05/03/2019 8:05 AM
CafeLand - Tại sự kiện Tọa đàm mùa xuân 2019 diễn ra ngày 01/3/2019, chính quyền thành phố Đà Nẵng thông báo trao 20 giấy chứng nhận và nghiên cứu đầu tư vào địa bàn với tổng trị giá 4 tỉ đô la Mỹ. Con số này thu hút sự quan tâm của dư luận với những ngờ vực khác nhau. Nhiều người cho rằng Đà Nẵng cần cẩn trọng để tránh nạn đầu tư “ma”.

Trên tường cá nhân mạng xã hội Facebook, nhiều người là doanh nhân và nhà nghiên cứu kinh tế đã chia sẻ, việc Đà Nẵng nỗ lực thu hút đầu tư, kêu gọi phát triển kinh tế, lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp góp ý tham mưu là điều đáng ghi nhận. Nhưng với những gì đã trải qua gần 20 năm qua, Đà Nẵng cần hết sức tỉnh táo, thận trọng trước những dữ liệu có vẻ tích cực và tươi đẹp, để hạn chế đến mức thấp nhất những câu chuyện không vui về kết quả vận động “quá lạc quan”.

Những bài học còn đó

Một cựu cán bộ lãnh đạo xúc tiến đầu tư thành phố Đà Nẵng thổ lộ, hiện tại Đà Nẵng đang phải lo xử lý khá nhiều vụ trọng án kinh tế, hay nói chính xác hơn là hậu quả của những dự án đầu tư bất nhất, thiếu tính thực tế, với giá trị “đền bù” hàng ngàn tỉ đồng.

Điều này, liên quan đến thái độ lạc quan của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng nhiều năm qua, luôn cố gắng hỗ trợ cộng đồng nhà đầu tư đến với địa phương, “đến mức không đề phòng sự gian xảo của người khác”, như nhận xét của một chuyên gia kinh tế.

“Có quá nhiều bài học cay đắng Đà Nẵng phải trả suốt nhiều năm qua mà hậu quả đến giờ vẫn chưa lo xong”, một cựu cán bộ than thở như vậy.

Ví dụ, dự án Viễn Đông 84 Hùng Vương ngay giữa trung tâm Đà Nẵng. Sau lần khởi động rầm rộ với cuộc thi thiết kế có giải thưởng khủng, bức tranh đẹp về khung cảnh dự án làm xong, dự án đến nay vẫn chỉ là bãi đất lùm xùm.

Dự án Viễn Đông 84 Hùng Vương Đà Nẵng từng rất rầm rộ triển khai nhưng mãi đến nay cũng chỉ là bãi đất.

Dự án sân vận động Chi Lăng cũng tương tự. Từ bán đảo Sơn Trà đến chân cầu Thuận Phước, nơi đâu cũng ghi nhận dấu vết sai lầm của một Đà Nẵng quá cả tin, quá thân thiện để rồi tổn thất nặng nề.

Từ thực trạng đó, các chuyên gia kinh tế, quy hoạch đô thị Đà Nẵng đều bày tỏ quan ngại trước con số 4 tỉ đô la Mỹ sẽ đầu tư vào thành phố này, mà không biết thời điểm nào sẽ thành hiện thực và không biết tính khả thi của những lời hứa đầu tư bảo đảm thế nào.

Cần con số thực

Tại tọa đàm mùa xuân 2019, thành phố Đà Nẵng đã ký kết cùng Tập đoàn Sakae Holdings và Công ty Subarna Jurong (Singapore) về tư vấn lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; và thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030. Thành phố Đà Nẵng hy vọng, việc ký kết này sẽ tác động tích cực, thay đổi hiện trạng hạ tầng kinh tế.

Bên cạnh định vị nhà tư vấn quy hoạch, Đà Nẵng cũng chú trọng mục thu hút đầu tư, nhất là đầu tư kinh tế. Hai mươi dự án được địa phương chọn trao giấy phép đầu tư và cho phép nghiên cứu, với trị giá 4 tỉ đô la Mỹ có thể coi là “cú đấm” mạnh mà Đà Nẵng mong xoay chuyển hiện trạng đầu tư còn hạn hữu và lệch lạc hiện nay.

Sân vận động Chi Lăng, dự án thu hút đầu tư kinh tế khiến Đà Nẵng "ngậm trái đắng" 1.200 tỳ đồng đến nay vẫn chưa giải quyết được.

Tuy nhiên, theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế và quy hoạch, câu chuyện 20 dự án 4 tỉ đô la Mỹ cần nhìn nghiêm túc hơn, tin tưởng là có thật nhưng cần xác minh rõ con số. Trong 20 dự án này, có 12 dự án đang trong giai đoạn tìm hiểu, với trị giá 3,5 tỉ đô la Mỹ. Như vậy, liệu đây là con số thật hay không và khi nào mới thật, chưa có ai dám chắc cả.

Đồng thời, dư luận còn chỉ ra, nhà tư vấn quy hoạch lại cho Đà Nẵng, cũng là nhà đầu tư đăng ký dự án xây dựng Đà Nẵng Gateway, dự án 2 tỉ đô la Mỹ. Điều này dẫn ra nghi ngờ, liệu một nhà tư vấn với dự án cụ thể như vậy, có đủ khách quan để thiết kế, định hướng đô thị Đà Nẵng với tầm nhìn thỏa đáng? Thời hạn việc quy hoạch điều chỉnh cũng chỉ đến năm 2030, có đủ thuyết phục cộng đồng nhìn nhận tầm phát triển Đà Nẵng?

Dự án Đà Nẵng Gateway còn thể hiện một nghi hoặc cho cộng đồng, là dự án do công ty Sakae Holdings liên doanh công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Newtechco (Hà Nội) qua sàn giao dịch bất động sản. Công ty này, khi nhìn vào lịch sử hoạt động đăng tải qua website, không hề có năng lực nào cả.

“Một khi chưa ai xác thực thực tế vốn đầu tư, cộng đồng cần tỉnh táo để Đà Nẵng không lâm tiếp vào những dự án “tay không bắt giặc” mà mãi khi đáo hạn triển khai mới biết là không làm được. Nếu cứ mời gọi nhà đầu tư “ăn trước” cơ hội như vậy, Đà Nẵng sẽ gánh thêm các dự án “ma” và thêm những món nợ ngàn tỉ”, đại diện hội quy hoạch kiến trúc Đà Nẵng tâm tư như vậy.

Nhạc Duy Hạ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.