08/12/2015 7:56 AM
Sáng nay 8/12, HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII sẽ khai mạc kỳ họp thứ 15. Một trong những vấn đề dự kiến sẽ làm nóng diễn đàn kỳ họp lần này là tình trạng người Trung Quốc đầu tư kinh doanh chui, núp bóng mua gom đất ven biển, kết hôn trái quy định…
Người Trung Quốc đến Đà Nẵng tăng đột biến…

Như Infonet đã đưa tin, tại hội nghị lần thứ 24 Thành ủy Đà Nẵng khóa 20 (ngày 24/9), Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng Nguyễn Điểu từng lên tiếng cảnh báo về việc người nước ngoài giấu mặt mua gom đất ven biển, nhất là trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp – Trường Sa ngang qua khu vực sân bay Nước Mặn mà ông cho là rất “nguy hiểm”. Đến hội nghị lần 2 Thành ủy Đà Nẵng khóa 21 hôm 4/12 vừa qua (Infonet đã đưa tin) thì điều này không còn dừng ở mức cảnh báo nữa mà đã trở thành thực trạng được thể hiện bằng những số liệu cụ thể.

Tình trạng người Trung Quốc đầu tư kinh doanh chui, sử dụng lao động trái phép, mua gom đất ven biển, kết hôn trái quy định... đang diễn biến phức tạp trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng (Ảnh: HC)

Ông Đào Tấn Bằng, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn cho hay, theo báo cáo của Công an quận, từ đầu năm 2015 đến nay có 118.696 lượt người nước ngoài và 1.459 lượt người Việt Nam ở nước ngoài đến địa bàn quận, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2014. Đáng chú ý, việc Công ty Silver Shores khai thác trung bình mỗi tuần 57 chuyến bay từ các tỉnh của Trung Quốc đến Đà Nẵng đã khiến lượng khách Trung Quốc đến TP này nói chung, quận Ngũ Hành Sơn nói riêng tăng đột biến với khoảng 3.000 – 4.500 khách.

Bên cạnh đó, Công an quận Ngũ Hành Sơn ghi nhận, trong số 23 dự án du lịch đang triển khai dọc tuyến ven biển của quận có 10 dự án đã đi vào hoạt động, một số dự án khác đã đưa vào hoạt động một phần. Do vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao. Từ đầu năm đến nay có 435 lao động người nước ngoài làm việc trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, chủ yếu là lao động Trung Quốc làm việc cho Công ty Silver Shores.

Với số lượng lớn người nước ngoài làm việc, cư trú, đi lại, sinh hoạt khắp trên địa bàn, cùng với đó là số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành, lưu trú, nhà hàng, quán bar, hướng dẫn viên du lịch… cũng tăng nhanh chóng đã kéo theo nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự và khó khăn trong công tác quản lý.

Đầu tư chui, sử dụng lao động trái phép…

Cũng từ đầu năm 2015 đến nay, Công an quận Ngũ Hành Sơn đã phát hiện và phối hợp xử lý 13 vụ việc liên quan đến người nước ngoài (vi phạm luật giao thông, làm giả thẻ ATM, đột tử…); tiến hành kiểm tra 38 cơ sở nhà cho người nước ngoài thuê và ra quyết định xử lý vi phạm hành chính 06 cơ sở, nhắc nhở 11 trường hợp.

Ông Đào Tấn Bằng cho hay, thực trạng nổi lên thời gian qua đối với hoạt động đầu tư trực tiếp của người nước ngoài trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn là hành vi đầu tư kinh doanh chui. Công an quận đã phát hiện có 07 doanh nghiệp do người Việt Nam làm đại diện pháp luật song thực chất là người Trung Quốc đầu tư nguồn vốn. Những người Trung Quốc này thông qua các cá nhân người Việt Nam đứng tên để đứng đằng sau điều hành, quản lý doanh nghiệp tiến hành các hoạt động kinh doanh nhằm trốn thuế và bỏ qua các thủ tục phê duyệt, cấp phép kinh doanh.

Bên cạnh đó là tình trạng vi phạm các quy định về tuyển dụng và sử dụng người lao động người nước ngoài không được cấp giấy phép lao động. Có không ít người nước ngoài được doanh nghiệp bảo lãnh nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích du lịch nhưng thực chất là ở lại làm việc. Cụ thể là trường hợp Công ty Sichuan Huashi (Trung Quốc) nhận thầu dự án Silver Shores giai đoạn 2 đã sử dụng 68 lao động làm việc sai mục đích nhập cảnh.

