế tốt trong giai đoạn này và có thể gián tiếp ra đi vì Covid-19.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, phải xem lại thực trạng y tế cơ sở hiện nay. Hiện có 30% ngân sách của y tế dành cho y tế dự phòng, nhưng số địa phương thực hiện được điều này còn rất ít, chưa kể 30% này cũng chưa đáng kể gì nếu so với nhu cầu người dân.

Đại biểu TP.HCM cho rằng Chính phủ cần có chính sách, chủ trương xuyên suốt và chỉ đạo Bộ Y tế về xây dựng quan điểm phòng chống dịch.

Theo đại biểu Phong Lan, điều trị Covid -19 hiện nay là ngân sách chi trả nhưng việc phân công giữa ngân sách và bảo hiểm chưa rõ ràng nên các bệnh viện chưa rõ trong thanh toán. Về việc xét nghiệm nếu phân công rạch ròi để cho bảo hiểm thực hiện, cùng với cơ chế đấu thầu lựa chọn giá tốt nhất thì không có tình trạng loạn giá xét nghiệm như vừa qua.

Theo bà Lan, hệ thống y tế đã bỏ quên y tế tư nhân, hệ thống y tế tư nhân chưa được huy động kịp thời, chưa có cơ chế để tham gia vào chống dịch. Vaccine phòng Covid-19 chưa cho phép dịch vụ, trong khi vaccine dịch vụ cũng là một hình thức để xã hội đóng góp vào công tác này, đại biểu TPHCM cho ý kiến.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu vấn đề xã hội hóa trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 là một yếu tố quan trọng để huy động sức mạnh toàn dân. Tuy nhiên, xã hội hóa cần được thực hiện một cách thống nhất, trong một hành lang pháp lý, cơ chế huy động, kiểm soát rõ ràng, minh bạch và được tôn vinh xứng đáng.

“Đồng thời phải phòng ngừa, ngăn chặn những lùm xùm, tiêu cực như trong một số hoạt động thiện nguyện vừa rồi”, đại biểu Thắng nói.

Ông cũng chỉ ra một số bất cập trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua như điều kiện thiếu thốn, khó khăn, quá tải ở nơi cách ly tập trung, thu dung, điều trị người mắc Covid-19; trong khi khách sạn, cơ sở lưu trú lại không được sử dụng. Hay như việc cơ sở y tế tư nhân gần như đứng ngoài cuộc, trong khi y tế công lập quá sức.

Ông đề nghị rà soát, xem xét lại cơ chế chính sách để tận dụng tốt hơn nguồn lực sẵn có, phát huy tốt vai trò chủ động, sức mạnh của nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh. Chính phủ cần rà soát, ban hành quy định kịp thời thống nhất, luật hóa các hoạt động thiện nguyện, cứu trợ xã hội. Ngoài ra, người dân cần được tuyên truyền, hướng dẫn hỗ trợ các biện pháp cụ thể, có tính chuyên môn và ràng buộc pháp lý khi tham gia phòng, chống dịch như điều trị, cách ly tại gia đình, khu tập trung.

Khánh Chi
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.