Trong khi quỹ đất ngày càng khan hiếm, Đà Nẵng sẽ chọn hướng nào để phát triển và động lực tăng trưởng mới dành cho thành phố 25 tuổi này là gì?

Nhìn thẳng vào thực tiễn

Ngày 4/1/2021, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 2/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.

Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận, đánh giá cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, đổi mới, sáng tạo và khát vọng vươn lên của Đà Nẵng thời gian qua. Mặc dù kết quả phát triển kinh tế xã hội có mặt chưa đạt mục tiêu đề ra do gặp nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức nhưng thành phố đang thể hiện những tín hiệu tích cực; có triển vọng và cơ hội để phát triển bức phá trong thời gian tới.

Song, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, thách thức trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại thành phố trong thời gian tới.

Những hạn chế có thể kể đến như quy mô nền kinh tế nhỏ; cơ cấu kinh tế chưa hợp lý, cơ cấu nội bộ các khu vực kinh tế còn bất cập; phát triển chưa tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, vị thế và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, thành phố chưa có nhiều doanh nghiệp lớn; đổi mới, sáng tạo được quan tâm nhưng chưa thực sự trở thành động lực phát triển của nền kinh tế.

Ngoài ra, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn thấp, chưa có nhiều dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn. Công tác quản lý quy hoạch còn bất cập; giải ngân vốn đầu tư công, công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm còn chậm.

Chưa hết, việc thực hiện các kết luận thanh tra, điều tra, kiểm toán và thi hành các bản án chậm và phát sinh nhiều vướng mắc.

Từ thực tiễn nêu trên, Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng phải nắm chắc tình hình và yêu cầu thực tiễn. Công tác chỉ đạo, điều hành, các cơ chế, chính sách phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, từ điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của địa phương.

Cần tìm ra động lực phát triển mới

Thủ tướng yêu cầu thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế theo hướng hài hòa, cân đối, phù hợp hơn, gắn với đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh.

Đà Nẵng cần sớm khởi công xây dựng dự án bến cảng Liên Chiểu

Để có thể phát triển đột phá trong thời gian tới, thành phố Đà Nẵng phải tìm ra động lực phát triển mới dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động.

Đặc biệt là việc tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực cùng với việc tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội.

Đà Nẵng nên chú trọng hợp tác, liên kết phát triển vùng thực chất, hiệu quả; phối hợp triển khai hài hòa quy hoạch vùng và các quy hoạch quốc gia trên địa bàn vùng; khẩn trương, nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Trung tâm tài chính quy mô khu vực tại thành phố Đà Nẵng, phát triển kinh tế ban đêm, kinh tế số và đô thị thông minh.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đồng thời thu hút, trọng dụng nhân tài trong, ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế.

Đà Nẵng cũng cần tiếp tục đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Thành phố cần tăng cường huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công tư; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư và kích hoạt các nguồn lực xã hội.

Nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của thành phố trong giai đoạn tới, Thủ tướng Chính phủ thống nhất sớm thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng.

Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng, hoàn thành trong quý 1-2022.

Đối với Đề án thành lập Khu phi thuế quan, Thủ tướng đồng ý chủ trương nghiên cứu xây dựng đề án này. Trong quá trình xây dựng đề án, UBND thành phố Đà Nẵng cần phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan làm rõ sự cần thiết, cơ sở thực tiễn, mô hình, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xem xét, quyết định việc thành lập Khu phi thuế quan tại thành phố Đà Nẵng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quý 3-2022.

Đà Nẵng vẫn đang gặp phải khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành các bản án, kết luận thanh tra

Cú hích cho sự phát triển mới

Đối với dự án nâng cấp nhà ga hành khách T1 – Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Thủ tướng yêu cầu cập nhật việc xây dựng nhà ga hành khách vào Quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác có liên quan để có cơ sở triển khai thực hiện.

Sau khi quy hoạch này được phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải bổ sung dự án xây dựng nhà ga hành khách vào kế hoạch đầu tư xây dựng giai đoạn 2021-2025 để làm cơ sở triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.

Đối với dự án tuyến đường nối Khu công nghệ cao với đường vành đai phía tây, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan làm rõ sự phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và khả năng bố trí nguồn lực để xem xét, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án bố trí vốn.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho ý kiến chỉ đạo đối với kiến nghị về chuyển đổi công năng khu ký túc xá tập trung phía tây thành phố tại Khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh sang nhà ở công nhân.

Đặc biệt, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các Kết luận của Thanh tra Chính phủ và Bản án số 20/2020/HS-ST ngày 13/1/2020 (dự án 29 ha tại khu đô thị quốc tế Đa Phước). Đây là một trong những rào cản, vướng mắc lớn nhất làm cản trở sự phát triển của thành phố những năm gần đây.

  • Đà Nẵng từ hiện tại đến tương lai: Giải bài toán quy hoạch khi quỹ đất khan hiếm

    Đà Nẵng từ hiện tại đến tương lai: Giải bài toán quy hoạch khi quỹ đất khan hiếm

    Từng có một thời kỳ Đà Nẵng đẩy mạnh thực hiện chủ trương “đổi đất lấy hạ tầng”. Nhờ đó mà kết cấu hạ tầng đã được đầu tư phát triển đồng bộ, bộ mặt đô thị thành phố đã khang trang và hiện đại hơn, xứng tầm là đô thị loại 1, thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm phát triển của khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.