Việc quản lý sinh hoạt của số công nhân Việt Nam và công nhân Trung Quốc của dự án chưa chặt chẽ, lại bất đồng ngôn như nên đã xảy ra một số vụ mâu thuẫn, xô xát, đánh nhau, gây mất an ninh trật tự tại công trường thi công dự án. Trong khi số lao động Trung Quốc được các dự án tuyển dụng ngày càng đông thì cơ sở vật chất lại chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt.

Công trình ký túc xá cho công nhân viên của Công ty Silver Shores tại phường Hòa Hải vấp phải nhiều ý kiến phản đối do vị trí công trình nằm giữa hai trận địa pháo phòng không C2 và C11. Trong khi Sở Xây dựng đang có công văn xin ý kiến về việc cấp phép xây dựng ký túc xá này tại khu Bá Tùng (phường Hòa Quý) thì một số công nhân Trung Quốc tự thuê nhà trong các hộ dân trên địa bàn, dẫn đến tình trạng không khai báo tạm trú hoặc khai báo không đầy đủ, kịp thời.

Mua gom đất, kết hôn trái quy định!

Đáng chú ý, ông Đào Tấn Bằng cho hay, tình trạng người Trung Quốc mua bán đất trên tuyến đường Trường Sa – Võ Nguyên Giáp đang diễn biến rất phức tạp. Công an quận đã phát hiện 07 công ty do người Trung Quốc đầu tư chui, đứng đằng sau nhờ người Việt Nam đứng tên mua 74 lô đất và 71 cá nhân người Việt Nam đứng tên cho người Trung Quốc mua 138 lô đất. Việc làm này đã dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình quản lý.

Ngoài ra, cũng đang nổi lên tình hình một số chuyên gia, công nhân Trung Quốc lấy vợ Việt Nam, sinh con và cư trú lâu dài tại địa phương, trong đó có trường hợp kết hôn vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam. Hiện quận Ngũ Hành Sơn đã phát hiện 03 trường hợp người Trung Quốc sống như vợ chồng, có con với phụ nữ địa phương.

Cũng theo ông Đào Tấn Bằng, sự thông thoáng về thủ tục, điều kiện cấp thị thực cho người nước ngoài đã bị một số doanh nghiệp lợi dụng tư cách pháp nhân để chỉ bảo lãnh cấp thị thực cho người nước ngoài, còn họ vào trong nước thế nào, hoạt động ra sao thì doanh nghiệp không nắm được. Do vậy đã có tình trạng một số doanh nghiệp lữ hành cho các đoàn khách du lịch Trung Quốc sau khi hết thời hạn tạm trú vẫn cố tình ở lại và có các hoạt động sai mục đích.

Như Infonet đã đưa tin, ngày 26/11 đã xảy ra vụ ông Li Mu Zi (31 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) bị kẻ lạ mặt mai phục bắn chết trước cổng nhà bố vợ ở số K184/22 Nguyễn Duy Hiệu (tổ 89, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Ông này từng bị trục xuất khỏi Việt Nam trước thời hạn do núp bóng Công ty Phát triển du lịch Thiện Mỹ Hoàn Á Việt Nam do bạn gái (sau đó kết hôn và có con với nhau) là bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga (24 tuổi) đứng tên để thường xuyên tổ chức hoạt động du lịch trái phép cho nhiều đoàn người Trung Quốc đến Đà Nẵng.

Từ vụ việc này, tại hội nghị lần thứ 2 Thành ủy Đà Nẵng khóa 21 hôm 4/12, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh đã nêu rõ, đây là bài học đối với Đà Nẵng trong công tác quản lý người nước ngoài. Có thông tin cho hay, việc quản lý lưu trú đối với ông Li Mu Zin của Công an phường An Hải Đông và cảnh sát khu vực An Cư 3 là “có vấn đề”.

Vì vậy, ông Nguyễn Xuân Anh yêu cầu công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn phải hết sức chặt chẽ, không được phép chủ quan. Bên cạnh đó, phải tăng cường quản lý quy hoạch tại một số khu vực nhạy cảm có yếu tố người nước ngoài trên địa bàn TP. Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã có ý kiến không cho ghép thửa, xây dựng các công trình cao tầng tại các khu vực nhạy cảm.

Ông cũng yêu cầu ngành VH-TT-DL và quản lý xuất nhập cảnh hết sức lưu ý tình trạng khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam để hoạt động du lịch “chui”, không có giấy phép; mang danh nghĩa vào du lịch nhưng tự thuê khách sạn, đưa tour, đưa tuyến vào… gây bát nháo thị trường du lịch trên địa bàn. Không để trên địa bàn Đà Nẵng xảy ra tình trạng không kiểm soát được khách nhập cảnh du lịch nhưng thực chất là đi làm ăn, mở tour, mở tuyến.

Hải Châu (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.