20/08/2016 9:34 AM
Để tháo dỡ một tòa nhà đã xuống cấp là điều rất dễ dàng nhưng nếu Đà Nẵng tháo dỡ tòa nhà 70 Bạch Đằng thì không chỉ xóa đi một công trình đã xuống cấp, mà điều quan trọng hơn gấp trăm ngàn lần là xóa đi một dấu tích trăm năm!

Tháo dỡ tòa nhà 70 Bạch Đằng...

Như tin đã đưa, chiều 18/8, ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã có cuộc gặp gỡ báo chí trên địa bàn để cung cấp một số thông tin liên quan đến việc Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng chuyển trụ sở đến địa chỉ mới ở số 12 Trần Phú và “nhường” khu nhà 70 Bạch Đằng được xây dựng theo kiến trúc Pháp cổ đã hơn 100 năm tuổi để mở rộng trụ sở Thành ủy Đà Nẵng.


Bên kia tường rào tòa nhà 70 Bạch Đằng là trụ sở Thành ủy Đà Nẵng, nơi vốn là một ngân hàng do người Pháp xây dựng cách đây hơn trăm năm, còn tòa nhà 70 Bạch Đằng là tư dinh của ông Giám đốc ngân hàng đó! (Ảnh: HC)

Để rộng đường dư luận, PV Infonet đã tường thuật đầy đủ nội dung giải thích của lãnh đạo TP Đà Nẵng liên quan đến vụ việc này. Tuy nhiên do thời gian có phần hạn hẹp nên tại cuộc gặp chiều 18/8, báo chí chưa thể có sự trao đổi rốt ráo. Qua nhiều phản hồi của bạn đọc, PV Infonet nhận thấy có một số vấn đề cần tiếp tục đặt ra ngỏ hầu góp phần tìm được lời giải tối ưu nhất.

Có thể thấy, qua những giải thích tại cuộc gặp báo chí chiều 18/8 thì lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng đã quyết định tháo dỡ tòa nhà 70 Bạch Đằng, do “đã xuống cấp, chất lượng còn lại dưới 50%”; “đã sử dụng gần 100 năm, hết niên hạn sử dụng theo Thông tư 203/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính”; “không nằm trong 16 công trình công cộng cần bảo tồn, vì không có giá trị tiêu biểu về mặt kiến trúc”; “không đảm bảo an toàn cho những người làm việc trong đó”...

Để tháo dỡ một tòa nhà đã xuống cấp đến mức đó là điều rất dễ dàng. Tuy nhiên sẽ không dễ chút nào nếu nhận thức rằng với việc tháo dỡ tòa nhà 70 Bạch Đằng, chúng ta không chỉ là xóa đi một công trình đã xuống cấp, mà điều quan trọng hơn gấp trăm ngàn lần, là chúng ta xóa đi một dấu tích trăm năm!

... Là xóa đi dấu tích đầu tiên của ngành tài chính – ngân hàng Đà Nẵng

Như nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An (nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng) đã cho biết, tòa nhà 72 Bạch Đằng, tức trụ sở Thành ủy Đà Nẵng hiện nay, nguyên là một ngân hàng do người Pháp xây dựng; còn tòa nhà 70 Bạch Đằng nằm ngay bên cạnh là tư dinh của ông Giám đốc ngân hàng đó. Sau khi chúng ta tiếp quản năm 1975 thì tòa tư dinh này trở thành trụ sở của Mặt trận cho đến nay.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An cũng cho biết, khi ông còn làm Chủ tịch Mặt trận TP Đà Năng thì có đoàn làm phim của Pháp đến thăm, quay phim tòa nhà 70 Bạch Đằng để làm một bộ phim về các công trình kiến trúc cổ của Pháp ở Đông Dương. Họ bày tỏ mong muốn tòa nhà sẽ tiếp tục được lưu giữ vì đây là một trong số ít ỏi các kiến trúc cổ của Pháp còn lại ở Đà Nẵng.

Cái ngân hàng mà nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An đề cập hiện đã bị xóa sổ. Nhưng dấu tích của nó thì vẫn còn lưu ở tòa nhà 70 Bạch Đằng, tư dinh cũ của ông Giám đốc ngân hàng. Và có thể nói, đó là dấu tích đầu tiên của ngành tài chính – ngân hàng Đà Nẵng, đến nay đã hơn trăm năm tuổi.

Một trong những định hướng phát triển chiến lược của Đà Nẵng là phát triển dịch vụ, trong đó có dịch vụ tài chính – ngân hàng. Chưa biết khi nào Đà Nẵng có thể trở thành một trung tâm tài chính – ngân hàng của khu vực, nhưng ngay từ bây giờ, bằng vào dấu tích tòa nhà 70 Bạch Đằng, TP đã có thể nói với bạn bè khu vực và thế giới rằng ngành tài chính – ngân hàng của mình đã có lịch sử hơn trăm năm. Có được bao nhiêu địa phương trong cả nước có thể nói được điều đó? Chúng tôi e là không nhiều!

Và xóa đi chứng nhân của những biến thiên lịch sử

Quan trọng hơn nữa, như ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Đà Nẵng đã nhấn mạnh, tòa nhà 70 Bạch Đằng là nơi sau khi tiếp quản Đà Nẵng tháng 3/1975 thì Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và sau này là Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng đã liên tục làm trụ sở hoạt động để thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là địa chỉ về lịch sử và văn hóa, thể hiện chính sách đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn TP Đà Nẵng trong suốt hơn 40 năm qua.

Kết nối những yếu tố đó cho thấy tòa nhà 70 Bạch Đằng là một trong những chứng nhân lịch sử từ buổi đầu người Pháp đặt chân xâm lược nước ta, trải qua hai cuộc kháng chiến, cho đến ngày đất nước thống nhất và thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng cho đến ngày hôm nay.

Có thể tòa nhà 70 Bạch Đằng “không nằm trong số 16 công trình công công cũ có giá trị tiêu biểu về mặt kiến trúc”, nhưng so với một số công trình khác trong danh sách này như 34 Bạch Đằng (Công ty CP Cung ứng tàu biển), 58 Bạch Đằng (Văn phòng Foodinco), 20 Trần Phú (Chi nhánh Viettrans Đà Nẵng), 87 Trần Phú (Đội thi hành án quận Hải Châu)... thì chắc chắn tòa nhà 70 Bạch Đằng có bề dày lịch sử hơn hẳn.

Chưa kể, báo cáo khoa học “Đánh giá các công trình kiến trúc cũ có giá trị của TP Đà Nẵng và các giải pháp bảo tồn, tu tạo, khai thác sử dụng” (do Sở Xây dựng Đà Nẵng chủ trì năm 2006) thực ra chỉ là ý kiến của một nhóm tác giả nghiên cứu thuộc trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đà Nẵng, chứ không thể là sự phán quyết về số phận của một tòa nhà.

Họ chủ yếu đánh giá về mặt kiến trúc, có quyền đưa ra danh mục các công trình mà họ cho là có giá trị tiêu biểu về mặt kiến trúc, nhưng họ không đủ thẩm quyền phán quyết về mặt văn hóa, lịch sử để kết luận tòa nhà 70 Bạch Đằng không đáng để bảo tồn, không cần phải bảo tồn.

Chúng tôi tin là không một người hay một nhóm người nào có quyền phán quyết về điều đó. Ví dụ, Đà Nẵng có thể đề xuất công nhận tòa nhà 70 Bạch Đằng là Di tích quốc gia. Bộ VH-TT-DL có thể công nhận, có thể không, nhưng kể cả Bộ cũng không có thẩm quyền phán quyết tòa nhà này không được bảo tồn!

Quyền phán quyết thuộc về lịch sử Đà Nẵng, nhân dân Đà Nẵng

Quyền phán quyết về điều đó thuộc về lịch sử Đà Nẵng, thuộc về nhân dân Đà Nẵng. Lịch sử Đà Nẵng thì như đã nêu. Nhân dân Đà Nẵng thì chưa được lấy ý kiến. Do vậy, việc lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng dẫn báo cáo “Đánh giá các công trình kiến trúc cũ có giá trị của TP Đà Nẵng và các giải pháp bảo tồn, tu tạo, khai thác sử dụng” để đi đến quyết định tháo dỡ tòa nhà 70 Bạch Đằng, theo chúng tôi là chưa thuyết phục.

Mặt khác, có thể nói, qua toàn bộ giải thích của lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng thì nguyên nhân căn bản nhất để phải mở rộng trụ sở Thành ủy chính là “phục vụ tổ chức các hội nghị Thành ủy, hội nghị cán bộ chủ chốt TP; các buổi tiếp đón, làm việc với lãnh đạo Đảng, Nhà nước... và đón tiếp các đoàn khách quốc tế”, phục vụ cho việc “xe ô tô đưa đón đại biểu ra vào, đậu đỗ” để người dân khỏi nhắn tin góp ý, phê bình.

Đây cũng là điểm chưa thuyết phục. Bởi, Đà Nẵng có Trung tâm Hành chính (TTHC) cách trụ sở Thành ủy chỉ năm, bảy trăm mét. Trong TTHC có hàng loạt hội trường, phòng họp lớn nhỏ, từ đáp ứng vài chục người đến vài trăm người, thậm chí cả ngàn người, cùng các phòng khánh tiết có thể tiếp đón, làm việc với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn khách quốc tế. Gần hơn là trụ sở HĐND TP, vốn là trụ sở UBND TP Đà Nẵng, là nơi thường xuyên tổ chức các kỳ họp HĐND TP và hiện cũng đang được mở rộng hội trường.

Ở những nơi đó, việc đậu đỗ xe không phải là vấn đề. Vậy tại sao Thành ủy Đà Nẵng không tận dụng các cơ sở vật chất đó để tổ chức các hội nghị Thành ủy, hội nghị cán bộ chủ chốt TP, các buổi tiếp đón, làm việc với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đón tiếp các đoàn khách quốc tế? Đâu cứ phải cơ sở vật chất của TTHC chỉ để phục vụ UBND TP, cơ sở vật chất của HĐND TP chỉ để phục vụ HĐND TP, còn Thành ủy thì nhất thiết phải tạo dựng cơ sở vật chất cho riêng mình?

Nếu làm được điều đó, Thành ủy Đà Nẵng sẽ tăng cường khai thác công suất của các cơ sở vật chất đã đầu tư để tránh lãng phí, sẽ tiết kiệm ngân sách (cũng là tiền thuế của dân) cho việc xây dựng, mở rộng công sở, và đặc biệt là sẽ giúp giữ lại được cho TP một dấu tích trăm năm mà nếu xóa đi thì rất dễ, nhưng xóa đi rồi thì sẽ vĩnh viễn không bao giờ còn tìm lại được. Ký ức của TP, theo đó mà cũng dần nhạt phai trong các lớp con cháu về sau.

Nếu làm được điều đó, Thành ủy Đà Nẵng sẽ rất... ĐẮC NHÂN TÂM!

Hải Châu (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.